TS.BS Phan Chí Thành, Bệnh viện Phụ sản Trung ương vừa khám và điều trị cho một nữ bệnh nhân 28 tuổi, ở Hà Nội bị tổn thương vùng kín sau quá trình dài đạp xe.
Hằng ngày sau khi tan làm, cô thường dành ra 2 tiếng đạp xe, thế nhưng sau mỗi lần đạp xe xong cô luôn cảm thấy đau rát, ngứa ngáy vùng kín. Tình trạng này diễn ra ngày càng tăng nặng nên cô quyết định đi khám.
Bác sĩ Thành cho biết, việc đạp xe với cường độ cao, thời gian dài, nhất là xe có yên nhỏ dẫn đến tình trạng đè toàn bộ vào vùng tầng sinh môn, ảnh hưởng đến vùng kín của cả nam và nữ. Sự chèn ép này sẽ gây tổn thương dây thần kinh thẹn – nơi cung cấp thần kinh cho toàn bộ hệ thống cơ quan sinh dục của nam và nữ giới.
Từng có nhiều trường hợp tổn thương dây thần kinh thẹn sau khi đạp xe kéo dài và gây mất cảm giác khi quan hệ tình dục.
Ngoài ra, với nữ giới, vùng xương chậu sẽ chịu tác động rất nhiều khi đạp xe vì khu vực này bao gồm cả bộ phận sinh dục và hậu môn. Chính những tác động này dễ làm giảm nhạy cảm ở bộ phận sinh dục của phụ nữ, trường hợp nặng có thể dẫn đến giảm cảm giác ham muốn.
Bác sĩ lưu ý, những tác hại trên chỉ gặp khi bạn đạp xe quá nhiều hoặc đạp xe không đúng cách trong thời gian dài. Với trường hợp đạp xe khoa học, điều độ, chọn loại xe phù hợp vẫn mang lại những giá trị nhất định với sức khỏe.
Để giảm tác hại đến bộ phận sinh dục khi đạp xe, bác sĩ Thành khuyên không ngồi trên xe quá lâu, chọn loại yên xe có thiết kế yên ngồi mềm, bằng phẳng đủ diện tích tiếp xúc với vùng chậu, hông. Các bạn nên chọn kiểu dáng, kích thước xe phù hợp với cơ thể, tránh để tình trạng xe quá cao hoặc quá thấp khiến bộ phận sinh dục bị cọ xát, tì ép nhiều. Trường hợp người đi xe đạp có dấu hiệu bất thường nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời.
Chuyên gia cũng thông tin thêm, hiện tại thời tiết mát mẻ nên nhiều người thích đạp xe đi làm, thể dục hơn các thời điểm khác trong năm. Lưu ý trước khi đạp xe cần phải theo dõi chất lượng không khí, chỉ số ô nhiễm môi trường.
Đạp xe là môn thể thao rèn luyện sức bền giống như chạy bộ hoặc đi bộ nên trong quá trình đạp, việc hít thở sẽ diễn ra nhanh và nhiều hơn so với đi xe máy hay tàu điện. Do vậy, nếu chất lượng không khí kém sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là hệ hô hấp.
Bác sĩ Thành khuyến cáo, đạp xe tốt nhưng những người mắc bệnh lý về tim mạch, cơ xương khớp nặng, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa xương nặng... không nên đạp xe đạp, cần nên chờ đến giai đoạn hồi phục mới tập luyện ở mức độ vừa phải với cường độ ít và thời gian ngắn.
Ngoài ra, đi xe đạp là bộ môn thăng bằng nên những người mắc các bệnh lý về tiền đình, rối loạn tâm lý, sợ đám đông, hay sợ độ cao cũng không nên tập môn thể thao này.
Bình luận