(VTC News) – Những nghi vấn lan truyền kiểu có hay không việc ‘dàn cảnh’ tàu Sunrise 689 bị cướp đang nhân lên nỗi đau của những người gặp nạn và chính gia đình họ.
Những ngày qua, vụ việc tàu Sunrise 689 cùng 18 thuyền viên gặp nạn trên biển thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận cả trong và ngoài nước.
Rất nhiều giả thiết được đặt ra khi tàu Sunrise 689 mất tích. Ban đầu, hầu hết đều nghiêng về giả thiết tàu đã gặp cướp bởi hải trình mà con tàu này đi qua có nhiều nơi cướp biển hoành hành manh động.
Sau đó, thông tin chính thức về vụ cướp đã được xác nhận từ chính thuyền trưởng tàu Sunrise: “Tàu bị cướp biển tấn công nhưng may mắn chỉ có 2 người bị thương nhẹ, đang trên đường trở về…”
Người mẹ già thắt ruột ngóng tin con(Ảnh: Minh Khang) |
Nhưng, cũng từ lúc hay tin cả 18 thuyền viên trên tàu may mắn thoát nạn sau vụ cướp, không ít người đã vội đặt ngay nghi vấn về chuyện “dàn dựng” kịch bản bị cướp của chính các thành viên trên con tàu.
Những câu hỏi “vì sao bọn cướp không giết người, cướp hết tài sản mà lại thả cho về?; rồi “lô hàng trên tàu không xuất trình được chứng từ xuất xứ nguồn gốc”… cứ lan truyền đi với tốc độ chóng mặt trên các trang mạng xã hội, thậm chí được đăng tải trên cả một vài tờ báo chính thống khiến sự ngờ vực ngày càng nhân lên.
Các thuyền viên phục vụ công tác điều tra khi tàu về tới Việt Nam (Ảnh: Phan Cường) |
Thì đã đành, trước khi sự việc còn chưa rõ ràng, mỗi cá nhân đều có quyền đặt ra nghi vấn này kia và chuyện rỉ tai nhau như kiểu “tin đồn” dù kinh khủng với những người gặp nạn nhưng nếu nó chưa “chính thống” thì cũng có thể tạm thời coi như chưa có.
Bản chất câu chuyện đã khác khi những nghi ngờ đó được chính báo chí chính thống đăng tải với những lập luận thiếu căn cứ, có phần suy diễn trên sự tưởng tượng về diễn biến các vụ cướp biển kinh hoàng xem qua phim ảnh. Lúc này vụ việc đã được đẩy đi xa hơn, có phần bất nhẫn với những người bị nạn và chính người thân của họ.
Video: Thuyền viên kể lại chuyện bị cướp biển tấn công
Thực tế chuyện cướp biển tấn công tàu, cướp hàng rồi thả cho về không phải là chuyện lạ, lần đầu mới gặp trong khu vực Đông Nam Á.
Ông Noel Choong, người đứng đầu bộ phận báo cáo về cướp biển của Cơ quan Hàng hải Quốc tế có trụ sở ở Kuala Lumpur xác nhận với BBC, đây là vụ cướp biển thứ 12 trong khu vực đông nam Á kể từ tháng Tư đến nay.
“Các vụ khác cũng nhắm vào tàu dầu và cướp biển cũng thả tàu sau khi lấy hàng”, ông Noel Choong thông tin trên BBC Việt ngữ.
Như vậy, việc cướp biển tấn công rồi thả tàu, thả người là không hiếm.Sự thực, những ngày qua, bao nghi vấn tưởng chừng vô hại của nhiều người trong vụ việc tàu Sunrise 689 gặp nạn khiến những người trong cuộc thảng thốt, gia đình người bị nạn thắt lòng.
Có hay không chuyện tàu Sunrise 689 bị cướp là việc cơ quan chức năng phải điều tra, xác minh theo đúng trình tự thủ tục Luật tố tụng và cơ quan tố tụng phải thực hiện các biện pháp theo quy định. Đặc biệt, đây là vụ cướp được xác định diễn ra trong khu vực giáp ranh biên giới giữa các nước, nên quy trình giải quyết vụ việc khá phức tạp, cần nhiều thời gian hơn nữa.
Video: Lấy lời khai các thuyền viên
Đến thời điểm này, việc lấy lời khai, xác minh hiện trường vụ tàu Sunrise 689 vẫn đang được các cơ quan chức năng tiến hành khẩn trương để đưa ra kết luận sớm nhất về vụ việc.
Đương nhiên điều tra đúng quy trình, thận trọng, đưa ra kết luận chính xác là việc phải làm để có câu trả lời chính xác nhất cho vụ việc.
Dù sự thật có thế nào, chúng ta cũng nên chờ cơ quan chức năng kết luận, thay vì võ đoán hồ đồ, truyền tin, rỉ tai nhau, thậm chí đưa lên cả các phương tiện thông tin đại chúng, làm hoang mang dư luận.
Trước khi có kết luận cuối cùng, xin đừng tự ý nhân thêm nỗi đau của con người trong cơn hoạn nạn.
Hoàng Trần
Bình luận