Video: Đánh vần theo sách Công nghệ Giáo dục
Dư luận cả nước đang xôn xao tranh cãi về tài liệu tiếng Việt lớp 1, Công nghệ Giáo dục với cách đánh vần chữ cái kiểu mới của một đơn vị biên soạn được Bộ GD-ĐT đưa vào thí điểm.
Theo tài liệu tiếng Việt lớp 1, Công nghệ Giáo dục này thì các chữ cái ‘K’, ‘Q’, ‘C’ đều đọc là ‘cờ’ chứ không đọc phân biệt theo chữ cái khác nhau là 'ka', 'quờ', 'cờ' như trước; đánh vần theo âm chứ không đánh vần theo chữ. Ví dụ lâu nay đánh vần từ “hạnh” là: /hờ/-/anh/-/hanh/-nặng-/hạnh/; hoặc /a/-/nhờ/-/anh/-/hờ/-/anh/-/hanh/-nặng-/hạnh/ thì nay phải đánh vần là /hanh/-nặng-/hạnh/.
Ngoại trừ một số người ủng hộ đang tâm đắc, còn lại đa phần người dân đang hoang mang với cách học mới này. Thậm chí không những phụ huynh mà giáo viên cũng lo ngại “nhiều từ, nhiều câu thầy cô còn khó hiểu huống gì trò”.
Tuyệt đại đa số mọi người đều cho rằng cách đánh vần kiểu mới này làm đảo lộn thói quen đánh vần cũ đã ăn sâu vào tiềm thức của xã hội nên rất khó áp dụng, người học đã quen với cách đánh vần cũ nay bị Bộ GD-ĐT làm khó bằng công nghệ đánh vần "treo ngược" này, nhất là với trẻ em, những tâm hồn non nớt ấy phải "làm chuột bạch", học theo kiểu đánh đố.
Mặc dù đại diện đơn vị biên soạn sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục đã lên tiếng giải thích, cách đánh vần theo âm không theo chữ như vậy là phù hợp với luật chính tả giúp cho học sinh viết chữ không bị sai, thế nhưng rõ ràng cái luật chính tả ấy cho đến bây giờ chỉ người biên soạn ra nó và cộng sự hiểu rành mạch được, còn tuyệt đại đa số dân số đều thấy tù mù rối tung, nói gì đến các cháu lớp 1 đến trường còn ngơ ngác trước mọi thứ thì hiểu sao nổi ý đồ của người lớn?
Việc viết sai chính tả từ trước tới nay của một số ít học sinh không phải tại lối đánh vần kiểu cũ và công nghệ đánh vần mới kiêm luật chính tả này thực ra chẳng có tác dụng ngăn chặn viết sai chính tả như quý đơn vị nghĩ.
Ngược lại, công nghệ mới tuy tỏ ra hiện đại nhưng lại hại điện (bất tiện) khi tự dưng đảo lộn làm rối tung cách đánh vần cũ đã suôn sẻ, dễ học hàng bao thập kỷ nay, khi đánh vần theo kiểu... vơ đũa cả nắm, không phân biệt được từng chữ cái như trước.
Nghe dư luận cả nước phản ứng rầm rầm thì xem ra, cái công nghệ giáo dục này có vẻ không ổn. Do vậy, Bộ GD-ĐT rất nên xem xét lại, chứ không nên duy ý chí.
Có thể chỉ ra những điều bất hợp lý trong tài liệu tiếng Việt lớp 1, Công nghệ Giáo dục:
Cần phải biết đến một trật tự rằng, tiếng nói của loài người đã có từ trước khi nhà nước ra đời rất hàng nghìn năm và chữ viết ra đời để diễn đạt cho tiếng nói. Mỗi khu vực có văn hóa khác nhau có tiếng nói khác nhau và lối diễn đạt tiếng nói bằng chữ viết khác nhau. Khi một cộng đồng có chữ viết biểu đạt được đầy đủ tiếng nói thì cộng đồng ấy có ngôn ngữ (nói và viết) hoàn chỉnh.
Ngôn ngữ có tính xã hội rất cao cho nên nó phải bao gồm những biểu đạt vừa phong phú vừa phân biệt chính xác để việc giao tiếp trao đổi thông tin trong xã hội được thuận lợi nhất. Theo xu hướng tiến bộ, nhiệm vụ của chữ viết là để ngày càng phân biệt được rõ ràng hơn, chính xác tỉ mỉ hơn trong việc biểu đạt lại tiếng nói chứ không phải làm ngược theo cách gộp nhiều chữ cái cùng vào một cách phát âm cho dễ bị nhầm lẫn như cái công nghệ đánh vần kiêm luật chính tả mà Bộ GD-ĐT đang thử nghiệm!
Sử dụng ngôn ngữ thế nào là vốn dĩ thuộc quyền về ngôn ngữ đã sẵn có của cộng đồng, nhà nước ra đời sau, không thể áp đặt ngôn ngữ cho cộng đồng được mà chỉ có thể giúp cho nó dễ sử dụng hơn thì mới được cộng đồng đón nhận.
Ngôn ngữ dễ sử dụng là phải càng ít từ đồng âm khác nghĩa càng tốt, do đó các chữ cái cần được phân biệt khác nhau qua phát âm, để khi các chữ cái kết hợp thành các từ thì tiếng nói được biểu đạt theo cách rõ ràng nhất, chứ không phải đi làm cho càng nhiều từ đồng âm khác nghĩa hơn như của Bộ GD-ĐT đang thử nghiệm.
Sai lầm của cái "công nghệ" này là đánh vần theo âm chứ không theo chữ. Việc này chẳng khác nào đột ngột đem "treo ngược lên" trước mắt cộng đồng cả một bảng chữ đánh vần truyền thống lâu nay. Do đó thứ công nghệ đánh vần này bắt buộc phải đi kèm với luật chính tả thì mới giúp cho cộng đồng nhìn ra được bảng chữ cái "treo ngược" đó. Như vậy, để dạy kèm con em mình được thì cả cộng đồng phải đi học lại lớp 1.
Công nghệ "treo ngược" bảng chữ truyền thống này chỉ gây thêm phiền phức, làm cho mọi người nhìn vào thấy loằng ngoằng khó coi, nhiều từ đồng âm thì nếu nghe theo Âm sẽ bị viết nhầm chữ bởi có nhiều chữ theo công nghệ mới sẽ đồng âm như 'k', 'q', 'c' đều đọc là 'cờ', như 'Tổ Quốc' thành 'Tổ Cuốc'...
XEM NHỮNG BÀI LIÊN QUAN VỤ VIỆC TẠI ĐÂY
Như vậy việc làm xáo trộn thói quen sử dụng ngôn ngữ của cộng đồng đó chẳng qua chỉ có tác dụng áp đặt cộng đồng phải thay đổi từ "viết tay phải sang viết tay trái" mà thôi, và tất nhiên, trong khi cả cộng đồng đang thuận viết tay phải như vậy mà nay lại bị ép phải chuyển sang viết tay trái thì vừa gây rất khó sử dụng tức là đã phản khoa học tự nhiên, lại vừa làm mất thời gian làm quen mà chả đem lại lợi ích gì hơn cho cộng đồng thậm chí lại làm họ viết sai khiến họ ức chế.
Nên nhớ rằng bất cứ một thứ gì muốn mang danh khoa học thì nó cũng phải tuân theo quy luật của tự nhiên thì mới đúng là khoa học, mà ở đây thói quen sử dụng ngôn ngữ của một cộng đồng cũng chính là một quy luật của tự nhiên mà không có cái thứ mang danh khoa học nào chống lại được cả. Bộ GD-ĐT không thể tự cho cái cách cải tiến ngược như vậy là khoa học được.
Tốt nhất là Bộ GD-ĐT nên tôn trọng quyền sử dụng ngôn ngữ của cộng đồng bởi vốn dĩ họ mới là người chủ của ngôn ngữ chứ không phải là một cơ quan nhà nước như Bộ GD-ĐT làm chủ, họ đã thuận "viết tay phải" rồi thì cũng đừng nên ép họ phải chuyển sang "viết tay trái", cải tiến như vậy chỉ vô bổ mà thôi.
Bộ GD-ĐT cũng cần lưu ý, quyền về ngôn ngữ ở cửa miệng là một quyền con người bất khả xâm phạm, quý Bộ tuyệt nhiên không có quyền đem "treo ngược" bảng chữ cái truyền thống của cộng đồng dân cư lên mà ép họ phải học qua luật chính tả của mình được.
Bình luận