Chiêu “tạo sóng” bất động sản từ các thông tin về hạ tầng
Bằng những thông tin “truyền tai” của các môi giới nhà, đất như tuyến đường 3,5 đoạn qua huyện Hoài Đức (Hà Nội) có chiều dài hơn 4,9km chuẩn bị được xây dựng, đường vành đai 4 được quy hoạch triển khai hay việc phát triển của một số dự án đô thị của các chủ đầu tư bất động sản lớn,… giá đất ở huyện Hoài Đức đã tăng lên nhanh chóng thu hút các nhà đầu tư.
Chị V.C.T. ở Hai Bà Trưng (Hà Nội) đang “ngắm nghía” đầu tư một lô đất dịch vụ đầu khu đô thị Kim Chung – Di Trạch. Đất dịch vụ chưa được giao nhưng mua lại suất giá khoảng 40 triệu đồng/m2. Trong khi đó, trước đây một thời gian giá chỉ 25 - 27 triệu đồng/m2.
Không chỉ ở khu đô thị Kim Chung - Di Trạch, tại các khu đô thị Lideco, Nam An Khánh, Vân Canh,… bỗng nhiên tăng giá. Mức giá khoảng 18 - 20 triệu đồng/m2, nay đã tăng lên mức 30 - 35 triệu đồng/m2. Giá bất động sản trong mùa dịch tăng 30 - 40% so với đầu năm.
Một môi giới bất động sản cho biết, thông tin về làm tuyến đường 3,5 nên giá nhà, đất ở huyện Hoài Đức tăng lên, dù đang trong mùa dịch COVID-19. Lượng người đến xem nhà đất ở các văn phòng cũng đang tăng lên đáng kể.
“Nếu tuyến đường 3,5 được khởi công cùng với việc triển khai các dự án dọc tuyến Đại lộ Thăng Long thì giá đất nhiều nơi sẽ lên đến trên 70 triệu đồng/m2 chứ không phải giá 30 - 40 triệu đồng/m2 như hiện nay”, môi giới nhà đất nói.
Không chỉ có giá nhà, đất tại các dự án đô thị cũ tăng, đất thổ cư tại Hoài Đức cũng đã tăng lên, giá đất thổ cư trong xã Vân Canh (Hoài Đức) ngõ ô tô có thể vào được khoảng 40 triệu đồng/m2, nhân viên môi giới bất động sản cho hay.
Nhà đầu tư thận trọng khi “thả gà ra đuổi”
Việc thổi giá đất khu vực các huyện ngoại thành Hà Nội là câu chuyện không mới. Trước đây, khi có chủ trương xây dựng thành phố thông minh ở huyện Đông Anh, giá đất đã từng bị thổi lên gấp 2 - 3 lần so với trước và cũng chỉ được một thời gian ngắn thị trường đã điều chỉnh về đúng giá thực.
Chính tại huyện Hoài Đức, thời điểm cuối năm 2018, khi có thông tin Hoài Đức chuẩn bị lên quận vào năm 2020, giá đất đã được các “cò” đẩy lên. Sau đó, khi thông tin lên quận được xác thực lại, cuối năm 2019 giá đất tại đây đã xuống nhiều so với trước, tính thanh khoản của thị trường cũng không khả quan.
Sau những đợt “tạo sóng” với các thông tin về hạ tầng, dự án sắp triển khai,… giá đất được đưa lên cao hơn nhiều giá trị thực. Những đợt sóng cũng thu hút không ít nhà đầu tư muốn “lướt sóng” nhưng sau một thời gian, những thông tin thực tế chỉ ở dạng “tin đồn”, dự án chưa có thời gian triển khai cụ thể thì thị trường sẽ tự điều chỉnh về đúng giá trị của nó. Nhà đầu tư sẽ vào thế tiến thoái lưỡng nan, bán ra thì lỗ và chờ đợi thì không biết đến bao giờ dự án triển khai.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, thị trường bất động sản ngoài hệ thống môi giới chuyên nghiệp vẫn tồn tại những hạt sạn, đó là những “cò nhà đất”. Lực lượng này một phần làm méo mó thông tin, giá nhà đất trên thị trường.
“Người mua nhà để tránh bị cuốn vào những vòng xoáy của “cơn sốt ảo” thì cần thận trọng hơn khi tìm hiểu dự án để mua nhà, việc tìm hiểu phải qua nhiều kênh thông tin, qua những địa chỉ uy tín” - ông Điệp nói.
Khi có các dự án hạ tầng mới được đầu tư triển khai thì thì bất động sản cũng tăng giá, đây là quy luật thị trường. Đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kết cấu hạ tầng đáp ứng được yêu cầu của người dân, nhưng thông tin này phải xác thực và nhà đầu tư cần hoạch định rõ lộ trình đầu tư, lướt sóng trên thị trường với các thông tin “ảo” rủi ro rất lớn, ông Điệp phân tích thêm.
Trong thời điểm dịch COVID-19 với những diễn biến bất thường, thị trường bất động sản đang trầm lắng, dù có thông tin tốt nhưng giá nhà, đất tăng là “nghịch lý”.
Bình luận