Ông Hà Văn C. (96 tuổi, trú tại Nam Khê, Uông Bí, Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, thở yếu, không còn nhận biết được xung quanh, nhịp tim rất chậm, rời rạc chỉ 40 lần/phút. Trong khi chỉ số thông thường là từ 60 đến 90 lần/phút. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, người bệnh được chẩn đoán Block nhĩ thất độ III và chỉ định đặt máy tạo nhịp tạm thời.
Theo Ths.Bs Nguyễn Đình Bảng - khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, việc cấp cứu, đặt máy tạo nhịp kịp thời giúp người bệnh tránh được những cơn ngất lịm và nguy cơ có thể đột tử do ngưng tim. Sau can thiệp người bệnh được chuyển lên khoa Nội tim mạch để điều trị rối loạn nhịp.
Sau khi sức khỏe ổn định, các bác sĩ nhận định trường hợp block nhĩ thất hoàn toàn không hồi phục, việc đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn là bắt buộc để duy trì sự sống và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Được sự đồng thuận và tin tưởng từ phía người nhà, các bác sĩ đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn cho người bệnh. Kết quả sau can thiệp và điều trị tốt, nhịp tim của người bệnh đã về với chỉ số như người hoàn toàn khỏe mạnh.
Các bác sĩ cho hay, ở người bệnh thông thường, nhịp tim dao động từ 60-100 lần/phút, nếu dưới 60 lần/phút là nhịp chậm.
Ở một số người khỏe mạnh hay các vận động viên, nhịp tim có thể chậm 40-60 lần/phút bởi các trường hợp này tim co bóp ít nhịp đã đủ nhu cầu của cơ thể. Còn những trường hợp còn lại nhịp tim dưới 60 lần/phút có thể là biểu hiện của trường hợp bất thường bệnh lý như: Suy nút xoang, bệnh lý đường dẫn truyền trong tim… Đặc biệt rối loạn nhịp chậm tăng cao ở những người cao tuổi..
Vì vậy khi có các triệu chứng sớm như ngất, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, tức ngực, khó thở, người bệnh cần chủ động đi khám bệnh là cách có thể phát hiện bệnh sớm giúp tránh cho người bệnh những biến chứng không mong muốn.
Bình luận