Trao đổi về đề xuất đánh thuế tài sản đối với đất, nhà có giá trị trên 700 triệu đồng (tính cho phần giá trị vượt 700 triệu đồng) của Bộ Tài chính, ông Hoàng Văn Cường - Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, các nước đã áp dụng thuế tài sản từ lâu nhằm tạo sự công bằng trong sở hữu tài sản nhà đất.
Tuy nhiên cơ sở mức tính thuế, thuế suất bao nhiêu thì cần phải được tính toán kỹ hơn, khoa học hơn, chứ xác định ngay người sở hữu nhà trên 700 triệu đồng bị tính thuế là chưa hợp lý.
Mặt khác dự luật không nên chỉ đánh thuế giá trị nhà, mà nên tính toán cả quy mô và giá trị tài sản. Ông ví dụ, cách tính nên dựa trên cơ sở quy định về quy mô, giá trị tài sản.
Người sở hữu dưới mức tối thiểu của khung này sẽ không bị chịu thuế. Trường hợp vượt mức tối thiểu sẽ bị đánh thuế. Cách tính như vậy, theo ông Cường, sẽ công bằng hơn, tránh ảnh hưởng tới đối tượng thu nhập thấp trong xã hội.
Về giá đất, cần xác định được giá phù hợp, sát với giá trị thật thì chính sách thuế mới có ý nghĩa, bởi có nhà nếu áp khung giá đất của Nhà nước thì quá thấp so với giá thực tế và ngược lại.
Do đó, Hiệu phó Đại học kinh tế quốc dân cho rằng việc phải tìm được một giá phản ánh sát nhất giá thị trường là điều hết sức quan trọng, nếu không rất có thể chính sách thuế sẽ chỉ mang tính hình thức, không công bằng.
“Thế giới họ cũng phải sử dụng giá công khai chứ không phải giá đơn lẻ cho từng nhà một, vấn đề là làm thế nào giá mà chúng ta công bố công khai sát nhất với giá thị trường chứ không phải quá khác biệt như hiện nay. Cần phải có điều chỉnh để khung giá phản ánh đúng giá nhà trên thị trường”, ông Cường nói.
Đồng tình với quan điểm thuế tài sản bất động sản đã được áp dụng tại nhiều quốc gia, ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Xây dựng lý giải giá trị của một tài sản bất động sản một phần phụ thuộc vào bản thân tài sản, phần khác phụ thuộc vào chất lượng, số lượng hạ tầng phục vụ cho nó gồm đường sá, điện nước…
Vì thế, theo ông, hạ tầng làm ra sự chênh lệch giữa giá trị của các tài sản nên việc đưa ra sắc thuế này là phù hợp với thông lệ.
Tuy nhiên, ông cho rằng, trên thế giới, nhiều quốc gia gọi đây là "thuế phần nghìn", tức là thuế suất cao nhất chỉ bằng phần nghìn giá trị tài sản, còn mức thấp có thể là phần vạn, có sự chênh lệch nhau hàng chục lần.
Do đó, tại Việt Nam nếu áp dụng cũng nên chia thành nhiều bậc để có những ngôi nhà, lô đất của người thu nhập thấp thì mức đóng chẳng đáng là bao, mỗi năm có thể chỉ 100.000 đồng cũng được, trong khi đó nhà càng đắt thì mức thuế càng lớn. Làm như vậy mới có thể thực hiện được vai trò điều tiết của sắc thuế.
Cũng thừa nhận hiện nay có tình trạng người thu nhập thấp vẫn đang phải đi vay ngân hàng để mua nhà, song ông Liêm cho rằng phải tách bạch 2 vấn đề.
"Việc người mua nhà phải đi vay là vấn đề của thị trường tiền tệ, còn việc đánh thuế là để thực hiện nhiệm vụ của người dân, tạo ngân sách để phục vụ lại cho chính xã hội", ông bày tỏ quan điểm.
Ông Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, dự thảo Luật Thuế tài sản lần này được đưa ra trong bối cảnh hiện chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ về phân phối tài sản của xã hội, trong khi đây sẽ là hàm tham chiếu để tính mốc đánh thuế hợp lý nhất. Khi chưa có đầy đủ dữ liệu thì mức đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng Bộ đưa ra là chưa hợp lý.
Chính sách thuế phải đảm bảo công bằng thu đúng, thu đủ, nên khi chưa có đầy đủ thông tin về sở hữu, sử dụng nhà đất, phân phối tài sản của người dân thì việc áp dụng thuế tài sản là khó khăn.
Ngoài ra ông Thành cũng cho rằng, do xác định mức đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng nên diện đối tượng bị chịu thuế này quá rộng; đa số người dân sở hữu căn nhà đầu tiên sẽ phải đóng thuế, tạo gánh nặng và phiền hà.
“Ở đây chính là bài toán hiệu quả giữa xác định và cách đánh thuế. Nếu tập trung đánh thuế vào tài sản của đối tượng người giàu có nhiều tài sản, quy mô tài sản lớn sẽ hợp lý và thu được nhiều hơn hơn là cách ‘cào bằng’ như dự thảo đưa ra”, ông Thành bình luận.
Ngoài ra, Dự luật cũng chưa tính tới giá trị tài sản sẽ thay đổi theo thời gian và chưa điều chỉnh hành vi trường hợp người sở hữu tài sản cố tình khai thấp để tránh thuế.
Đại diện cho giới kinh doanh địa ốc, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng việc Bộ Tài chính đang muốn đánh thuế tài sản đối với nhà trên 700 triệu đồng như dự thảo vừa công bố là chưa hợp lý.
Ông Châu giải thích, ngay cả nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình thấp cũng đã xoay quanh vùng giá từ dưới đến chạm ngưỡng một tỷ đồng. Do vậy, nếu đánh thuế tài sản chỉ nên áp dụng đối với nhà có giá một tỷ đồng trở lên nhằm tránh tạo thêm gánh nặng cho người có thu nhập trung bình thấp trong xã hội.
Mặt khác, nhà ở cấp 3, cấp 4, không kiên cố và kết cấu đơn giản, thô sơ cũng không nên đánh thuế tài sản.
Lãnh đạo HoREA thậm chí còn chỉ ra, việc đánh thuế tài sản sẽ dẫn tới thuế chồng thuế, tạo thêm áp lực rất lớn cho người dân. Bởi lẽ, theo ông Châu, hiện nay tiền sử dụng đất đang chiếm tỷ trọng khá lớn đối với bất động sản nhà ở.
Cụ thể, tiền sử dụng đất chiếm khoảng 10% giá trị căn hộ, chiếm trên dưới 30% giá trị nhà phố liền thổ (nhà gắn liền với đất). Riêng đối với biệt thự, tiền sử dụng đất đang chiếm 50% giá trị căn nhà. Điều này cho thấy tiền sử dụng đất đang là gánh nặng không nhỏ đối với người sở hữu nhà.
Do đó, chừng nào tiền sử dụng đất vẫn còn chiếm tỷ trọng quá lớn trên tổng giá trị căn nhà, việc đánh thuế tài sản sẽ dẫn đến tình huống thuế chồng thuế, có thể dẫn đến phản ứng tiêu cực.
Chuyên gia này còn cho rằng, việc đánh thuế tài sản chỉ nên áp dụng đối với giai đoạn từ năm 2020 trở đi vì các điều kiện và cơ sở để đánh thuế tài sản hiện nay chưa hội đủ. Ông Châu nhận định, cơ quan quản lý cần có dữ liệu quan trọng là mã số định danh để thực hiện việc đánh thuế tài sản.
Các giao dịch nhà ở cần thực hiện qua hệ thống ngân hàng để xác định giá trị và dòng tiền. Ngoài ra, tiền sử dụng đất cũng cần được điều chỉnh giảm xuống mức hợp lý hơn, để giúp cho việc áp dụng đánh thuế tài sản nhận được sự đồng thuận cao.
“Trước khi ban hành và áp dụng một sắc thuế, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải xét đến tính bền vững của thị trường nhà ở. Bởi lẽ, thị trường có ổn định và phát triển bền vững thì việc thu thuế mới khả thi”, ông Châu nhấn mạnh.
Trước đó, trong cuộc họp ngày 13/4, đại diện Bộ Tài chính cho biết đang vừa kiến nghị với Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội để đưa dự án Luật thuế tài sản vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Theo đó, đơn vị này đề xuất mức thuế suất 0,4% thuế tài sản với căn hộ chung cư, đất ở, đất xây nhà chung cư, đất kinh doanh..., có giá trị từ 700 triệu đồng (tính cho phần giá trị vượt 700 triệu đồng) mỗi năm.
Ví dụ căn nhà có giá trị 1,7 tỷ đồng, chủ sở hữu sẽ phải nộp 4 triệu đồng một năm thuế tài sản cho phần một tỷ đồng vượt ngưỡng chịu thuế đó.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, các nội dung đề xuất trong Luật thuế tài sản hiện cơ quan này chưa gửi xin ý kiến các bộ, ngành, UBND các địa phương và đăng tải rộng rãi trên website.
Việc xin ý kiến các cơ quan này sẽ tiến hành sau vài ngày nữa. Sau đó, dựa trên ý kiến tiếp thu, cơ quan này mới xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và đưa vào chương trình xây dựng luật.
Bình luận