Khoảng trống đòi hỏi phải lấp đầy
Một nghiên cứu cho thấy, mục tiêu của 70% khách quốc tế tới Việt Nam là du lịch khám phá. Mức chi tiêu cho dịch vụ tham quan giải trí chỉ chiếm có 11,9% tổng chi phí chuyến đi (quá khiêm tốn so với tỉ lệ 50% đến 70% mà Malaysia và Thái Lan đạt được).
Việc không có sản phẩm hấp dẫn buộc du khách mở hầu bao là một thực tế đáng buồn mà du lịch Việt đã nhiều năm loay hoay tháo gỡ mà chưa xong. Chính vì vậy, cho dù tốc độ tăng trưởng khách quốc tế hàng năm khiến nhiều bè bạn ghen tỵ, thậm chí còn đứng vị trí thứ 6 trong Top 10 điểm đến phát triển nhanh nhất thế giới năm 2017, doanh thu từ du lịch của chúng ta vẫn chạy dài so với các nước láng giềng.
Còn nhớ mười năm về trước, ngày Đà Nẵng ra mắt khu du lịch Bà Nà Hills, ngành công nghiệp không khói nước nhà đang lao đao. Dư âm cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 khiến lượng khách du lịch quốc tế tới Việt Nam năm 2009 sụt giảm, chỉ còn xấp xỉ 3,8 triệu lượt.
Trong số đó, chỉ có 300.000 lượt khách chọn Đà Nẵng làm nơi dừng chân. Khách quan mà nói, nếu không có khủng hoảng thì ngoài những bãi biển đẹp hoang sơ, ngày đó Đà Nẵng cũng gần như chưa có thứ gì đủ hấp dẫn để níu chân du khách, buộc họ phải đến. Khắp Việt Nam thời đó, chỉ mỗi Tp.HCM là có hai công viên giải trí lớn: Công viên văn hóa Đầm Sen và Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên.
Sự thiếu thốn những trải nghiệm vui chơi, giải trí chính là một trong những nguyên nhân khiến Đà Nẵng nhiều năm liền vẫn chỉ là “trạm trung chuyển” du khách đi Huế và Hội An. Vắng bóng các công viên giải trí lớn, du lịch Việt Nam thời kỳ đó chỉ biết mang “tài nguyên” sẵn có ra để “bán”, hết rừng vàng đến biển bạc, núi cao thì đến thung lũng hoang sơ, bản làng mộc mạc. Du khách trong nước cùng lắm thì đến hè ra biển tắm mát, ăn hải sản. Du khách nước ngoài có tiền cũng chẳng biết tiêu vào đâu.
Viên gạch đầu tiên cho ngành công nghiệp giải trí
Ngày Bà Nà khai trương tuyến cáp treo đầu tiên, nhiều người Đà Nẵng còn nhớ lắm cái sự háo hức xếp hàng dài chờ được đi cáp của hàng ngàn người dân, du khách. Mười năm qua, Bà Nà giờ đã trở thành cái cớ để người ta cần phải đi Đà Nẵng.
Cảnh sắc ngoạn mục như cõi tiên, Làng Pháp như “một Paris thu nhỏ”, Cầu Vàng được ví von như “bước ra từ huyền thoại”, những lễ hội không dứt, Bà Nà Hills làm được điều kỳ diệu hiếm hoi, đó là khiến du khách phải nhiều lần trở lại, thay vì chỉ khám phá một lần cho biết rồi thôi.
Năm 2015, khi lượng khách quốc tế vào Việt Nam sụt giảm liên tục suốt 11 tháng, vậy mà lượt khách đến Đà Nẵng vẫn tăng trưởng ngoạn mục 33,1%. Thành công ấy có phần đóng góp rất lớn của Bà Nà Hills. Nói như ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Tiên Phong Travel, “nếu không có điểm đến hấp dẫn này, chưa chắc du khách đã biết tới Đà Nẵng và thành phố này khó có thể đứng trong Top 10 điểm đến du lịch hàng đầu thế giới như bây giờ”.
Phó Giám đốc TransViet Travel thì khẳng định, “từ khi có Bà Nà Hills, lượng khách đến Đà Nẵng thực sự bùng nổ”. Mười năm qua, lượt khách đến với Bà Nà tăng gấp 160 lần, lượng người đến với Đà Nẵng liên tục tăng tới 463%. Theo thống kê, cứ ba khách nước ngoài đặt tour tới thành phố biển xinh đẹp này thì có tới hai người yêu cầu check in trên cây Cầu Vàng “Top 100 điểm đến tuyệt vời năm 2018”. Những con số thật sự ấn tượng!
Khơi nguồn và lan toả
Tròn một thập kỷ sau dấu mốc Bà Nà Hills, ngành du lịch Việt Nam đã thực sự chuyển mình. Xấp xỉ 15,5 triệu khách quốc tế đã đặt chân tới dải đất hình chữ S trong năm 2018. Gần 7,3 triệu bạn bè năm châu đã đến với Việt Nam, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2019. Năm 2016, 1,28 triệu khách nước ngoài đã chọn khám phá Đà Nẵng, gấp hơn bốn lần năm 2009. Từ đó tới nay, khách quốc tế tới Đà Nẵng tăng trưởng 25%/năm, doanh thu từ du lịch tăng bình quân 30,6%/năm. Năm 2018, đã có tới 7,6 triệu du khách đến đây và chỉ ba tháng đầu 2019, con số đó đã là 1,8 triệu lượt.
Trước đây, du khách thường tập trung vào mục đích thăm thú, ngắm cảnh, khám phá các vùng đất và những nền văn hóa mới. Nhưng ngày nay, khi kinh tế phát triển và hội nhập thế giới sâu rộng hơn, nhu cầu của họ cũng dần thay đổi. Các điểm du lịch hấp dẫn còn phải tích hợp nhiều tiện ích giải trí thú vị để kỳ nghỉ của du khách là chuỗi trải nghiệm ấn tượng.
Du lịch giải trí cũng vì thế mà trở thành xu hướng tất yếu. Xu hướng này không chỉ tạo ra những trải nghiệm mới mẻ thu hút du khách mà còn là "mỏ vàng" lớn cho các quốc gia cùng đơn vị đầu tư nếu biết tận dụng hiệu quả. Thành công của chuỗi 14 công viên chủ đề Disney Land là một minh chứng rõ nét.
Du lịch giải trí Việt Nam, sau khi Bà Nà Hills mở đường, đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Chỉ riêng hệ thống Sun World của Sun Group đã có tới 5 công viên khắp ba miền, từ Sun World Danang Wonders (Đà Nẵng), Sun World Fansipan Legend (Lào Cai) hay Sun World Halong Complex (Quảng Ninh) đến Sun World Hon Thom Nature Park (Nam Phú Quốc).
Tập đoàn Vingroup cũng triển khai mô hình Vinpearl Land tại nhiều điểm đến như Nha Trang, Phú Quốc… Arena triển khai một tổ hợp vui chơi – sự kiện – giải trí mang tên Arena Cam Ranh… Nền móng cho một ngành công nghiệp giải trí, dù rằng còn khá non trẻ như hiện nay ở Việt Nam, đã được khởi xuất đầy hứa hẹn từ Bà Nà Hills của Sun Group.
Hè 2019, anh bạn tôi, lần thứ sáu, lại chọn tái ngộ thành phố sông Hàn. Lý do, “để xem Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng và lên Bà Nà xem Vũ hội Ánh dương – show nghệ thuật đẳng cấp quốc tế mới toe vừa ra mắt”. Anh cười, “đâu chứ Bà Nà Hills, còn lâu gia đình mình mới chán nhé”.
Bình luận