Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa tiếp nhận bệnh nhân N.V.N. (32 tuổi, trú tại Sơn Dương, Tuyên Quang) nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng vết bỏng vùng bẹn, bìu.
Bệnh nhân N. cho hay, trước đó 20 ngày anh không may bị bỏng vùng bẹn. Nhưng do chủ quan nên anh không đến viện điều trị mà tự đắp lá thuốc nam tại nhà.
Sau 20 ngày tự ý chữa trị, vết bỏng không những không thuyên giảm mà càng nặng thêm, ngày càng đau nhức, chảy mủ, có mùi hôi thối. Lúc đó, gia đình mới quyết định đưa anh N. tới Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương thăm khám.
Tại đây, bệnh nhân ngay lập tức được vệ sinh, xử lý sạch vùng bỏng.
Thông tin về ca bệnh, bác sĩ trực tiếp điều trị cho biết, sau khi điều trị ban đầu, bệnh nhân được dùng kháng sinh chống viêm để chờ phẫu thuật ghép da.
Các bác sĩ khuyến cáo đối với người dân, nếu không may bị bỏng, việc đầu tiên cần làm là nhanh chóng đến ngay các bệnh viện gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời, đúng phương pháp.
Ngoài ra, mọi người tuyệt đối không tự ý điều trị ở nhà bằng các phương pháp truyền miệng, thông tin trên Internet như đắp lá, đắp thuốc nam, vì rất có thể bị nhiễm trùng vùng vết thương, gây khó khăn cho quá trình điều trị về sau.
Bệnh nhân khi bị bỏng cần lưu ý những thao tác sau:
Băng nhẹ, hoặc che phủ kín vết thương rồi đưa đến cơ sở y tế.
Đối với bỏng điện, bỏng hóa chất việc cần làm sớm là tới bệnh viện càng sớm càng tốt, vì có thể gây tổn thương nghiêm trọng tới nội tạng, rối loạn về tim mạch.
Tuyệt đối không ngâm vết bỏng bằng nước đá, hoặc đá viên - vì vết bỏng sẽ trầm trọng hơn.
Nếu vùng bỏng có bọng nước, kết vảy không được bóc vì vỡ ra dễ bị nhiễm trùng, tổn thương nặng hơn.
Việc hạ nhiệt vùng bỏng sẽ giảm sưng, giảm sâu, làm sạch chất bẩn trên vết bỏng, giảm nguy cơ gây sốc cho nạn nhân.
Không cố gỡ bỏ quần áo bị cháy đã được làm mát.
Không thoa dầu, bôi kem đánh răng, lòng đỏ trứng gà, mỡ trăn, dầu cá, đắp lá chữa bỏng… lên vùng bỏng vì dễ bị nhiễm trùng.
>>> Đọc thêm: Rủ nhau tân trang, mông má... vùng kín, chị em không lường hết nguy cơ chết người
Bình luận