Đặt vòng hơn 1 năm mà vẫn hai vạch
Sau khi sinh cậu con trai đầu lòng năm 2015, chị Trần Thị Thao quyết định đặt vòng khi bé trai được 5 tháng tuổi. Bởi công việc khá bận rộn nên chị chưa có ý định sinh thêm bé thứ hai vào thời điểm này.
Mẹ 9x xinh đẹp Trần Thị Thao (Ảnh NVCC)
Những tưởng đặt vòng là biện pháp tránh thai hiệu quả nhất rồi nên chị cũng yên tâm. Thế nhưng gần đây, chị bỗng thấy người mệt mỏi, uể oải, ăn uống không ngon miệng giống như hồi mới mang bầu bé đầu tiên. Ban đầu chị nghĩ, đặt vòng rồi thì bầu bí làm sao được, chắc do cơ thể mệt mỏi. Thế nhưng khi thấy kinh nguyệt của mình bỗng dưng bị trễ. Nghi ngờ nên chị Thao mua que thử và thật bất ngờ que thử lên 2 vạch căng nét.
Chị Thao lo lắng khi đặt vòng rồi mà que thử thai vẫn hiện 2 vạch (Ảnh NVCC)
Niềm vui có con đến bất ngờ nhưng cũng khiến chị không khỏi lo lắng, bàng hoàng. Chị không thể tin được là mình đặt vòng rồi mà vẫn có bầu được. Chị tìm hiểu thì được biết, có bầu khi đã đặt vòng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro như nguy cơ sảy thai, sinh non, thai không phát triển…
Quá bất an nên chị đã phải lên cầu cứu kinh nghiệm của các mẹ bỉm sữa trên một group dành cho hội chị em.
Trả lời phỏng vấn, chị Trần Thị Thao cho biết: "Mặc dù là ngoài ý muốn, nhưng mình vẫn cảm thấy rất hạnh phúc khi biết sắp có thêm một em bé. Trong hôm nay mình sẽ tới bệnh viện để kiểm tra xem thai đã vào tử cung chưa bởi mình mới chỉ dùng que thử thai mà thôi. Mình sẽ cố gắng làm mọi điều có thể để giữ lại con. Hi vọng rằng em bé đang khỏe mạnh và phát triển tốt".
Video: Kỳ diệu mang thai từ phôi đông lạnh từ 10 năm trước
Vì sao đặt vòng rồi vẫn có thể mang bầu?
Trả lời trên báo chí, TS – BS Lê Thị Thu Hà, trưởng khoa Hậu sản M, BV Từ Dũ TP. HCM cho biết, trên thực tế không hiếm những trường hợp đã đặt vòng rồi mà vẫn có bầu và sinh con bình thường. Nguyên nhân do do tỉ lệ thành công khi tránh thai bằng phương pháp đặt vòng chỉ chiếm 99,2% chứ không phải 100%. Điều này có nghĩa là cứ 1000 ca đặt vòng tránh thai thì có 8 ca thất bại.
Nhiều người vì chủ quan, nghĩ rằng đã đặt vòng thì không thể có thai nữa nên thường không đi khám sức khỏe hay kiểm tra lại. Tuy nhiên, có những trường hợp vòng bị lệch hoặc tuột sẽ dẫn đến có thai ngoài ý muốn.
Tỷ lệ tránh thai thành công khi đặt vòng chỉ là 99,2%
Do đó sau khi đặt vòng, chị em vẫn nên tuân thủ lịch khám định kỳ 3 tháng một lần để xác định xem vòng còn ở đúng vị trí hay không. Đặc biệt nếu cơ thể xuất hiện các triệu chứng như rong kinh, huyết trắng bất thường, đau bụng dưới, kinh nguyệt nhiều hơn các tháng khác thì có thể vòng tránh thai đã bị lệch, chị em nên đi khám sớm để điều chỉnh lại vị trí vòng tránh thai.
Đặt vòng rồi mà có thai có nguy hiểm không?
Nếu đặt vòng mà chị em vẫn có thai và muốn giữ lại thai, các BS sẽ theo dõi quá trình phát triển của thai kỳ kèm chiếc vòng. Nếu chiếc vòng lệch thấp, nó sẽ được lấy ra. Nếu vòng ở vị trí cao, nằm ngoài túi thai thì lúc sinh, chiếc vòng sẽ cùng với nhau thai tuột ra ngoài. Ở Việt Nam những trường hợp này cũng khá nhiều.
Trong trường hợp mang thai dù đã đặt vòng, nếu thai đã vào tử cung thì vẫn em bé vẫn có khả năng phát triển khỏe mạnh và bình thường. Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ thai nằm ngoài tử cung và cần sự can thiệp của bác. Bên cạnh đó, có một tỷ lệ nhất định nguy cơ sảy thai, thai lưu, rỉ ối hoặc sinh non do chiếc vòng tránh thai.
Chính vì thế trường hợp mang thai khi đã đặt vòng thì chị em cần đi khám thai định kỳ và kiểm tra thường xuyên để phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra.
Bình luận