Video: Đạo diễn Việt Tú thừa nhận, "có thời gian, không ai làm việc với tôi"
Trung tuần tháng 6, đạo diễn Việt Tú ra mắt vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam Thuở ấy xứ Đoài trên sân khấu rộng hơn 3000 m2 mặt nước. Kết thúc vở diễn, 140 bà con nông dân Sài Sơn, dưới chân chùa Thầy những người tham gia trực tiếp vào vở diễn - đã hô vang tên “Việt Tú”.
Hành động này như câu trả lời rõ ràng nhất cho thành quả suốt gần hai năm, mà nói như Việt Tú là “bỏ vợ, bỏ con, bỏ nhà, bỏ cửa”.
Anh thừa nhận: “Buổi diễn đầu tiên kết thúc, chúng tôi đã khóc vì nhớ về những ngày khởi điểm của dựng vở. Để có được thành quả của hôm nay, tất cả phải trải qua quá nhiều thách thức”.
- Kể từ “Live concert 2011” của Hồ Ngọc Hà do anh làm đạo diễn, từ “chiêu trò” với hàm ý là thủ thuật dàn dựng sân khấu ca nhạc trở nên phổ biến trên mặt báo. Và cũng từ đó, nhắc đến Việt Tú là nhắc đến chiêu trò, anh nghĩ gì về sự định danh này?
Với người sáng tạo, chiêu trò hay không về bản chất cũng chỉ là phương tiện. Quan trọng nhất vẫn là tác phẩm. Nếu tác phẩm của anh định vị được người sáng tạo, đối tượng sáng tạo, tức là anh thành công, và ngược lại.
Chúng ta thường hay quan niệm chương trình nghệ thuật đỉnh cao không có chiêu trò, thực tế không phải vậy, cao cấp hay bình dân, nghệ thuật hay thương mại cũng đều cần phải có chiêu trò, vì chiêu trò là một phần không thể thiếu của thế giới giải trí.
- Trong sáng tạo, chiêu trò là một phương tiện hữu hiệu, có thể giúp tác phẩm hấp dẫn hơn. Nhưng chiêu trò mà không sử dụng đúng nơi, đúng chỗ cũng rất dễ trở thành mánh khóe câu khách đơn thuần. Quan điểm của anh thế nào?
“Thu hút khán giả” hay “câu khách” chẳng qua là cách dùng từ mà thôi, chả phải chúng ta làm ra nghệ thuật để hướng đến khán giả hay sao, người nghệ sĩ càng thành công khi tác phẩm được càng nhiều người công nhận.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng mỗi thể loại nghệ thuật có những đối tượng khán giả riêng, vì vậy không muốn khó chịu khi phải xem thứ mình không thích thì chúng ta cần có sự chọn lọc, chỉ đơn giản vậy thôi.
- Không khó để nhận ra anh là một đạo diễn hợp tác với nhiều nghệ sĩ, từ Tùng Dương đến Hồ Ngọc Hà và cũng là người sẵn sàng gật đầu nhận lời dàn dựng cho nhiều thể loại chương trình, từ sự kiện doanh nghiệp đến hầu đồng, rối nước. Ngoài chiêu trò, phải chăng anh muốn mình “đa dạng”?
Khi có nhiều điều kiện để tiếp cận mọi thứ xung quanh, người ta sẽ trở nên đa dạng. Tôi là người may mắn, từ nhỏ đã được tiếp thu văn hoá dân tộc qua nhiều chuyến đi đến mọi miền đất nước với mẹ tôi - một nghệ sĩ rối nước.
Lớn lên, tôi lại chơi với bạn bè trường quốc tế, sau đó đi học nhạc, học điện ảnh, học ở nước ngoài trước khi về làm truyền hình. Chính quá trình dài đó đã cho tôi sự đa dạng trong sáng tạo.
Năm 2011-2012, cùng thời điểm với show của Hồ Ngọc Hà, tôi còn làm nhiều chương trình khác như đêm nhạc của Tùng Dương hay Không gian âm nhạc. Thú thật, không cái gì liên quan đến cái gì. Mọi người hỏi làm thế nào tôi làm được như vậy?
Người xưa dạy nghề thầy thuốc rằng “Muốn bốc thuốc để cứu người thì khi mở ngăn thuốc này ra phải đóng ngăn khác lại”. Sáng tạo cũng giống vậy, nếu để lộn xộn, không biết sắp xếp thì sẽ không thể sáng tạo nổi. Vấn đề không phải là làm gì cho ai, mà phải đặt vật vào đúng chỗ thì mới làm được.
- Nhưng anh có nghĩ mình là một đạo diễn “dễ dãi” khi cái gì, thể loại gì cũng có thể nhận lời. Cái tôi của một người nghệ sĩ ở đâu?
- Cái tôi của người nghệ sĩ không nằm ở việc từ chối hay nhận lời mà nằm ở… sản phẩm, từng trải qua giai đoạn dài mỗi năm chỉ làm một, hai show nên tôi hiểu câu hỏi của bạn.
Nhà Phật dạy rằng đừng để cái ngã (bản ngã) lớn quá. Cái ngã lớn quá sẽ phát sinh ra sự câu nệ, định kiến. Quan trọng không phải là làm nhiều hay ít hay cái gì cũng làm. Sản phẩm mới là thứ quan trọng nhất.
Nhiều người hay chê các show diễn thương mại, vậy tại sao không làm cho nó tốt hơn. Việc này giống như cứ ngồi ở trong nhà mà chê ngoài đường bẩn, tại sao không chung tay làm vệ sinh con đường đó.
Ngồi một chỗ lo về tai nạn giao thông, tại sao không dạy cho mọi người cách tôn trọng luật giao thông. Muốn tốt, phải xắn tay vào làm. Làm càng nhiều, càng có cơ hội để sáng tạo.
- Tôi đồng tình với anh rằng làm càng nhiều, càng có cơ hội sáng tạo. Nhưng hẳn vẫn phải có thể loại anh thích nhất?
Sản phẩm của mình cũng giống như những bậc cầu thang, không có bậc này thì không thể bước lên bậc kia, bậc nào cũng quan trọng.
Tôi chỉ có thể chia mốc, đó là năm 2002 với Nhật Thực, 2006 với khái niệm Vở thời trang và Không gian âm nhạc dành cho truyền hình. Năm 2011 với Hồ Ngọc Hà, Tùng Dương live concert. Năm 2015 với Tứ Phủ và 2017 với Thuở ấy xứ Đoài. Tất cả đều quan trọng, xen với những chương trình đó, tôi vẫn làm các sự kiện khác nhau.
Sự sáng tạo của con người tôi chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là cực đoan tuyệt đối. Lúc đó, tôi thấy mình giống Mourinho, giống đến mực cực đoan. Thích gì là nói luôn và phương pháp quản lý nhân viên đôi khi rất tiêu cực.
Sau thời gian đó, tôi thấy mình cần phải thay đổi. Tôi lại nhìn vào tấm gương khác là Ancelotti để thay đổi bản thân, cực đoan cũng được nhưng phải cực đoan đúng chỗ.
- Ngoài việc từng loay hoay, trăn trở thay đổi bản thân, anh còn gặp sự cố gì trong quãng thời gian làm nghề gần 20 năm?
Từ cuối năm 2008 đến đầu 2010, gần như không ai làm việc với tôi vì tính tôi cực đoan, không khéo léo trong cách cư xử nên khách hàng ngại mời mình, đó là khoảng thời gian đau đớn.
- Vậy vợ con đã ở bên anh như thế nào trong suốt 2 năm “bỏ nhà, bỏ cửa”, thuê nhà cạnh chùa Thầy để làm show diễn thực cảnh đầu tiên của Việt Nam mang tên “Thuở ấy xứ Đoài”?
Tất cả chúng tôi gần như đã bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ vợ, bỏ con vì vở diễn này. Bất kỳ thành tựu nào cũng phải hy sinh, đó là điều hiển nhiên, tôi may mắn vì gia đình hiểu công việc của mình, để tôi chủ động quy hoạch thời gian và vẫn có những khoảng dành cho họ.
Trong 2 năm xây dựng vở diễn, sáng tôi ngủ dậy vào lúc 6h30, ăn sáng qua loa một chút rồi 7h lên xe. Lên xe, tôi tranh thủ ngủ, 8h thì đến chùa Thầy. Thư giãn ít phút thì người dân đến. 9h là bắt đầu tập luyện. Trưa tranh thủ nghỉ một chút, chiều lại tập tiếp, tối về nhà. Lúc đầu, mọi thứ rất lạ lẫm nhưng sau dần mình cũng quen.
- Khi xem vở diễn của anh, nhiều người ấn tượng bởi sự chuyển động của sân khấu, từ việc nhà thủy đỉnh 10 tấn từ từ nổi trên mặt nước, hay dãy nhà phía sau chuyển động, ngọn núi Thầy thoắt ẩn, thoắt hiện. Đó có phải là chủ ý của anh ngay từ đầu?
Kiểm soát không gian là bài toán đầu tiên mà tôi tính đến. Về bản chất, sân khấu này không thể đứng yên nhưng chuyển động như thế nào cũng phải tính toán. Sự chuyển động của một vở diễn dân tộc phải thể hiện được sự khoan nhặt chứ không thể vội vã.
Câu chuyện trong vở diễn giống như là dòng chảy, thế nên sự chuyển động cùng cần phải có ý tứ. Trong cảnh hai nhân vật chính đến vái lạy Đức Thánh Tổ để xin lời khuyên, cô gái đọc lời kệ thì ánh sáng chạy, chàng trai đọc, ánh sáng cũng chạy, còn khi hai người quay lại ánh sáng đuổi theo.
Sự sắp đặt này mang hàm nghĩa chuyển động về nhận thức. Ánh sáng ở đây tượng trưng cho con đường, cho cái đạo. Hai người đang đi tìm đạo, đạo đó là triết lý mà Đức Thánh Tổ đã dạy cho chúng ta.
- Vở diễn này có tổng kinh phí lên tới 500 tỷ đồng. Khi biết mình đang làm một show diễn có đầu tư khủng như vậy, tâm thế của anh có gì khác?
- Tôi không được phép nói chuyện về con số cụ thể. Nhưng vở diễn này phải đầu tư hạ tầng và nhiều thứ khác xung quanh nên kinh phí lớn cũng là dễ hiểu, chứ không chỉ là cho riêng vở diễn.
Với tôi làm một tác phẩm kinh phí cao hay thấp tôi đều cẩn trọng như nhau, vì quan trọng là tôi muốn mang đến cảm xúc cho khán giả. Nếu tác phẩm tạo được cảm xúc thì mỗi khán giả sẽ là một kênh quảng bá cho vở diễn. Thế nên, chất xúc tác quan trọng nhất vẫn luôn là cảm xúc.
- Câu chuyện hậu trường nào anh nhớ nhất khi biến 140 người nông dân trở thành những nghệ sĩ trên một sân khấu lớn?
Việc diễn viên phải đi cấp cứu là bình thường, con rối rơi vào đầu, sào điều khiển rối va vào mặt, chưa quen đường di chuyển đang đi bị ngã xuống nước. Nhưng thời gian khó khăn nhất là 3 tháng đầu dàn dựng.
Lúc đó, tôi từng có ý định sẽ bỏ việc biến người nông dân thành diễn viên, thay vào đó là dùng diễn viên chuyên nghiệp luôn. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn quyết phải dùng người nông dân vì tôi tin họ làm được.
Buổi diễn đầu tiên, khi diễn xong tất cả đều khóc vì nhớ về những ngày khởi điểm của dựng vở. Có được thành quả của hôm nay, chúng tôi phải trải qua nhiều thách thức, 40% người dân đã bỏ cuộc trong suốt hành trình với nhiều lý do như hoàn cảnh gia đình, cuộc sống mưu sinh.
Nhưng tất cả thách thức đã qua đi rồi, để bây giờ, mọi người thấy đấy, 140 người nông dân, thực sự là những nghệ sĩ bước lên sân khấu trên chính quê hương của mình và kể lại câu chuyện về những ký ức đẹp đẽ của ông cha.
Bình luận