• Zalo

Đặt hoa, nến tưởng niệm bé trường Gateway: Văn minh hay vô ích?

Giáo dụcThứ Bảy, 10/08/2019 18:17:00 +07:00Google News

Trước hành động đặt hoa tưởng niệm bé trai đã mất trước cổng trường Gateway, nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh việc có nên thực hiện việc này hay không.

Những ánh nến xếp thành hình trái tim, nhiều đóa hoa trắng được đặt ngay ngắn bên cạnh di ảnh của Lê Hoàng Long - cậu bé 6 tuổi tử vong vì bị bỏ quên trên ôtô đưa đón cách đây 3 ngày - tại cổng trường quốc tế Gateway sáng 9/8.

Chia sẻ với PV, chị Phan Ngọc Minh, một phụ huynh đến đặt hoa và nến tưởng niệm bé Long, cho rằng hành động này rất bình thường trong xã hội văn minh.

"Một ước vọng tha thiết nhất là mỗi đứa trẻ trên đất nước này luôn được sống, được lớn lên bình yên trong tình yêu thương của toàn xã hội", chị Minh nói.

Đồng quan điểm với chị, Hùng Trần cho rằng đây là hành động "dĩ nhiên phải vậy" vì nó không chỉ dạy cho trẻ phải biết tưởng nhớ và trân trọng, mà còn là lời nhắc nhở với người lớn.

"Các bé hoàn toàn có thể qua đây thể hiện sự cảm thương, nhân ái cơ bản với một sinh mạng cũng giống như mình, mong manh, vô tội và dễ bị tước đoạt. Từ đó, các con sẽ ý thức được hơn về việc bảo vệ sự an toàn của bản thân. Bé mất ở đâu thì đặt hoa ở đó, không có gì sai", Vi Tường Vi bày tỏ.

dat-hoa-tuong-niem

Những bó hoa và nến tưởng niệm bé Lê Hoàng Long. (Ảnh: Phan Ngọc Minh)

Tuy nhiên, bên cạnh ý kiến cho rằng đây là "hành động văn minh", nhiều người bày tỏ quan điểm đặt hoa và di ảnh của cháu bé trước cổng trường có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý các học sinh ở lứa tuổi nhỏ. Sự đau lòng, tiếc thương nên được thể hiện theo cách khác.

Trong thông báo trên trang web chính thức ngày 9/8, trường Gateway cũng đề nghị mọi người không thực hiện các hoạt động tưởng niệm trước cổng trường.

"Các hoạt động tưởng niệm ngay trước cổng trường (như đặt vòng hoa, thắp nến, đặt ảnh…) có thể gây ra những ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng và lâu dài cho các em học sinh còn rất nhỏ tuổi", thông báo của trường Gateway viết.

Ở Mỹ cũng tranh cãi 

Không chỉ ở Việt Nam, vấn đề tưởng niệm người đã mất cũng tạo ra nhiều cuộc tranh cãi tại các trường học tại Mỹ.

Tháng 11/2013, vụ việc hơn 10 học sinh trường trung học Lakeview, Michigan bị ban giám hiệu yêu cầu lộn trái áo phông ra mặc khiến nhiều phụ huynh bức xúc.

Phía trước áo của các học sinh này in lớn dòng chữ Caitlyn Jackson - tên của người bạn cùng lớp đã mất vào tuần trước sau thời gian dài chiến đấu với căn bệnh ung thư.

Trong khi các bậc cha mẹ và học sinh cho rằng mặc áo in tên của Caitlyn là việc làm ý nghĩa để tưởng nhớ bé gái 12 tuổi xấu số, ban giám hiệu nhà trường lại có suy nghĩ khác.

Bà Amy Jones, giám đốc tài chính của Lakeview, cho biết quyết định của nhà trường dựa trên "kế hoạch xử lý khủng hoảng". Kế hoạch nhằm hạn chế những hoạt động tưởng niệm người đã mất, khơi gợi nỗi đau cho các học sinh khác.

Bà Jones nói thêm chính sách này "dựa trên rất nhiều ý kiến nghiên cứu và tư vấn chuyên gia”.

dat-hoa-tuong-niem-2

 Nhiều trường ở Mỹ hạn chế và cấm hoạt động tưởng niệm người mất. (Ảnh: Times)

Tuy nhiên, quyết định sau đó vấp phải sự phản đối của nhiều người, trong đó có cả cha mẹ của Caitlyn, người chưa từng được nhà truờng hỏi ý kiến về vấn đề này.

“Tôi đau đớn đến mức không nghĩ mình sẽ bị tổn thương đến thế”, bà Melinda Jackson, mẹ của Caitlyn, nói.

Tại nhiều trường học ở Mỹ, khi một học sinh hay giáo viên mất, các nhân viên, bạn học và thầy cô khác thường đặt một chiếc ghế, trồng cây xanh hay một tấm bảng để tôn vinh người bạn, đồng nghiệp quá cố.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều ngôi trường ban hành quy định cấm hoạt động tưởng niệm này.

Hầu hết lấy lý do ảnh hưởng xấu đến tinh thần, tâm lý của các học sinh khác đang theo học tại trường.

Một số trường dẫn lại nghiên cứu của Hiệp hội phòng chống tự tử ở thiếu niên. Nghiên cứu này cho rằng các hoạt động tưởng niệm thường gây đau buồn, đặc biệt đối với các trường hợp tự tử có thể thúc đẩy những học sinh khác có suy nghĩ tiêu cực.

Không ai cấm được cảm xúc của con người

Ban giám hiệu trường trung học Farmington (Mỹ) từng công bố chính sách cấm việc dựng các đài tưởng niệm người đã mất trong khuôn viên trường.

Những người ủng hộ quyết định này đưa ra lý do trường học là nơi đầy hy vọng nhưng các khu vực tưởng nhớ người chết đã làm không khí nhuốm màu tang thương.

Bà Barbara Walker, cố vấn của trường trung học Farmington, cho rằng những hoạt động tưởng niệm gây tổn thương nhiều hơn là hữu ích khi chúng liên tục gợi nhớ bị kịch, điều đau buồn.

Ngoài ra, ban giám hiệu nhà trường còn nghi ngại công tác bảo tồn, gìn giữ những đài tưởng niệm trong khuôn viên trường. Nhiều nơi ghi nhận tình trạng xuống cấp của các khu vực tưởng nhớ học sinh đã mất.

dat-hoa-tuong-niem-3 3

 Quy định cấm tưởng niệm của các trường gây tranh cãi. (Ảnh: Hunter Crenian)

Trước Farmington, Prior Lake-Savage, Lakeville, Edina là những khu vực có chính sách tương tự.

Mỗi trường có các quy định cụ thể khác nhau nhưng hầu hết đều khuyến khích hoạt động tưởng niệm “hữu ích, có giá trị” hơn, chẳng hạn như tạo học bổng, gây quỹ hỗ trợ gia đình người đã mất...

Tuy nhiên, quy định này vẫn gây ra nhiều tranh cãi. Không ít người chỉ trích lệnh cấm của trường học là “thờ ơ, vô cảm” trước nỗi đau, sự mất mát của các thành viên.

Dân mạng cho rằng, thay vì cấm tất cả các hoạt động tưởng niệm, nhà trường nên xem xét từng trường hợp và hình thức. Tự tử có thể không nên được khuyến khích nhưng tử vong vì thảm kịch, tai nạn xe hơi, bệnh nan y vẫn cần được tưởng niệm.

Hơn nữa, một số ý kiến khẳng định không ai có thể cấm được cảm xúc của con người và đau buồn trước sự ra đi của bạn bè, đồng nghiệp là điều bình thường.

Ngoài ra, họ cho rằng cấm các hoạt động tưởng niệm chỉ mang tính hình thức, không giải quyết được bản chất các vấn đề bất ổn tâm lý học đường hay nạn tự tử ở thanh thiếu niên.

Nên tưởng niệm nhưng cần đúng cách

Trong sự việc để nến và hoa tưởng niệm bé Lê Hoàng Long ở cổng trường Gateway, nhiều ý kiến nghiêng về việc có thể tưởng niệm cháu nhưng cần đúng cách, nhất là khi việc đặt di ảnh cháu bé đã mất trước cổng trường có thể gây tâm lý không tốt đối với những học sinh trong trường. 

Tài khoản My Dung Nguyen viết: "Có thể tưởng niệm nhưng không nên đặt ảnh cháu bé như vậy. Những người tưởng niệm đã hỏi gia đình chưa, gia đình có đồng ý không? Chưa kể tâm lý trẻ con có phần non nớt". 

Hong Thu Nguyen chia sẻ trong trường của con mình cũng có một cháu bé qua đời. Trước đó, nhà trường làm công tác tư tưởng với học sinh rất nhiều về việc này nhất là các bạn học cùng lớp của bé.

"Sau đó, trường có làm một góc tưởng niệm nhỏ để cháu nào yêu quý bạn thì xuống đặt hoa chứ không ép. Họ rất tế nhị đặt tâm lý của trẻ lên trên hết chứ không phải đặt hoa và ảnh thế này là tốt đâu", tài khoản này viết.

dat-hoa-tuong-niem-5 4

 Nhiều người cho rằng nên tổ chức hoạt động tưởng niệm bé trai đã mất nhưng không phải ở cổng trường. (Ảnh: Phan Ngọc Minh)

Nhiều ý kiến cũng đồng tình rằng thay vì để phụ huynh đến đặt hoa và nến trước cổng, trường Gateway nên tổ chức một buổi tưởng niệm nhỏ để chia buồn với gia đình nạn nhân và để các học sinh trong trường bày tỏ niềm tiếc thương với bạn học. 

"Việc đặt nến tưởng niệm như thế này lẽ ra nhà trường phải làm để chia sẻ với gia đình bé Long, để tưởng nhớ, nhắc nhở cán bộ, học sinh nhà trường không bao giờ được quên sự việc này, để những sai phạm không bao giờ lặp lại nữa", tài khoản Hoang Viet Hung viết. 

Cùng quan điểm này, tài khoản Soco Lan cho rằng đáng lẽ hiệu trưởng trường Gateway phải làm lễ tưởng niệm, mặc niệm cháu Long, chính thức lên tiếng xin lỗi về vụ việc trước toàn trường. Nếu làm vậy, các em học sinh dù bé cũng hiểu được sự thật.

"Việc đó rất tốt cho sự dạy dỗ phạm lỗi và nhận lỗi, và dạy con trẻ biết trung thực, yêu thương cảm thông và cảnh giác với sự việc tương tự", tài khoản này nêu quan điểm. 

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn