Thiếu đất luôn là nguyên nhân trong các báo cáo về khó khăn trong việc xây dựng, mở rộng các trường. Nhưng thực tế tại Hà Nội, đất xây trường học không thiếu.
Học sinh Trường mầm non Quang Trung chơi trên vỉa hè đường Nguyễn Du - Ảnh: Ngọc Thắng |
Đống Đa là quận còn tới 4 phường trắng trường mầm non công lập, 4 phường chưa có trường tiểu học công lập, trong đó phường Ngã Tư Sở thiếu cả trường mầm non, lẫn tiểu học, THCS.
Báo cáo của UBND quận này cho biết, có tới 22/24 trường mầm non công lập trên địa bàn quá tải, trường tiểu học cũng vậy. Trường tiểu học Nam Thành Công chỉ rộng 9.028m2 nhưng có tới 62 lớp và 3.385 học sinh, mỗi lớp đều hơn 60 học sinh, bình quân 2,66m2/học sinh, gấp đôi so với quy định của Bộ GD-ĐT.
Trong khi đó, có 2 tòa nhà 27 tầng, và 5-7 dự án chung cư cao tầng đã và đang triển khai trên địa bàn phường Láng Hạ, khiến nhu cầu về trường học của khu vực này càng tăng, cần phải có thêm 1 trường tiểu học 30 lớp.
Theo rà soát của UBND quận Đống Đa, khu đất của Công ty Ong trung ương (số 19 Trúc Khê) có diện tích lên tới 5.000m2 nhưng một phần cho thuê, phần còn lại sử dụng không hiệu quả.
Tương tự, Trường mầm non Vĩnh Hồ của phường Thịnh Quang hiện đang sử dụng 2 căn hộ của khu tập thể Vĩnh Hồ với tổng diện tích khoảng 150m2 để nuôi dạy trẻ.
Ban giám hiệu và khối hành chính của trường phải ở một buồng vẻn vẹn 7m2, không có các phòng học chuyên môn, bếp nấu ăn, khu vệ sinh các lớp không đảm bảo yêu cầu.
Trong khi đó, Công ty TNHH một thành viên cung ứng nhân lực và thương mại quốc tế tại số 358 đường Láng có diện tích hơn 3.600m2 thì lại đang để cho thuê. Điều đáng nói là công ty này đã có trụ sở chính tại Mỹ Đình.
Với phường Ngã Tư Sở và Trung Liệt, nơi đang thiếu trường nhất thành phố, UBND quận Đống Đa đề nghị thành phố thu hồi 3.068,5m2 trụ sở của Công ty xuất nhập khẩu mây tre đan Việt Nam để làm trường mầm non.
Tương tự, hai khu đất của Công ty cổ phần hóa dược VN (phố Tây Sơn) và Hợp tác xã công nghiệp Đống Đa (phố Thái Thịnh) đều nằm trong danh sách các cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc 17 lĩnh vực sản xuất có khả năng ô nhiễm môi trường.
Do vậy UBND quận này cũng đề nghị TP cho di dời để xây dựng trường tiểu học cho phường Ngã Tư Sở, nơi chưa có trường tiểu học nào.
Theo bà Hà Thị Lê Nhung, Phó chủ tịch UBND quận Đống Đa, Công ty cổ phần hóa dược VN hiện đang lập dự án xây dựng nhà ở cao tầng nhưng UBND quận đã phải rất nỗ lực làm việc với đơn vị để dành khoảng 1.500m2 đất xây dựng trường mầm non.
Phường Phương Mai cùng quận cũng chưa có trường mầm non công lập, UBND quận đề nghị thu hồi hơn 2.700m2 đất của Công ty cổ phần nhựa y tế ở 89 Lương Định Của để xây dựng trường mầm non.
Còn phường Quốc Tử Giám, nơi chưa có trường tiểu học, trường mầm non nằm trong quy hoạch sắp bị giải phóng mặt bằng để mở đường.
Trong khi đó, Công ty cổ phần lắp máy điện nước ở ngõ Thông Phong đang dành khoảng 1.200m2 đất cho bệnh viện tư nhân thuê. Theo bà Nhung, địa chỉ này nằm trong khu đông dân cư, rất tốt nếu xây trường mầm non.
Được biết, UBND quận Đống Đa đã phối hợp với các ngành chức năng thu hồi đất để xây dựng 4 trường mầm non tại 4 phường còn đang trắng.
Đó là Trường mầm non Láng Thượng gần chùa Láng, dự kiến khởi công tháng 4.2012; Trường mầm non Phương Mai tại địa chỉ 89 Lương Định Của; Trường Trung Liệt cạnh ao Thước Thợ, trong khu vực công viên Đống Đa; tại phường Ngã Tư Sở, thu hồi 1.500m2 đất ở 100 Thái Thịnh để xây trường.
Nỗ lực kể trên của Q.Đống Đa được đánh giá là chậm trễ, tuy nhiên nhiều người cho rằng muộn còn hơn không.
Mục tiêu của TP.Hà Nội năm 2012 - 2013 là xóa phường trắng trường mầm non, tiểu học. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo khẳng định: những khu đất hoang hóa, chậm sử dụng, sử dụng sai mục đích hoặc không hiệu quả, đất của các cơ sở chuyển ra ngoại thành phải được thu hồi để xây dựng công trình xã hội, trong đó ưu tiên trường học. |
Theo Thanh niên
Bình luận