Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn là công tử nhà giàu nổi tiếng hào hoa phong nhã. Ông là con trai của chủ hãng nước mắm Vạn Vân nổi tiếng Hải Phòng. Thủa còn thanh xuân, Đoàn Chuẩn chơi đàn điệu nghệ, tự lái xe hơi Ford Frégatte đến trường và có mối tình sâu đậm với cô bạn cùng lớp Nguyễn Thị Xuyên.
Sau này, hai người lấy nhau. Bà Xuyên cũng chính là nhân vật với tà áo tím gây thương nhớ của Đoàn Chuẩn trong tác phẩm Đường về Việt Bắc nổi danh. Ngoài ra, còn một bài nữa cũng có hình bóng vợ ông nhưng ít người để ý là Gửi người em gái miền Nam với hình ảnh “Cành hoa tim tím bé xinh xinh đón xuân về”.
Trong cuộc sống, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn chỉ nhắc đến một người phụ nữ duy nhất là vợ mình. Nghệ sĩ Đoàn Đính, con trai Đoàn Chuẩn kể: “Bố không bao giờ nhắc đến bất kỹ người phụ nữ nào khác ngoài mẹ tôi. Gia đình tôi rất nghiêm khắc. Những chuyện mà dư luận đồn thổi, trong gia đình tôi không bao giờ được nghe và cũng không được phép tò mò”.
Chuyện phu nhân của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn hay ghen chồng cũng được nhiều người đồn đoán. Tuy nhiên, theo nghệ sĩ Đoàn Đính, mẹ anh không phải là người quản lý chồng theo thói quen thường thấy. Ngược lại, bà hiểu tính cách phóng khoáng và tâm hồn nghệ sĩ đa sầu đa cảm của ông.
Nói về chồng mình, bà Đoàn Thị Xuyên từng thổ lộ: "Chồng tôi lãng mạn và đa tình lắm. Có vậy, ông mới viết bài hát hay như thế. Ông muốn ngang thì ngang, muốn dọc thì dọc, tôi chiều ông hết. Bổn phận của tôi là chăm sóc chồng, nuôi con, lúc nào cũng an phận chịu đựng. Ông không biết đến sinh kế gia đình, con cái… Đời ông phóng khoáng. Nghe nhạc ông, lúc nào tôi cũng ngạc nhiên: 'Sao ông tài thế!'. Mỗi bài hát là kỷ niệm một mối tình đi qua đời ông. Đôi khi tôi cũng buồn vì ông viết tình ca tặng cho người phụ nữ khác. Nhưng lấy chồng nghệ sĩ, số mình chịu vậy!".
Chỉ duy nhất một lần bà Xuyên đi đánh ghen nhưng đánh ghen một cách nhẹ nhàng, thâm thúy. Chuyện là hồi ấy, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn mê mẩn ca sĩ Lê Hằng. Đây là bóng hồng tạo nên rung cảm đẹp và trở thành giai nhân trong 6 bản tình ca tuyệt hay của ông, trong đó có bài Tà áo xanh, Lá đổ muôn chiều, Vàng phai mấy lá, Chiếc lá cuối cùng...
Chuyện đến tai vợ nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Bà đã lặn lội từ Hải Phòng lên Hà Nội để gặp tình địch. Tuy vậy, không có một cuộc đánh ghen ầm ĩ nào xảy ra. Bà chỉ nhẹ nhàng nói với cô ca sĩ xinh đẹp rằng: “Cô yêu anh ấy một thì tôi yêu anh ấy mười. Nếu anh ấy có thể bỏ tôi để đi theo cô thì sau này anh ấy cũng có thể bỏ cô để theo người khác. Nếu cô chấp nhận như vậy, thì cô có thể nuôi ba đứa con của anh ấy không? Giữa cô và chị có một người phải hy sinh”.
Nghe vậy, Lê Hằng thốt lên: “Thế thì em là người hy sinh. Ông ấy có vợ rồi, em không thể yêu được”. Sau đó một thời gian, NSƯT Lê Hằng đi lấy chồng, là nghệ sĩ đàn accordeon Nguyễn Đăng Tư.
Nói về tác phẩm Tà áo xanh và kỷ niệm với Đoàn Chuẩn, NSƯT Lê Hằng chia sẻ: "Bản thân tôi không biết nhạc sĩ Đoàn Chuẩn có nói rằng quý mến tôi với ai không nhưng chưa bao giờ ông ấy nói điều đó với tôi cả. Ngày ấy, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn là chủ rạp Đại Đồng, tôi là ca sĩ hát ở đó nên chỉ làm việc với tư cách ca sĩ và ông chủ rạp phim. Tôi chủ yếu làm việc với người quản lý của ông ấy. Rất ít khi chúng tôi nói chuyện trực tiếp với nhau. Hơn nữa, khi ấy, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã có gia đình.
Tôi chỉ nhớ một lần, tôi cùng mấy anh em nhạc công tới chúc Tết gia đình nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, đang ngồi trò chuyện, nhìn thấy đám lá vàng rơi xao xác bên cửa sổ, tôi buột miệng 'Sao mùa xuân rồi mà vẫn có lá vàng rơi nhỉ?'. Mấy ngày sau, có việc tới nhà ông, tôi nhìn thấy một bản nhạc đang viết dở để trên bàn, trong đó có câu: 'Anh còn nhớ em nói rằng sao mùa xuân lá vẫn rơi/ Sao mùa xuân lá vẫn bay…' (lời trong ca khúc nổi tiếng 'Tà áo xanh'). Với bản tính hồn nhiên, tôi bụm miệng 'ôi' nhưng chợt thấy mình vô duyên quá nên tôi lại thôi (cười). Tôi cũng chưa bao giờ hát một bài nào của ông ấy"...
Video: NSƯT Lê Hằng và Trịnh Quý hát "Trước ngày hội bắn"
Nói về vẻ đẹp và sự nổi tiếng của NSƯT Lê Hằng, nhiều người yêu nhạc ở Hà Nội vẫn rỉ tai nhau rằng, thủa trước, mỗi khi có tên Lê Hằng trên băng rôn, khán giả đến xem đông tới cháy vé. Bà cũng được rất nhiều chàng trai nhà giàu theo đuổi. Nói về điều này, diva nhạc đỏ cười: "Đúng là mỗi khi từ rạp này sang rạp kia hát, một số người mời tôi lên ôtô chở tôi đi nhưng tôi không nhận lời ai cả. Có người tặng quà, tôi cũng không nhận. Ngay từ nhỏ, tôi được mẹ dạy rằng con gái phải đoan trang. Gia đình mình nghèo, chỉ yêu và lấy người cùng điều kiện".
Bà cười ngượng ngùng: "Nhiều người khen tôi đẹp, nhưng thật lòng tôi thấy mình cũng chỉ dễ nhìn, vừa vừa thôi".
Nhà văn Trương Quý kể, khi viết cuốn Một thời Hà Nội hát, anh đã gặp gia đình Đoàn Chuẩn cùng nghệ sĩ Lê Hằng. Dù nhiều tuổi, bà Lê Hằng vẫn đẹp lắm, tính tình đúng kiểu người Hà Nội cũ: Kỹ lưỡng, nề nếp, khiêm nhường, thư thái. "Khi tôi đưa cho bà xem bức ảnh của bà được nhạc sĩ Đoàn Chuẩn lưu giữ đến cuối đời, bà Hằng và gia đình bất ngờ lắm. Bà nói, bà cũng không có bức ảnh đó"- nhà văn tiết lộ.
Người đẹp Lệ Hằng với màu áo xanh huyền thoại một thời sống khá lặng lẽ, giản dị bên chồng và các con sau khi quyết định kết hôn. Bà qua đời vào tối 18/3 tại bệnh viện 108, thọ 86 tuổi.
Bình luận