20 năm làm nghề, đạo diễn Nguyễn Hữu Thanh là người tạo nên thành công của không ít chương trình lớn. Thế nhưng, quay ngược thời gian về lại thời điểm mới bắt đầu, nam đạo diễn từng gặp không ít khó khăn bởi ở thời của anh, công nghệ sân khấu không phát triển như thời điểm hiện tại.
- Anh có thể chia sẻ cơ duyên của mình khi đến với nghề đạo diễn sân khấu?
Tôi xuất thân là sinh viên thiết kế đồ họa của trường Kiến trúc, sau đó vừa đi học vừa đi làm bán thời gian ở một công ty truyền thông giải trí, thiết kế sân khấu cho những chương trình đình đám của công ty.
Sau 5 tháng, tôi bắt đầu nhận ra mình có thể làm đạo diễn được và từng làm nhiều series cho những nghệ sĩ nổi tiếng như Thanh Lam, Hồng Nhung, Trần Thu Hà, Lam Trường, Mỹ Tâm, nhóm Bức Tường… Đó là những năm 2003 – 2004.
- Thời gian đầu, anh gặp khó khăn ra sao?
Rất nhiều khó khăn, khi đó giống như bạn mới biết bơi nhưng phải bơi ra một cái hồ lớn vậy. Công nghệ không có, thiếu thốn đủ đường nhưng phải làm chương trình thật hay. Ngược lại, những chương trình tôi làm lại cực kì đông khán giả, 10.000 người/đêm là chuyện bình thường.
Ở những địa điểm tổ chức show lớn như nhà thi đấu Phan Đình Phùng, nhà thi đấu Nguyễn Du, nhà thi đấu Quân khu 7, sân khấu Lan Anh, tôi nhớ từng vị trí ghế ngồi luôn có người, khu vực nào tưởng không có lại có.
Ngày xưa, sân khấu Lan Anh luôn kín bưng mỗi đêm diễn của các thế hệ diva, thế hệ vàng của Vpop, là thời đại của những chương trình hot như Làn sóng xanh chẳng hạn.
- Giữa làm đạo diễn chương trình truyền hình và đạo diễn cho liveshow ca sĩ, anh thích cái nào hơn?
Tôi thích cả hai và không thể so sánh được tuy nhiên, làm chương trình truyền hình sẽ khó hơn. Bạn làm liveshow cho ca sĩ chủ yếu phục vụ đối tượng khán giả ở sân khấu, còn làm chương trình truyền hình độ khó gấp đôi vì truyền sóng đi khắp nơi, bạn phải đáp ứng lượng khán giả xem chương trình đó trên cả nước.
Nếu bạn mở TV lên xem nhưng thấy âm thanh chương trình không ra gì, bạn sẽ tắt TV và như vậy, đồng nghĩa chương trình thất bại. Mỗi chương trình sẽ có mức rating cụ thể, bạn phải làm sao mà khán giả xem nhưng không tắt TV, có quảng cáo cũng xem đó mới khó.
- Nghe nói anh từng đi xem nhiều show diễn nhạc Hoa, cụ thể là của Tứ đại thiên vương Hong Kong. Vậy anh có bị ảnh hưởng khi làm chương trình của mình?
Khi còn bé, tôi rất thích bộ đôi Minh Thuận – Nhật Hào, anh Minh Thuận qua đời rồi. Thời đó, các anh hay hát nhạc của Tứ đại thiên vương Hong Kong - Quách Phú Thành, Lưu Đức Hoa, Trương Học Hữu và Lê Minh. Nhạc Hoa vào thập niên 90 rất nổi tiếng.
Nghệ thuật nói chung và công việc đạo diễn nói riêng không có tuổi tác, nó chỉ có tuổi khi suy nghĩ của mình già đi.
Nguyễn Hữu Thanh
Tôi từng nghe một bài hát của anh Quách Phú Thành rồi tưởng tượng, biết đâu sau này mình làm nghề gì đó mà ca sĩ biết đến mình.
Bây giờ, tôi làm được điều đó và từng làm liveshow Ước mơ cho Thu Minh vào năm 2004 có Phạm Văn Phương biểu diễn, rồi liveshow của Đan Trường có ca sĩ Trần Hạo Dân, Lý Minh Thuận, Tozo… tôi không thể nhớ hết. Nhiều lần, tôi mừng hụt vì ban tổ chức nói sẽ mời Tứ đại thiên vương để dàn dựng sân khấu cho đã tay.
Quay trở lại với chuyện xem show diễn nước ngoài xong có bị ảnh hưởng không, thực ra tôi xem để lấy cảm hứng, lấy đam mê nhiều hơn chứ để nói áp dụng ở Việt Nam thì phải thẳng thắn là không thể. Họ đầu tư gấp nghìn lần chúng ta nên mình chỉ có thể học được phần nào đó thôi để lấy cảm hứng, sau đó làm theo, “có gì nấu đó”.
Bạn học được cách làm, cách tổ chức, cách thực hiện ý tưởng… mới quan trọng, công nghệ thì cứ áp dụng tùy thuộc vào điều kiện. Tôi vẫn dành thời gian hàng năm sang Thái Lan, Singapore hay các nước châu Á khác để xem những show diễn lớn.
- Là một đạo diễn chương trình truyền hình lâu năm, anh cảm thấy thế nào khi vài năm gần đây, khán giả không còn mặn mà với thể loại này?
Đó đúng nghĩa là dấu chấm hỏi lớn, một thách thức lớn của những người làm giải trí. Nhưng tôi nghĩ, đó là sự chuyển đổi, giao thời giữa việc bạn cầm remote mở TV xem với việc dùng điện thoại và xem được mọi thứ diễn ra trên thế giới này.
Mình mừng thì đúng hơn dù có chạnh lòng một chút vì ai cũng có kỷ niệm mà. Ngày xưa, tôi làm show diễn cho Siu Black, có đưa một con voi vào sân khấu. Kết thúc chương trình, khán giả gọi vào đường dây nóng: “Hay quá bạn ơi, cho mình gặp đạo diễn với vì xuất sắc quá”.
Để làm được điều đó, tôi phải bỏ gần 2 tuần vào sở thú huấn luyện một con voi, gia cố toàn bộ sân khấu Lan Anh để Siu Black cưỡi voi hát với ban nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Cường, có dàn trống dân tộc rất đậm màu sắc Tây Nguyên. Khi đó, nếu có điện thoại để livestream chắc sẽ nổi tiếng hơn (cười).
Bây giờ, các chương trình có kéo dài thời lượng bao nhiêu cũng sẽ bị "băm nhỏ" ra để phát nên khán giả không không hiểu hết tổng thể nội dung. Xem bằng điện thoại, bạn thích phần trình diễn nào sẽ click vào phần trình diễn đó còn xem TV buộc phải xem hết, tuy nhiên từ đó sẽ có những cái hay cái dở.
Công nghệ bây giờ giúp tiết kiệm thời gian nhưng để làm được những phút giây thăng hoa như chúng tôi trước đây thì không được đâu.
Nói chung, mọi thứ vẫn chưa chắc chắn bởi đôi khi chuyển giao vậy thôi, đến một thời điểm chín mùi mình làm các show diễn, chương trình tầm cỡ thì biết đâu nó lại bùng nổ hơn hẳn trước đây thì sao.
- Mỗi ngày đều xuất hiện cái mới, vậy anh làm gì để cập nhật xu hướng cho bản thân?
Các bạn trẻ xem gì, chơi gì, thích gì tôi sẽ theo (cười). Tôi cũng xem thật nhiều MV đang là trend trên mạng xã hội để hòa nhập, cập nhật xu hướng cho bản thân.
- Làm nghề nhiều năm, có bao giờ đạo diễn Nguyễn Hữu Thanh bị cạn ý tưởng?
Có chứ, nhiều khi một sân khấu nhưng tôi nghĩ mãi 2 tuần không ra ý tưởng. Bản thân tôi làm hàng nghìn sân khấu lớn nhỏ rồi, bây giờ làm đôi khi nó lại giống nhau mà mình thì không nghĩ ra cái mới, thế là tôi bỏ qua.
Điều này khiến ê kíp bị chậm tiến độ. Tuy nhiên, có một khoảnh khắc nào mình nhớ lại từng xem chương trình của nghệ sĩ nào đó nên phác họa hình dáng ngay, họp ê kíp và biến tấu nó, bắt đầu thực hiện.
Có nghĩa trong khoảng thời gian nhất định nào đó tôi sẽ bị bí ý tưởng, không phải do không có mà là quá nhiều ý tưởng dẫn đến trùng lập và tôi không hài lòng, phải ngưng lại ngay.
- Những lúc như vậy, anh phải làm gì để lấy lại ý tưởng?
Tôi làm đủ thứ chuyện cả, đi café với bạn bè, đến những quán có nuôi cá Koi vì tôi có sở thích nuôi cá… Nói chung, tôi hòa mình với thiên nhiên chứ không gắn với công việc nữa. Có những ngày tôi đi xả stress, gặp gỡ bạn bè, nói chuyện đủ thứ… nhưng đôi khi lại gợi ra những ý tưởng.
Có lúc ngồi nói chuyện với bạn bè không hề liên quan gì đến công việc, tôi chợt thấy một bức tranh, rồi một chương trình đang phát trên TV và thấy có lẽ nó là thứ mình cần tìm để tạo nên ý tưởng. Vậy đó, chỉ cần khoảnh khắc nhỏ thôi nhưng vô hình chung ý tưởng sẽ xuất hiện.
Hoặc có lúc tôi sẽ nói với ê kíp, bây giờ bí quá mọi người cho xin một chút ý tưởng. Thế là 5-10 phút sau, các bạn gửi cho tôi rất nhiều đường link để vào xem đến hoa mắt. Xem xong thấy ổn, không dựng được như vậy nhưng ý tưởng cũng lóe lên trong đầu. Mọi thứ có quỹ đạo rồi tổng lực lại, chứ chỉ một mình tôi cũng khó.
- Đạo diễn Nguyễn Hữu Thanh có tham vọng hay dự định gì chưa thể thực hiện không?
Nghệ thuật nói chung và công việc đạo diễn nói riêng không có tuổi tác, nó chỉ có tuổi khi suy nghĩ của mình già đi. Trên thế giới, những người làm sáng tạo sẽ làm đến hơi thở cuối cùng.
Thời mới tốt nghiệp trường Kiến trúc, tôi được thầy cô giữ lại làm giảng viên nhưng từ chối dù rất thích. Hoàn cảnh kinh tế không cho phép, nếu làm giáo viên sao có đủ chi phí trang trải cho gia đình, nhất là khi tôi một thân một mình từ Tây Nguyên xuống Sài Gòn lập nghiệp?
Sau này, tôi thích có một lớp học thật lớn, dạy những môn thuộc về nghề của mình, có thể là về tư duy sáng tạo, về làm chương trình… Tôi sẽ dạy các bạn trẻ cách sáng tạo vì bản thân tôi từng bí ý tưởng, và tôi sẽ dạy các bạn ấy cách để hết bí (cười). Đại loại ai cũng có sự sáng tạo cả, nhưng nó giống như trái bom, bạn phải biết cách gỡ chốt thì mọi thứ mới bùng nổ được – tôi sẽ chỉ cái đó.
Sau nhiều năm trong nghề, tôi chinh chiến, lăn xả như thế nào sẽ chia sẻ hết kinh nghiệm cho các bạn trẻ. Tôi muốn làm điều đó để có một thế hệ trẻ hơn, có cách làm năng động sáng tạo hơn, hiện đại hơn để phù hợp với một thế giới ngày càng phát triển.
Bây giờ là thời đại 4.0 nhưng sau này sẽ là 5.0 thì sao, nó làm giải trí trở nên đa chiều và lạ hơn. Ai cũng có tư duy riêng của bản thân, chẳng qua bạn chưa phát hiện nó.
- Cảm ơn đạo diễn về những chia sẻ!
Bình luận