• Zalo

Đảo chính quân sự: Vẫn còn giải pháp cho Myanmar

Tư liệuThứ Ba, 02/02/2021 14:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Chuyên gia nhận định việc ban bố tình trạng khẩn cấp và bắt giam Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi sẽ tác động lớn đối với quân đội và đất nước Myanmar thời gian tới.

Quyết định bất ngờ của quân đội Myanmar khi bắt giữ Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi cũng như tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở nước này hôm 1/2 gây ra làn sóng chỉ trích rộng rãi trong cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, Tiến sĩ Nehginpao Kipgen - Giám đốc điều hành tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS), cho rằng sự kiện này không quá bất ngờ đối với các nhà quan sát trong khu vực, nhất là những người lâu nay vẫn quan tâm tới tình hình Myanmar.

Chủ ý của quân đội

Căng thẳng giữa quân đội và đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD) bùng phát mạnh mẽ kể từ sau cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái sau chiến thắng của NLD. Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) - đảng đối lập chính, có liên kết chặt chẽ với quân đội và là bên thất bại trong cuộc bầu cử, không chấp nhận kết quả.

Đảng USDP liên tục cáo buộc Ủy ban Bầu cử Liên minh (UEC) và đảng NLD thông đồng, cấu kết gian lận bầu cử, trong đó có việc cho phép những người trùng tên sử dụng cùng một chứng minh thư, bỏ phiếu không có chứng minh thư, cử tri mang chứng minh thư giả và vấn đề cử tri chưa đủ tuổi và quá tuổi…

Đảo chính quân sự: Vẫn còn giải pháp cho Myanmar - 1

Đảo chính quân sự sẽ có tác động lớn đối với quân đội nói riêng và đất nước Myanmar nói chung. (Ảnh: AP)

Căng thẳng đẩy lên cao trào khi quân đội tham gia, ủng hộ những cáo buộc của đảng USDP. Quân đội tuyên bố cần phải hành động để bảo vệ “sự ổn định” của đất nước, cáo buộc ủy ban bầu cử quốc gia đã không giải quyết “những sai phạm lớn” trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2020.

Theo Tiến sĩ Nehginpao Kipgen, quân đội Myanmar đang chịu áp lực quốc tế rất lớn sau khi Liên hợp quốc công bố kết quả điều tra quốc tế về cuộc khủng hoảng người Rohingya vào tuần trước.

Chưa dừng lại ở đó, trên Financial Times hôm 23/1, bà Aung San Suu Kyi có bài bình luận, đề cập về vấn đề này, tuyên bố sẽ có các hành động cụ thể để trừng phạt các thành viên quân đội bị kết tội, truy tố thông qua hệ thống tư pháp quân sự.

Tiến sĩ Nehginpao Kipgen cho rằng, những gì vừa xảy ra ở Myanmar vừa qua chủ yếu xuất phát từ những mâu thuẫn giữa quân đội và đảng NLD, xoay quanh thất bại của đảng USDP trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái.

Đảng USDP cho biết, họ đã kêu gọi sự can thiệp của quân đội với lý do UEC không quan tâm nghiêm túc đến các khiếu nại về gian lận bầu cử. Theo USDP, họ đã gửi hơn 1.200 phản đối và khiếu nại lên cảnh sát và ủy ban bầu cử.

UEC luôn cho thấy sự nhất quán, khẳng định không tìm thấy bất thường lớn nào có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. UEC cũng cho rằng, các quan sát viên độc lập trong nước và quốc tế nhận thấy việc tiến hành cuộc bầu cử nhìn chung là tự do và công bằng.

Đảng USDP và quân đội cũng đã kêu gọi Quốc hội - vốn lên lịch họp vào hôm 1/2, tổ chức phiên họp đặc biệt để thảo luận về cái mà họ gọi là “gian lận hàng loạt”. Thế nhưng, Quốc hội đã bác bỏ điều này với lý do các quyết định của UEC là quyết định cuối cùng về các vấn đề liên quan đến bầu cử.

Trong khi đó, Tòa án Tối cao Myanmar đang cân nhắc, xem xét yêu cầu của USDP triệu tập UEC để làm rõ về những cáo buộc sai trái trong bầu cử, song các nhà quan sát pháp lý cho rằng khó có thể giải quyết vấn đề nếu không có bằng chứng mới, thuyết phục.

Tạo tiền lệ xấu

Theo nhận định của Tiến sĩ Nehginpao Kipgen, các hành động phản tác dụng của quân đội làm suy yếu các thể chế mà quân đội đã đặt ra, làm đảo lộn quy trình bầu cử cơ bản và chuyển giao quyền lực chính trị.

Theo Hiến pháp Myanmar, quân đội có cơ sở chính đáng để tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, với việc đe dọa thu hồi hiến pháp (hôm 1/2), quân đội Myanmar cho biết sẵn sàng lật ngược hệ thống chính trị khi lợi ích của họ bị đe dọa.

Hiến pháp là sản phẩm trí tuệ của quân đội, được thực hiện kể từ cuộc tổng tuyển cử năm 1990, và thậm chí còn được đưa ra trưng cầu dân ý vào năm 2008.

Chính bản hiến pháp này quy định, trao cho Tổng thống Myanmar quyền bổ nhiệm các thành viên của UEC. Tổng thống được bổ nhiệm bởi các thành viên của quốc hội, văn phòng thường đại diện cho lợi ích của đảng cầm quyền - đảng chiếm đa số trong quốc hội.

Hệ thống chính trị, pháp luật này đã được sử dụng trong cuộc bầu cử năm 2010. Vào thời điểm đó, đảng USDP đã giành chiến thắng áp đảo. Sau đó, Tổng thống Thein Sein - từng là tướng quân đội, có quyền bổ nhiệm những người mà đảng của ông ấy hoặc ông ấy lựa chọn vào các vị trí trong chính quyền cũng như UEC.

Đảo chính quân sự: Vẫn còn giải pháp cho Myanmar - 2

Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi nhận lá phiếu trong phong bì khi bà đến để bỏ phiếu sớm cho cuộc tổng tuyển cử ngày 8/11, tại văn phòng Ủy ban Bầu cử Liên minh ở Naypyitaw, Myanmar. (Ảnh: AP)

Thế nhưng, trong 5 năm qua, Chính phủ Myanmar do đảng NLD cầm quyền đã kiểm soát cả hai viện của quốc hội, và đề cử các đảng viên của NLD cho vị trí tổng thống. Với chiến thắng vang dội trong các cuộc bầu cử, hiến pháp mang lại cho NLD sự ảnh hưởng lớn hơn ở đất nước này.

“Công bằng mà nói, ngoài việc chỉ ra khoảng cách lớn giữa NLD và các các đảng trong cuộc bỏ phiếu phổ thông, UEC có thể giải quyết triệt để hơn các cáo buộc gian lận với việc làm rõ chi tiết về các sự cố gian lận được phát hiện, trước khi đưa ra kết luận”, Tiến sĩ Nehginpao Kipgen cho hay.

Theo Tiến sĩ Nehginpao Kipgen, UEC đã quá vướng vào cuộc chiến ủy nhiệm giữa quân đội và NLD. Ủy ban này đã không biết cách xử lý thỏa đáng trong vấn đề tranh cãi giữa các bên về khiếu nại bầu cử, tránh những mối lo ngại đó vượt khỏi tầm kiểm soát.

Mọi việc chưa hẳn là không có lối thoát cho tình hình hiện nay ở Myanmar. Theo đó, các thành viên Quốc hội có thể cân nhắc, tính đến đề nghị của quân đội, lập ủy ban điều tra các khiếu nạn về gian lận bầu cử, xóa tan nghi ngờ, đồng thời tạo tiền đề cho việc giải quyết các vụ việc tương tự sau này.

Đối với quốc gia từ lâu đã quen với một hệ thống chính trị nơi quân đội nắm giữ sự ảnh hưởng lớn, một số phân tích cho rằng cần giảm bớt vai trò của quân đội trong quản lý, điều hành đất nước để Myanmar tránh khỏi sự thụt lùi trong những năm tới.

Tại Myanmar, quân đội có sức mạnh, vai trò và ảnh hưởng quá lớn trong nền chính trị. Giới quan sát cho rằng, lực lượng quân đội Myanmar nên sử dụng quyền lực đó theo chức năng của mình, bảo vệ đất nước, giữ ổn định tình hình, tránh can dự quá sâu vào quá trình chuyển đổi dân chủ ở nước này.

Dư luận Myanmar phần lớn không ủng hộ đảo chính quân sự. Theo kết quả các cuộc khảo sát gần đây, hầu hết các cử tri Myanmar tin rằng NLD là đảng duy nhất có thể ngăn chặnn các mối đe dọa nội bộ từ quân đội và những chỉ trích từ bên ngoài.

Kông Anh(Nguồn: Channel News Asia)
Bình luận
vtcnews.vn