(VTC News) - “Với trường hợp lái và phụ xe đánh hành khách chảy máu đầu doanh nghiệp sẽ căn cứ theo luật lao động để xử lý, mức như thế này thường là bị đuổi việc”, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông đô thị Hà Nội (thuộc Sở Giao thông vận tải Hà Nội) cho biết.
>> Hà Nội: Lái, phụ xe buýt hành hung khách giữa phố
>> Hà Nội: Lái, phụ xe buýt bắt khách quỳ xin mở cửa
>> Lái, phụ xe bus Hà Nội giận khách, chán nghề
Liên quan đến vụ việc lái và phụ xe buýt đánh hành khách chảy máu đầu xảy ra vào sáng 28/3, trên tuyến buýt số 27 (BX Yên Nghĩa - Nam Thăng Long, Hà Nội), chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội để làm rõ hơn trách nhiệm của đơn vị quản lý nhà nước.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho hay: “Chúng tôi đã nhận được thông tin vụ việc, và đã chỉ đạo Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật và hợp đồng vận tải giữa doanh nghiệp với Sở”.
“Vấn đề này chủ yếu là trách nhiệm quản lý của doanh nghiệp, vì trực tiếp quản lý và sử dụng lái xe, nên để xảy ra những vụ việc thế này doanh nghiệp phải xử lý”, ông Linh khẳng định.Anh Kim Văn Chung bị lái và phụ xe buýt số 27 đánh chảy máu mặt.
Điều đặc biệt, đơn vị khai thác tuyến buýt số 27 là Xí nghiệp xe điện Hà Nội (thuộc Tổng Công ty vận tải Hà Nội), Xí nghiệp này cũng là đơn vị khai thác tuyết buýt số 34 từng xảy ra vụ việc lái và phụ xe bắt hành khách phải quỳ xin mới mở cửa xe cho xuống, xảy ra ngày 23/10/2011.
Về chế tài tăng nặng hình phạt, ông Linh cho biết: “Tất cả phải dựa theo quy định của luật, muốn xử lý khác cũng khó!”
Về việc một năm Hà Nội phải bỏ ra hơn 1.400 tỷ đồng để bù giá vé cho xe buýt, trong khi chất lượng dịch vụ xe buýt vẫn chưa tốt, ông Linh cho hay, số tiền này chia hỗ trợ cho nhiều đơn vị. “Tất nhiên Tổng Công ty vận tải là đơn vị nhà nước chiếm hơn 80% thị phần xe buýt Hà Nội. Sở chỉ có chức năng quản lý nhà nước, chỉ ký hợp đồng vận tải với các đơn vị, và xử phạt căn cứ theo hợp đồng hai bên đã ký. Đây cũng là cái khó trong việc quản lý”, ông Linh thừa nhận.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông đô thị (đơn vị được Sở GTVT giao quản lý xe buýt) hiện nay Công an quận Đống Đa và Xí nghiệp xe điện Hà Nội vẫn đang triệu tập hai bên liên quan để tường trình lại sự việc.
“Sau khi xác minh chính xác sự việc, tùy mức độ nặng nhẹ sẽ căn cứ theo hợp đồng để xử lý doanh nghiệp”, ông Hải khẳng định.
Cũng theo ông Hải, phía doanh nghiệp sẽ căn cứ theo luật lao động để xử lý, mức độ vụ việc như vậy thường là đuổi việc lái và phụ xe.
Đánh giá về thái độ của lái và phụ xe buýt thời gian gần đây, đặc biệt với Xí nghiệp xe điện Hà Nội khi để xảy những vụ việc thời gian qua, ông Hải cho rằng: “Nhiều thông tin tôi nhận được là thái độ tốt, nhưng có thể vì số lượng lái và phụ xe quá lớn với mấy ngàn người, nên cũng có trường hợp này kia”.
“Sai tới đâu sẽ xử lý tới đó, quan điểm là xử lý kiên quyết, đồng thời tuyên truyền, giáo dục để lái và phụ xe buýt làm việc tốt hơn”, ông Hải khẳng định.
Trước đó, vào sáng ngày 28/3, anh Kim Văn Chung (SN 1978, trú tại Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) lên chiếc xe buýt số 27 tại một điểm trên đường Phạm Văn Đồng. Khi đi đến đoạn Cống Mọc (đường Láng) thì anh xuống xe.
Tuy nhiên, khi đang bước xuống ở cửa sau thì lái xe đột nhiên đóng cửa lại, kiến anh Chung bị kẹt vào cửa, và hai bên có lời qua tiếng lại, sau đó lái và phụ xe lao vào hành hung anh Chung, làm mặt anh chung vị rách và chay nhiều máu.
Lê Việt
Bình luận