Lý sự với cố NSƯT Út Bạch Lan vì... chùm râu dê
- Bộ râu dê là "thương hiệu" của Hồng Tơ mấy chục năm qua. Sự tích của thương hiệu này như thế nào, thưa anh?
Bộ râu dê này theo tôi từ năm 1984. Người nghệ sĩ nào cũng có một thần tượng riêng của mình trong nghề. Tôi cũng vậy. Tôi thần tượng hề "râu" Thanh Việt. Hồi đó, tôi còn trẻ, nếu để cả râu hàm trên thì khi đóng vai thanh niên, con nít sẽ không làm được. Sau khi suy nghĩ, tôi quyết định chỉ để một chùm dưới cằm.
- Đặc thù nghề nghiệp của anh là phải hoá thân vào nhiều thể loại nhân vật từ già tới trẻ. Để râu từ thời thanh niên có khiến anh gặp sự cố trong nghề?
Có chứ. Năm 1985, tôi mới nuôi được chùm râu này thì đoàn Phước Chung mang vở Vai người khác đóng đi dự Hội diễn Sân khấu Thiếu nhi toàn quốc.
Đây là kịch của Liên Xô do soạn giả Đức Hiền chuyển thể sang cải lương và cố NSƯT Út Bạch Lan đạo diễn. Tôi đóng vai một đứa con nít.
Nghệ sĩ Bạch Lan yêu cầu tôi cạo râu vì con nít không thể có râu được. Lúc đó tôi còn trẻ nên bảo thủ, nghĩ tiếc công mình nuôi 2, 3 tháng râu mới mọc lại nên tôi nói "để con lấy phấn đắp lên" nhưng cô Bạch Lan không chịu.
Tôi lý sự "Hồng Tơ hỏi cô, con nít làm gì có lông chân nhưng mấy anh chị đóng vai con nít cùng Hồng Tơ như anh Văn Tâm, Dũng Tâm đều lông chân lún phún đấy thôi, giờ không lẽ các anh cũng phải cạo"?
Tính cô Bạch Lan rất thắng thắn. Cô nói: "Nếu Hồng Tơ không cạo râu, cô sẽ không cho mở màn". Hồng Tơ làm sao dám để chuyện đó xảy ra, cuối cùng quyết định của cô Bạch Lan vẫn là trên hết. Hồng Tơ đành ngậm ngùi rẹt một cái, hy sinh bộ râu.
Từng ngủ trên thớt thịt ngoài chợ
- Nghệ sĩ Bảo Chung thời chưa có tên tuổi từng phải đóng vai quân hầu, binh lính, làm hậu đài và bị dân từ chối cho ngủ nhờ vì nhìn mặt gian, sợ ăn cắp đồ. Còn anh, khi chưa có tên tuổi thì cuộc sống như thế nào?
Hồi xưa các đoàn cải lương thường đi về các vùng nông thôn hẻo lánh biểu diễn cho bà con xem, ăn đình ở chùa là chuyện bình thường. Sân khấu được dựng ngoài trời, dùng bao bố (bao tải loại lớn – PV) ghép lại thành dàn bao sân khấu.
Tôi cũng đi lên từ các vai quân hầu binh sĩ như anh Bảo Chung. Những nghệ sĩ đóng kép chính thì dân chúng biết mặt nên xin ngủ nhờ được còn chúng tôi thì trải chiếu xuống sàn hoặc gầm sân khấu mà ngủ hoặc vào các nhà lồng chợ, nằm trên thớt thịt của người ta.
Có lần tầm 4, 5 giờ sáng, tôi đang ngủ say thì một ông người Hoa tới kêu: "Dậy, dậy dậy. Ngủ cái gì. Cái thớt thịt của người ta bán hàng mà nằm lên ngủ thì lấy chỗ đâu tôi bán". Đó là sự thật luôn.
Những kỷ niệm đó chắc chắn các thế hệ diễn viên sau này không thể có được. Bây giờ đoàn cải lương về miệt U Minh diễn thì cũng có xe đứa đón về khách sạn, không còn cảnh nghệ sĩ phải ngủ lại ngay tại điểm diễn như xưa nữa.
- Có một điều đặc biệt là hầu hết các nghệ sĩ đều nổi danh từ những vai rất nhỏ hoặc đào nhì, kép nhì. Anh cũng không ngoại lệ. Thế nhưng, nghệ sĩ nào cũng mong được một lần đóng chính và tin rằng chỉ có vai chính mới khiến mình nổi tiếng. Anh nghĩ thế nào về điều này?
Thời trẻ, tôi cũng từng nghĩ như vậy. Tuy nhiên, chính những vai giúp tôi có cái tên Hồng Tơ như ngày hôm nay đều chỉ có một hai trang giấy kịch bản.
Còn nhớ khi tôi đã có tên tuổi ở Nhà hát Trần Hữu Trang, về đoàn Sài Gòn 3, tôi phải nhận một vai nhỏ xíu trong vở Tình yêu và tên cướp do cố NSƯT Đoàn Bá đạo diễn, vai của tôi chỉ có một trang giấy.
Nhưng mình là diễn viên. Diễn viên thì phải không ngừng tìm tòi sáng tạo cho từng vai diễn, đó là lao động nghệ thuật. Và dù là vai rất nhỏ thì Tình yêu và tên cướp cũng đã góp phần đưa tên tuổi của Hồng Tơ lên.
Đang hát ở Trần Hữu Trang với mức lương 36.000 đồng/ tháng cùng mức bồi dưỡng mỗi đêm diễn 15.000 đồng, còn được cấp một phòng ở lầu 10 khách sạn 727 nhưng sau khi xem vở Em ơi đừng khóc nữa của đoàn Sài Gòn 1, tôi xin về đây diễn với mức lương chỉ 12.000 đồng bằng kép chính là anh Chí Hải.
Khi tập vở Yêu và ghen, kịch bản của tôi cũng chỉ có một trang giấy. Đương nhiên lúc đó tôi cũng buồn. Tên tuổi mình như thế mà về đây phải diễn vai nhỏ xíu... nhưng nhờ mình nghiên cứu, tìm tòi và được NSƯT Thanh Điền chỉ nên tôi lại có một vai được khán giả yêu mến.
Nói thế để thấy rằng, khi các bạn trẻ nhận kịch bản, dẫu vai mình chỉ vài trang giấy thì cũng đừng buồn mà hãy nghiên cứu, sáng tạo, tìm tòi để vai mình thật hay, ra sân khấu là khán giả phải nhớ.
Hạnh phúc với người vợ trẻ
- Bây giờ sân khấu cải lương và tấu hài đều không còn hoành tráng như xưa. Trong nghề này, làn sóng sau chồm lên làn sóng trước, rất nhiều nghệ sĩ ngôi sao thế hệ trẻ nổi lên. Theo quy luật tự nhiên ấy, cái tên Hồng Tơ cũng phải lui lại phía sau... Vậy cuộc sống của anh hiện tại như thế nào?
Cuộc đời tôi qua nhiều thăng trầm, từng cay đắng không ít nhưng hiện tại, tôi có cuộc sống ổn định.
Nghệ sĩ Hồng Tơ
Cuộc đời tôi qua nhiều thăng trầm, qua nhiều khúc quanh của số phận... từng cay đắng không ít nhưng hiện tại, tôi có cuộc sống ổn định dù sân khấu tấu hài bây giờ không còn như xưa. Tất nhiên, nếu có ai hỏi tôi có buồn vì tình hình sân khấu hiện tại không thì đương nhiên là tôi buồn.
Dù vậy, tôi vẫn sống được bằng nghề hát. Có lẽ tôi được Tổ nghiệp và trời phật thương. Cho dù sân khấu hiện tại đang ngoi ngóp, đi vào bế tắc nhưng tôi vẫn được mời, được làm nhiều chương trình khác.
Về cuộc sống riêng tư, tôi hạnh phúc với người vợ trẻ, đảm đang, chu toàn cho chồng con. Đó là phước báo của tôi.
Tôi mới mua được căn nhà không rộng lắm, ngang chỉ có 10 mét, rộng 25 mét thôi nhưng vậy là quá đủ với tôi. Tôi mua căn nhà này để cho vợ kinh doanh cà phê sau này, phòng lúc trời mưa gió hay bị ế show thì vẫn có đồng ra đồng vào...
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Bình luận