Sau hơn ba tuần ra rạp, "Hy sinh đời trai" đã gần như không còn chiếu ở các cụm rạp lớn. Sự thất bại của phim không bất ngờ.
Rất hiếm khi trả lời phỏng vấn vì tính ít nói và ngại giao tiếp, lại là người cực đoan, không thích ồn ào, luôn tránh xa không chỉ showbiz mà cả người cùng nghề, nhưng Lưu Huỳnh chấp nhận đối thoại thẳng thắn vớiPV.
Cuộc trò chuyện này sẽ giúp người đọc hình dung về một cung cách làm phim đáng ngại ở thị trường điện ảnh Việt hiện tại qua bộ phim mà chính anh nói: 'Đã có lúc muốn đốt nó luôn'.
'Hy sinh đời trai' không bị đốt và nó trở thành ca thất bại điển hình của một đạo diễn nổi tiếng đã tạo dựng tên tuổi với nhiều phim ấn tượng như Áo lụa Hà Đông, Huyền thoại bất tử, Lấy chồng người ta...
Tại sao một đạo diễn nổi tiếng khó tính và kỹ tính như Lưu Huỳnh lại phải lựa chọn con đường 'thỏa hiệp', 'trượt dài', 'hy sinh'... như những từ báo chí dành cho anh? Vì tiền? Hay thật sự anh đã 'lụt nghề'? Bởi dù có thế nào, chắc chắn đạo diễn mới chính là người phải chịu trách nhiệm lớn nhất về thành bại của bộ phim - trước khán giả.
Đạo diễn Lưu Huỳnh - Ảnh: Gia Tiến |
Trường Giang vô trách nhiệm, vô kỷ luật
- Hình như anh luôn làm phim từ kịch bản của mình và anh luôn có rất nhiều kịch bản chờ... duyên để sản xuất. Với 'Hy sinh đời trai', anh viết lâu chưa?
Tôi viết lâu rồi. Tôi thích phim ca nhạc, mà xem phim đó thì đừng đặt câu hỏi vì sao không nói mà ca? Hãy coi lời ca là một câu thoại đi, và đã làm phim ca nhạc thì phải ca là đúng rồi, tôi ngạc nhiên nhiều báo nói sao nhân vật của Hy sinh đời trai không nói mà... hát!
Tôi đã nghĩ đến Moulin Rouge (đoạt hai giải Oscar), sự lộng lẫy của phục trang, không khí siêu thực ấy, nhưng không có tiền. Kinh phí của Hy sinh đời trai quá ít, 6 tỷ đồng không đủ để thực hiện hết những mong muốn của tôi.
- Nhưng 'Hiệp sĩ mù' và 'Hy sinh đời trai' là hai phim anh làm theo đơn đặt hàng. Thật sự anh cảm thấy mình kiểm soát được bao nhiêu phần trăm phim khi ra đến rạp?
Với Hiệp sĩ mù, nhà sản xuất không can thiệp nhiều lắm vào nghệ thuật, nhưng tôi phải làm việc với diễn viên chính mới tư duy còn hơi giới hạn. Tôi là người cầu toàn, mọi khía cạnh nào của phim cũng muốn dốc hết sức dù là phim... xàm hay phim nghệ thuật. Nếu may mắn làm việc với diễn viên cũng hết mình thì cho mình cảm giác sướng lắm.
Nhưng với Hy sinh đời trai, ban đầu nhà đầu tư yêu cầu Trường Giang đóng vai chính. Tôi không xem phim hài nên chẳng biết Trường Giang là ai, nghe nói chú này đang hot lắm... Nhà đầu tư muốn thì tôi ký hợp đồng. Nhưng Trường Giang vô trách nhiệm và vô kỷ luật.
Tôi thuê một nhạc sĩ dạy cho các diễn viên hát. Những người khác đến nhà để học, riêng Trường Giang yêu cầu nhạc sĩ đến nhà anh ta, tôi cũng chiều luôn. Vậy mà Trường Giang không bao giờ đúng giờ. Cuối cùng tôi quyết định thay vai. Tôi không thể làm việc với một người như thế được.
Tôi mời Tấn Beo vô. Về lứa tuổi thì Tấn Beo hợp với Phi Nhung hơn. Tấn Beo cũng hát tốt hơn Trường Giang, lại biết đàn chút đỉnh. Nhưng Tấn Beo diễn hài sân khấu nhiều quá, nắn qua điện ảnh hơi bị khựng. Khi quay, kịch bản thì không đọc, ra hiện trường mới đọc phân đoạn của mình.
Tôi thất vọng là đã làm hết mình nhưng những người trụ cột lại coi thường nên đôi lúc thấy không có cảm hứng.
Còn Lý Hùng, tôi chưa bao giờ làm việc chung. Miễn bàn đóng hay đóng dở nhưng Lý Hùng là người tôi thương nhất đoàn phim vì phong cách làm việc trên cả tuyệt vời, lúc nào cũng đúng giờ và luôn chuẩn bị sẵn sàng.
Cái tiếc nhất của tôi là lịch quay đúng 21 ngày, dính nhiều diễn viên khách mời, cứ đang quay mà khách mời đến vài giờ lại phải ngưng để quay họ. Tôi hơi bị căng thẳng.
Và tôi định đốt luôn phim này!
- Tại sao buổi ra mắt 'Hy sinh đời trai' ở TP HCM và Hà Nội anh đều vắng mặt?
Tại vì Trần Bảo Sơn đã xúc phạm tôi quá nhiều. Tôi đã nói với Trần Bảo Sơn tôi mời Thái Hòa xuất hiện trong vai quần chúng làm kỷ niệm vui vì tôi quý Thái Hòa, việc này chỉ tôi và Sơn biết. Thái Hòa không yêu cầu, tôi vẫn hứa với Thái Hòa sẽ không mượn tên để PR phim. Nhưng rồi tôi đọc được tin: 'Vua phòng vé' đóng Hy sinh đời trai.
Tôi rất điên nhưng Sơn bảo báo chí giật tít ai cấm được! Tôi là người cũng có cổ phần trong phim này, tôi lại lái con tàu đi, tôi làm sản xuất sao lại có những chuyện khác với thỏa thuận như vậy? Tôi bỏ dựng một tuần vì giận...
Nhưng tôi giận nhất là ngay cái bàn này đây, Trần Bảo Sơn nói em đọc kịch bản, em cười quá, anh cho em xuất hiện một vai khách mời giống như mọi người. Vì Sơn xin mà tôi tìm cách viết thêm một phân đoạn (Thương Tín và Thân Thúy Hà đóng sau này). Nhưng quay, rồi dựng xong Sơn nói: 'Em xuất hiện có mấy giây thế này mà hèn quá'.
Tôi nói: 'Sơn, khi em nói vai này thấy hèn quá là em diễn thành công rồi, tại sao lại không chịu? Còn nếu em nghĩ mỗi lần Trần Bảo Sơn xuất hiện phải như Rambo thì em sai vì tất cả nhân vật đàn ông trong Hy sinh đời trai đều là nhân vật hèn'. Vậy mà một hai đòi cắt bỏ. Tôi nhấn nút cắt.
Tiếp đó là cú sốc poster. Sơn đòi đăng báo chuyện có Hồ Ngọc Hà tham gia Hy sinh đời trai. Tôi bảo đăng cũng được nhưng đừng 'nổ' quá vì tôi hứa với Hà rồi.
Xem poster chính thức, tôi rất choáng vì Linh Chi hay Andrea là diễn viên phụ, Hồ Ngọc Hà là cameo (khách mời) thì to đùng trên poster. Còn hai diễn viên chính là Tấn Beo và Phi Nhung thì cắt mỗi cái đầu nhét xuống dưới.
- Sau này Hồ Ngọc Hà có trách gì anh không?
Khi poster tung lên, Hà có nhắn tin cho tôi. Tôi giải thích với Hà là việc đó tôi không làm, tôi đã viết một email dài cho Hà để phân trần, 'nếu Hà hiểu lầm, cho anh xin lỗi'... Cô ấy không trả lời. Tôi đã định đốt luôn phim này nhưng ai cũng khuyên tôi nhịn.
Mình làm thì mình chịu
- Phim ra rạp. Ào ạt tiếng chê, nào là Lưu Huỳnh trượt dài, rồi hy sinh sự nghiệp... Anh đã 'kể tội' khá nhiều người, vậy còn anh, anh tự thấy nếu khán giả chê phim này, trách nhiệm của đạo diễn sẽ như thế nào?
Mình đã làm thì mình chịu, không chơi hèn. Nhưng khen chê là việc của khán giả, Áo lụa Hà Đông vẫn có khán giả chê, năm người 20 ý! Tôi không quan tâm, thật lòng.
Từ lúc làm phim này, tôi đã chấp nhận nếu ai từng thích Áo lụa Hà Đông hay Lấy chồng người ta thì xem phim này chắc hơi bị lạ. Người ta có thể đập vì đó là cuộc chơi mình chấp nhận từ đầu. Nhưng đừng đập tôi vì những gì tôi không làm, như đập tôi vì poster thì hơi oan thật.
Mà tranh cãi mãi tôi thấy mệt rồi. Đây là phim giải trí, làm chơi cho vui mà rốt cuộc tôi thấy mệt hơn tất cả những phim khác.
Kinh doanh điện ảnh rất khó. Ở nhà bạn thích nghe nhạc hợp gu mình nhưng mở quán cà phê, nhất là cà phê vỉa hè, bạn phải mở nhạc phù hợp với khách bình dân, với số đông. Báo chí có chửi cả mười tờ cũng không ảnh hưởng lắm đâu. Tèo Em bao nhiêu báo chửi mà vẫn thu về gần trăm tỷ đồng. Có phim báo chí khen cực kỳ cũng chả kiếm được tiền.
Nhưng sau phim này tôi sẽ quay lại với sở trường của mình (tạm gọi vậy), một dự án làm với Quách Ngọc Ngoan có tên là Người tình (ban đầu là Tìm mưa trong bão), dự án này ấp ủ vài năm rồi.
Đó là một câu chuyện cá nhân mà nếu ai đồng cảm thì tôi chỉ gửi một lời nhắn: tôi đang đồng hành với bạn, bạn vẫn có người yêu quý trong xã hội này... Bạn có tôi để chia sẻ!
Cảnh trong phim 'Hy sinh đời trai'. Tấn Beo được chọn thay Trường Giang vì hợp với Phi Nhung - Ảnh: ĐPCC |
Nguồn: Tuổi Trẻ
Bình luận