• Zalo

Đạo diễn Nguyễn Việt Thanh: ‘Tinh hoa Bắc Bộ xài lại nhiều thế là sai rồi’

Văn hóa - Giải tríThứ Hai, 10/12/2018 14:34:00 +07:00Google News

Đạo diễn Nguyễn Việt Thanh cho rằng, vở diễn ''Tinh hoa Bắc Bộ'' giống và xài lại nhiều hình ảnh của ''Ngày xưa'' (Thuở ấy xứ Đoài) như vậy là sai rồi.

đạo diễn nữ hiếm hoi của showbiz, ghi dấu ấn với chuỗi liveshow của Khánh Ly, Quang Dũng, Lệ Quyên, Hồ Ngọc Hà, Thu Minh.. đạo diễn Nguyễn Việt Thanh sau khi xem 2 vở diễn Ngày xưa (Thuở ấy xứ Đoài)Tinh hoa Bắc Bộ cho biết cô thấy có nhiều điểm trùng lặp. Nữ đạo diễn đã có những chia sẻ thẳng thắn về 2 vở diễn thực cảnh này.

- Chào đạo diễn Nguyễn Việt Thanh. Dưới góc độ chuyên môn, chị có đánh giá như thế nào sau khi xem 2 vở diễn thực cảnh Ngày xưa (Thuở ấy xứ Đoài) của Việt Tú dàn dựng và Tinh hoa Bắc Bộ của Hoàng Nhật Nam?

Không cần đến góc độ chuyên môn, là một khán giả bình thường cũng dễ dàng nhận ra, tuy 2 mà 1. Có quá nhiều điểm trùng lặp, từ tổng thể đến chi tiết giữa hai vở diễn thực cảnh này.

dao dien viet thanh (2)

Đạo diễn Việt Thanh.

- Theo chị, thiết kế mỹ thuật của sân khấu, các công trình... trong một vở diễn nói chung, một vở thực cảnh nói riêng quan trọng như thế nào? Và liệu rằng, với cách dàn dừng sân khấu như vậy có phù hợp để diễn một vở khác?

Có thể khẳng định, sân khấu thực cảnh là sân khấu thực tế dành cho vở diễn nhất định và không lặp lại cho vở diễn khác. Vì theo quy trình xây dựng chương trình nghệ thuật giải trí, chúng tôi thường bắt đầu từ việc xây dựng ý tưởng, sau đó các bộ phận tiếp theo sẽ bóc tách và triển khai những công việc như dàn dựng, sân khấu, phục trang, đạo cụ, âm nhạc…

Đó là quy trình chung cho một chương trình thông thường, còn một vở diễn thực cảnh còn chi tiết hơn như vậy rất nhiều.

- Chị thấy vở Tinh hoa Bắc Bộ trình diễn trên nền tảng kiến trúc sân khấu của vở Ngày xưa (Thuở ấy xứ Đoài) trước đó như thế nào?

Nói thật, tôi cảm thấy rất buồn. Tôi đã mua vé, lặng lẽ ngồi xem hết vở Tinh hoa Bắc Bộ và thấy buồn. Để chạm được vào hai chữ nghệ thuật có rất nhiều gạch đầu dòng, trong đó có một chi tiết cần phải nhớ, đó là tự trọng.

Có tự trọng, sẽ nghiêm khắc với bản thân và sản phẩm do chính mình tạo ra. Bạn có thể thông cảm nếu có vài chi tiết ảnh hưởng lẫn nhau trong 1 vở diễn/chương trình, nhưng giống và xài lại nhiều thế này là sai rồi.

- Đạo diễn Việt Tú đã chỉ ra rất nhiều điểm giống nhau giữa hai vở, không chỉ từ thiết kế sân khấu mà đến cả cách dàn dựng, cách sử dụng ánh sáng, biên đạo múa cũng tương tự... quan điểm của chị như thế nào?

Tôi đã đi xem cả hai vở, đã chứng kiến tận mắt nên tôi đồng ý với ý kiến của Việt Tú, hai vở có quá nhiều chi tiết giống nhau. Khi có quá nhiều chi tiết tương tự như vậy, thực ra bạn không cần đo đếm nữa: Tổng thể Tinh hoa Bắc Bộ đã là một bản chỉnh sửa và phát triển từ Thuở ấy xứ Đoài.

Xây dựng một chương trình, một vở diễn cũng như xây dựng một ngôi nhà. Điều quan trọng đầu tiên là ý tưởng, rồi đến thiết kế, xây móng đắp nền... Một khi nhà đã xây xong, bạn có sơn phết, đảo ngói rồi bảo đó là công trình của mình e là hơi phản cảm.

dao dien viet thanh (3) 3

2 vở diễn có nhiều nét giống nhau.

- PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, chi tiết nhà thuỷ đình là sáng tạo độc đáo và của riêng Việt Tú, phục vụ duy nhất cho vở diễn Ngày xưa (Thuở ấy xứ Đoài). Vì thế khi chi tiết này được sử dụng cho một vở diễn khác, nó có được xem việc sử dụng sáng tạo của nghệ sĩ khác vào tác phẩm của mình?

 
Có quá nhiều điểm trùng lặp, từ tổng thể đến chi tiết giữa hai vở diễn thực cảnh này.

Đạo diễn Việt Thanh

Tôi đồng ý hoàn toàn với ý kiến của PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái. Nhà thuỷ đình nổi lên là chi tiết quan trọng, cốt lõi của vở diễn, là một phần sáng tạo độc đáo của Việt Tú trong vở Ngày xưa. Nó cũng trở thành một nhận diện thương hiệu của Tú khi cả báo chí và khán giả phản hồi tích cực sau khi xem vở diễn.

Bạn thử nghĩ xem, vẫn là chi tiết quan trọng đó nay áp dụng trong vở Tinh hoa Bắc Bộ, khán giả đương nhiên đều hiểu, đó là sáng tạo của ai mà không cần phải nói ra.

- Theo chị việc sử dụng một sân khấu thực cảnh được thực hiện cho riêng một vở diễn - đem áp dụng cho một vở diễn khác, và coi đó là một sân khấu trống không được phép sử dụng lại thoải mái có chính xác?

Lập luận này vui nhỉ? Tôi thậm chí không muốn phản biện vì đối diện với những lập luận không được soi chiếu dưới góc độ tôn trọng nghề nghiệp, tôn trọng những quy định tối thiểu của công việc, mặc sức diễn giải để lái dư luận như thế này.

Thực sự nếu có người suy nghĩ như vậy thì thực sự... quá nản. Khán giả và độc giả tinh tường lắm, phát ngôn cho đúng và chuẩn thì khán giả mới tôn trọng mình được.

- Với kinh nghiệm nghề nghiệp của chị, chị thấy việc dựng một vở diễn hoàn toàn mới, với 100% nông dân chưa được qua đào tạo một chút nào trong 2 tháng (không dựa chút nào vào nền tảng huấn luyện trước đó) liệu có khả thi?

Tôi may mắn cũng là một trong những người đầu tiên tham gia sản xuất vở thực cảnh Ký ức Hội An nên hiểu rõ về yêu cầu diễn viên của một vở thực cảnh, thay vì một vở diễn thông thường.

Tôi đồng ý rằng, với dàn diễn viên chuyên nghiệp được tập luyện với tiến độ cao nhất (ngày và đêm), 3 tháng có thể thực hiện một vở diễn thực cảnh. Tuy nhiên, với những diễn viên không chuyên, chưa bao giờ tiếp cận sân khấu, điều đó quả thực rất không logic.

dao dien viet thanh (4) 3

 

- Từ vụ tranh chấp bản quyền giữa hai vở thực cảnh Ngày xưa và Tinh hoa Bắc Bộ, chị có nghĩ giới nghệ sĩ cần hình thành thói quen tự bảo vệ chính sáng tạo của mình khi xảy ra tranh chấp?

Chắc chắn rồi. Khi Mỹ Tâm, Lệ Quyên và nhiều nghệ sĩ khác đứng lên bảo vệ các sản phẩm đang được khai thác online bừa bãi, nhiều người nói “châu chấu đá voi” nhưng pháp luật là pháp luật. Những gì các bạn ấy làm được đã mở đường cho các nghệ sĩ biết tự bảo vệ mình và các sản phẩm nghệ thuật của mình.

- Chị nhìn nhận việc cá nhân 1 nghệ sĩ đi kiện có nên hay không?

Chẳng phải chúng ta đang giáo dục các công dân phải đề cao ý thức thượng tôn pháp luật ư? Trước pháp luật, cá nhân hay tập thể đều bình đẳng như nhau nhất lại là nghệ sĩ. Nếu Việt Tú có đủ dữ liệu pháp lý, chứng minh những điều mình đang bảo vệ là đúng vậy tại sao không? Hãy để pháp luật bảo vệ những sản phẩm đích thực và những người nghệ sĩ, tác giả đích thực.

- Xin cám ơn chị về những chia sẻ trên!

Vân Du
Bình luận
vtcnews.vn