Tôi về thăm lại khu phố cũ - nơi tôi đã gắn bó 15 năm trước khi chuyển vào Nam sinh sống - nghe chuyện bà Nhàn mà lòng không khỏi ngậm ngùi. Nhà bà Nhàn đối diện với cổng nhà tôi, bà có một cậu con trai và một cô con gái.
Cô con gái lấy chồng tít trong Lâm Đồng, chả mấy khi về thăm mẹ. Còn cậu con trai đã có tuổi nhưng không chịu lập gia đình.
Trước đây, gia đình bà cũng thuộc diện khá giả nhưng rồi của nả trong nhà cứ đội nón ra đi vì thằng con trai chỉ biết ăn, phá, chơi bời. Trước khi qua đời vì bạo bệnh, chồng bà nắm tay vợ dặn dò:
- Bà cố gắng tìm cho nó một cô vợ, biết đâu nó sẽ thay đổi tâm tính, chí thú làm ăn. Tiền bạc trong nhà cứ đội nón ra đi vì con trai bà Nhàn chỉ biết nhậu nhẹt, chơi bời. (Ảnh minh họa)
Bà rủ rỉ nhiều lần nhưng Long không chịu, cũng nhiều đám mai mối nhưng không thành. Thấy thiên hạ bằng tuổi người ta đã có cháu bế cháu bồng, bà vừa thương con vừa sốt ruột nhưng mỗi lần nhắc đến việc lấy vợ là Long lại cáu.
Lâu dần bà cũng không đả động đến nữa. Thế rồi một ngày Long đưa về một cô gái tên Linh giục mẹ cưới. Nghe đâu, cô ta mồ côi bố mẹ từ nhỏ, từ quê lên sống với vợ chồng người anh họ và phụ giúp bán quán bia hơi.
Nhìn bề ngoài cô ta cũng hiền lành, xởi lởi, với lại bấy lâu cũng đang mong con trai cưới vợ nên bà Nhàn mừng lắm vội xúc tiến ngay. Đám cưới diễn ra sau đó đúng một tháng.
Tưởng cưới vợ xong - nhất là khi có con - Long sẽ tu chí làm ăn, nào ngờ vẫn chứng nào tật nấy. Long bài bạc, lô đề, cá độ bóng đá thâu đêm suốt sáng, lắm lúc đi cả tuần không về. Có hôm đêm khuya mò về nhà, người sặc sụa mùi rượu, Long kiếm chuyện gây sự với vợ.
Bà Nhàn thấy thế lại đứng ra can ngăn, có lần còn bị đòn oan. Thương con dâu vất vả, cực nhọc, bà Nhàn ra sức đỡ đần. Cả ngày trông cháu mệt phờ nhưng rảnh ra là bà lại tranh thủ giặt giũ, dọn dẹp, cơm nước để con dâu đi về còn có thời gian nghỉ ngơi.
Biết tính Long hay gây sự nên nhiều khi Linh đi ăn cưới, đi gặp gỡ bạn bè về muộn bà toàn đứng ra che chắn. Linh làm gì sai bà cũng đứng ra nhận thay để Long không đánh mắng Linh.
Bà rất thích có thêm cháu, nhưng khi Linh có ý định sinh đứa con thứ hai thì bà đã khuyên:
- Có một đứa mà con đã vất vả vậy rồi, thêm đứa nữa con lại cực nhọc gấp đôi, mẹ sợ con không kham nổi, thôi cứ thư thả con ạ.
Mẹ chồng nàng dâu sống cùng nhà tránh sao được những lúc xích mích, nhưng những khi đó bà lại nghĩ con dâu mình thiệt thòi hơn người khác nên lại bỏ qua và chủ động làm lành với Linh. Thấy con dâu suốt ngày bị chồng đánh đập, bà Nhàn lại càng dành tình thương cho Linh hơn. (Ảnh minh họa).
Có đợt, ông chú họ từ nước ngoài về mang biếu lọ thuốc bổ. Thuốc quý cho những người có tuổi nhưng bà lại thấy con dâu gầy ốm, xanh xao nên lại nhường.
Hai mẹ con cứ đẩy qua đẩy lại, cuối cùng bà nói khó nên Linh mới chịu dùng. Thỉnh thoảng, nói chuyện với hàng xóm bà lại khoe :
- Cái Linh nó biết điều lắm, thấy tôi đau nó nhờ người cắt thuốc Nam trên Lào Cai về sắc cho tôi uống, thi thoảng nó lại mua cho tôi cái áo, cái quần. Quần áo mình không thiếu nhưng được con dâu sắm cho cũng thấy vui.
Hàng xóm nghe thế cũng mừng cho bà. Con gái thì lấy chồng xa, có thằng con trai ở gần coi như bỏ đi rồi. May là tuổi già bà Nhàn có cô con dâu ngoan hiền, mẹ con nương tựa vào nhau.
Bà cũng tâm niệm thế cho nên sổ hưu bà cũng đưa cho Linh giữ. Bà cũng chẳng giấu gì Linh, bà còn sổ tiết kiệm 200 triệu gửi ngân hàng. Giấy tờ nhà đất bà cũng hứa sau này cũng sẽ sang tên cho vợ chồng Linh.
Đùng một cái, bà ốm một trận thập tử nhất sinh. Con gái cũng chưa ra kịp, đêm hôm trong bệnh viện một mình Linh cận kề chăm sóc. Lúc ấy bà nghĩ: tuổi già như ngọn đèn trước gió biết sống chết thế nào, con nó đã hết lòng với mình thì mình cũng chẳng tiếc gì.
Thế nên sau khi khỏi ốm bà đã bàn với Linh việc sang tên nhà. Khi nghe bà nói, Linh cảm kích lắm nhưng cũng lăn tăn:
- Mẹ biết tính anh Long rồi đó. Con sợ mẹ sang tên cho cả hai vợ chồng, anh Long lại đòi bán, lúc đó con chắc cũng chẳng giữ nổi đâu.
Bà nghe cũng có lí, của nả đặt vào tay thằng con trai bà chẳng khác nào gió vào nhà trống. Và vì bà cũng tin tưởng con dâu còn hơn con ruột của mình, giao cho Linh thì mai sau nó còn giữ lại được cho cháu của bà. Thế là bà lẳng lặng làm thủ tục sang tên nhà cho con dâu.
Nhưng cuộc đời chẳng ai đọc được chữ ngờ. Trong thời gian con gái sinh, bà vào Lâm Đồng ba tháng, ở nhà con dâu bà lén lút bán nhà. Lúc đầu thấy cửa nhà đóng im ỉm cả tuần, hàng xóm cứ nghĩ là mấy hôm cắt nước chắc Linh đưa con về nhà anh chị tá túc, đến khi thấy có một gia đình khác dọn đến ở, cả ngõ không khỏi ngỡ ngàng.
Khi biết chuyện, bà Nhàn không tin nên tức tốc quay về nhà. Cô con gái cũng sửng sốt theo mẹ ra. Tận mắt nhìn thấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã sang tên cho chủ khác, bà Nhàn đã suy sụp và phát bệnh.
Còn Linh thì đã ôm con bỏ đi biệt xứ. Long cũng đã lùng sục tìm kiếm khắp nơi nhưng vô ích. Nhiều lần đến tìm anh chị họ Linh để dò la tung tích thì họ cũng bức xúc:
- Cưu mang nó bấy lâu nay vậy mà lúc bỏ đi nó còn vơ trộm tiền nhà tôi nữa đây này. Anh mà tìm thấy nó làm ơn báo công an gông cổ nó vào tù.
Đầu hai thứ tóc giờ bà phải cùng con đi ở trọ. Nỗi đau dường như nhân đôi khi mỗi lần Long về nhà là lại chì chiết, tránh móc mẹ. Có lúc vì khát tiền, Long đay nghiến:
- Giờ bà đã sáng mắt ra chưa? Bị dồn vào đường cùng là tại bà hết đấy.
Có lẽ vì quá căng thẳng nên bệnh của bà Nhàn ngày càng nặng. Cô con gái hết đưa mẹ vào bệnh viện rồi lại đến trại tâm thần. Long thì dường như bỏ mặc mẹ. Hàng xóm vào thăm, bà cũng chẳng nhận ra ai, chỉ luôn miệng gào khóc:
- Cháu tôi đâu, nhà tôi đâu, trả lại đây cho tôi.
Giận mẹ nhưng biết mẹ chẳng còn chỗ bấu víu nên cô con gái lại phải quay ra Bắc xin việc để ở gần chăm sóc mẹ. Cũng chưa thể chuyển cả gia đình ra nên trước mắt đành phải chấp nhận, chồng một nơi, vợ một nơi, hai đứa con nhỏ phải sống xa mẹ.
Hàng xóm ai cũng thương bà Nhàn, vì cả đời bà sống hiền lành, tử tế, tốt bụng với mọi người nhưng cũng cứ trách bà sao lại cả tin đến vậy.
Còn tôi, tôi nghĩ khác. Dù là dâu hay rể, khi đã xem như con trong nhà thì việc đặt trọn niềm tin vào đó có gì là sai? Tôi chỉ trách cô con dâu của bà Nhàn, đành rằng người đàn ông cô chọn làm chồng chẳng ra gì nhưng đó là lựa chọn của cô.
Và nếu không thể tiếp tục chung sống với nhau thì có thể ra tòa li hôn. Còn bà Nhàn, bà đâu có lỗi gì để đáng bị cô đối xử như thế?
Và ở một phương trời nào đó, liệu có khi nào cô đặt tay lên trán nghĩ xem mẹ chồng mình giờ sống chết ra sao và tự vấn lương tâm mình khi đã làm một việc thất đức và tội lỗi với một người đã tin tưởng, chở che, đã dành cho cô tình yêu thương vô bờ của một người mẹ như thế?
Tâm Giao
Bình luận