UBND TP.HCM vừa có quyết định thu hồi 6.274,5m2 đất tại địa chỉ số 33 đường Nguyễn Du và số 34 - 36 - 42 đường Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé, quận 1).
Các lô đất này được Nhà nước giao cho Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) quản lý, sử dụng từ sau năm 1975. Thế nhưng sau đó, Vinafood 2 đã "thần tốc" chuyển nhượng từ "đất công thành đất ông" cho Công ty TNHH Quảng cáo Xây dựng Địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân).
Theo Kết luận số 2099 của Thanh tra Chính phủ, năm 2015, Vinafood 2 đã trình Bộ NN-PTNT xin chủ trương hợp tác với Công ty Việt Hân để thực hiện Dự án xây dựng khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại trên các lô đất nói trên.
Toàn cảnh khu "đất vàng" số 33 đường Nguyễn Du và số 34 - 36 - 42 đường Chu Mạnh Trinh (Ảnh: Thy Huệ)
Hình thức hợp tác là Vinafood 2 góp vốn bằng quyền sử dụng đất (QSDĐ) và tài sản trên đất (tương đương 20% cổ phần), còn Công ty Việt Hân góp 80% vốn bằng tiền mặt, giá trị ước tính hơn 2.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó, Vinafood 2 đã tự thay đổi hình thức góp vốn sang tiền mặt 160 tỷ đồng, giúp Công ty Việt Hân giảm giá trị vốn góp xuống còn 800 tỷ đồng, giảm khoảng 1.100 tỷ đồng so với thỏa thuận trước đây.
Sau đó, không rõ vì động cơ gì, 4 cơ sở nhà đất và 20% vốn góp tại liên doanh đã được Vinafood 2 ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ cho Công ty Việt Hân với tổng giá trị 730 tỷ đồng (570 tỷ đồng QSDĐ và tài sản trên đất của 4 cơ sở nhà đất, 160 tỷ đồng 20% vốn góp).
Chỉ trong khoảng 2 tháng (từ tháng 10-12/2015), bằng hàng loạt thủ thuật khác nhau, khu đất "vàng" 6.274,5m2 mà Nhà nước giao cho Vinafood 2 quản lý, sử dụng đã chính thức về tay Công ty Việt Hân với tổng giá trị 730 tỷ đồng. Ngay sau đó, Công ty Việt Hân cùng một số cá nhân, tổ chức khác đã liên tục thực hiện các phi vụ chuyển nhượng qua lại để thu lợi hàng nghìn tỷ đồng chỉ trong thời gian ngắn.
Đầu tiên, Công ty Việt Hân đã nhanh tay bán ngang giá 99% cổ phần tại Công ty Việt Hân Sài Gòn (tương đương 792 tỷ đồng) cho bà Hoàng Ngọc Cẩm Hồng. Bà Hồng tiếp tục sang tay ngay số cổ phần vừa mua cho Công ty Cổ phần BĐS Mùa Đông với giá 1.980 tỷ đồng, thu lãi gần 1.200 tỷ đồng.
Tiếp đó, Công ty Việt Hân và Công ty Cổ phần BĐS Mùa Đông chuyển nhượng toàn bộ 100% cổ phần Công ty Việt Hân Sài Gòn cho 2 pháp nhân mới với giá 2.250 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Cổ phần Saigon Dimension nhận 60% và Công ty Đầu tư BOB 40%.
Bên trong khu đất "vàng" là bãi giữ xe và hàng chục hộ dân sống "treo" trên quy hoạch hơn chục năm nay. (Ảnh: Thy Huệ)
Chủ mới của Công ty Việt Hân Sài Gòn sau giai đoạn 2016 còn lập dự án khống, thế chấp các giấy chứng nhận QSĐĐ của khu đất vàng vay hàng nghìn tỷ đồng từ ngân hàng.
Như vậy, trong thời gian rất ngắn, khu đất "vàng" gần 6.300m2 giữa trung tâm quận 1 đã trở thành miếng mồi béo bở giúp nhiều cá nhân, tổ chức thu lợi hàng nghìn tỷ đồng.
Phi vụ công - tư, giữa Vinafood 2 và Công ty Việt Hân những tưởng đã trót lọt, nhưng sau đó đã bị Thanh tra Chính phủ vạch trần bằng Báo cáo kết luận số 2099 với từng chi tiết sai phạm của các bên liên quan. Trong đó, xác định Vinafood 2 đã có hành vi chuyển hóa tài sản Nhà nước sang tư nhân, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, trái quy định pháp luật.
Công ty Việt Hân được thành lập từ năm 2006 với vốn điều lệ 320 tỷ đồng. Công ty sau đó tăng vốn lên gấp 5 lần, đạt 1.600 tỷ đồng, trong đó, ông Đinh Trường Chinh sở hữu 49% vốn, Công ty CP Đầu tư phát triển Hà Tây sở hữu 39% và phần còn lại do một số cá nhân nắm giữ. Ở giai đoạn đầu, ông Đinh Trường Chinh giữ vai trò Chủ tịch HĐQT công ty, bà Đinh Thị Châu Hương (em gái ông Chinh) giữ vai trò Tổng Giám đốc.
Công ty Việt Hân cũng là pháp nhân tham gia cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh Nhà (nay là Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh Nhà - HDTC), công ty thành viên của Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn. Năm 2016, khi HDTC cổ phần hóa, Công ty Việt Hân được UBND TP.HCM chấp thuận làm nhà đầu tư chiến lược mua 34,79% cổ phần. Sau đợt đấu giá công khai, công ty này đã mua thêm 17,35% vốn, nâng tỷ lệ nắm giữ tại HDTC lên 52,14%.
Bình luận