Những ngày gần đây, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh một đối tượng trộm chó ở Hưng Yên bị người dân đánh đập dã man và nhốt cùng chó trong lồng sắt giữa thanh thiên bạch nhật.
Trước đó, dư luận cả nước cũng từng xôn xao về vụ việc nhiều người cùng tham gia đánh chết một người đàn ông trộm chó ở Nghệ An.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, từ năm 2010 đến nay, cả nước có 10 vụ "cẩu tặc" bị mất mạng vì bị người dân đánh đập khi bị bắt quả tang trộm chó.
Vụ việc nào báo chí cũng lên tiếng phản ánh nhưng những hành vi này vẫn ngang nhiên diễn ra. Sự trừng phạt của pháp luật, lời cảnh báo từ cơ quan truyền thông dường như không thể át được sự "bức xúc quá trớn" của người dân.
Hành vi lấy tính mạng con người để trả giá cho những hành động trộm cắp báo động hiện tượng "phép vua còn thua lệ làng" hay hành động "vô minh" của người Việt?".
Về vấn đề này, PGS. TS Lê Quý Đức, Nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển đã có những chia sẻ với VTC News.
PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng: "Xét về góc độ văn hóa, đạo đức, việc xuống tay đánh chết người, hay nhốt nạn nhân là kẻ trộm trong lồng đương nhiên là không thể chấp nhận được.
Nó cho thấy tinh thần nhân văn, tính hướng thiện của con người dường như đã đã bị lấn át hoàn toàn bởi tính vô thức tập thể.
Cách đối xử giữa con người với con người dường như còn tàn bạo và dã man hơn thời trung cổ.
PGS Lê Quý Đức
Cách đối xử giữa con người với con người dường như còn tàn bạo và dã man hơn thời trung cổ. Hành động trộm chó rất đáng để lên án nhưng việc đánh đập dã man người ăn trộm cũng có thể hiểu là "tội chồng lên tội".
Ông Lê Quý Đức chia sẻ : "Thời kỳ chiến tranh khi giặc xâm lăng đất nước, nhiều khi chúng ta bắt được kẻ thù có thể giam cầm, sau này khi chiến thắng còn thả họ về quê nhà.
Thậm chí, khi bắt họ bị thương, chúng ta còn chữa trị cứu giúp. Thế nhưng, bây giờ cuộc sống hòa bình, no đủ, lại cùng một giống nòi, cùng một dân tộc mà họ có thể đánh chết người ăn cắp vặt".
Video: Người đàn ông trộm chó bị nhốt vào lồng sắt ở Hưng Yên
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến những hành động dã man trong việc hành hung người ăn trộm chó, ông Lê Quý Đức đưa ra những phân tích: "Có nhiều người bắt được trộm gà hay lợn họ sẽ giao nộp cho công an chứ không có những hành động dã man như kẻ ăn trộm chó.
Bởi vì, con chó không chỉ là một vật nuôi đơn thuần mà còn là bạn với con người. Mất chúng, nhiều người cũng coi như mất đi một người bạn của mình".
Ông Đức cho rằng khi một ai đó cướp mất đi một nguồn thu nhập mà sự việc cứ lặp đi lặp lại nhiều lần khiến bất cứ ai cũng cảm thấy phẫn nộ.
Chính vì thế, khi bắt được kẻ đã cướp đi tài sản của mình, lòng căm tức bấy lâu trỗi dậy, họ đánh đập người khác cho hả dạ.
"Cũng phải nói thêm, trong việc đánh hội đồng kẻ trộm chó như vừa qua tại Hưng Yên, có người đánh theo vô thức tập thể cho hả hê.
Tuy nhiên, việc họ nhốt người này vào lồng sắt cùng một con chó là việc không thể chấp nhận được.
Đó là hành động thiếu chuẩn mực đạo đức, mang dáng dấp của một xã hội vô minh, vô pháp luật. Người ta coi mạng người còn không bằng một con chó", PGS.TS Đức chia sẻ.
Ông Đức phân tích thêm, lâu nay, những vụ trộm chó xảy ra triền miên tại các địa phương. Cũng có nhiều "cẩu tặc" bị bắt và đưa lên cơ quan chức năng xử lý nhưng tình trạng ấy vẫn diễn ra thường xuyên. Pháp luật của chúng ta còn xem nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với những hành động trộm cắp.
"Một con chó ở nông thôn có giá trên dưới 1 triệu đồng. Nếu quy ra tài sản thì cùng lắm những kẻ trộm chó chỉ bị tạm giữ và phạt hành chính.
Sau vài ngày, thậm chí vài giờ, những kẻ trộm chó lại nghênh ngang ngoài đường và tiếp tục "tìm kiếm" những phi vụ mới.
Những kẻ trộm chó ngày càng hung hăng, liều lĩnh, sẵn sàng tấn công người phát hiện, rượt đuổi với mức độ tàn bạo nhất để tẩu thoát. Đấy cũng chính là nguyên nhân quan trọng khiến những người dân ác cảm đặc biệt với "cẩu tặc"", ông Đức nói.
Theo ông Đức: "Cái gốc rễ để giải quyết vấn đề là phải tăng tính nghiêm minh của luật pháp, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người dân.
Tại sao vẫn còn những kẻ bất chấp tính mạng của mình vì một con chó? Đấy cũng có thể là do cuộc sống của con người đang trọng tình trạng khó khăn, bế tắc. Không có một người nào giàu có, no đủ không ai lại đi ăn cắp một con chó cả".
Ông Đức bình luận người dân trong xã hội hiện nay đang bị dồn nén bởi quá nhiều sự bức xúc. Vì vậy, khi có một tên ăn trộm chó đến, xâm phạm vào sự tĩnh lặng, chọc đúng vào sự phẫn nộ của người dân thì họ không làm chủ được bản thân và đánh đập không thương tiếc.
Bình luận