• Zalo

Đăng tải thông báo 'tự kết liễu đời mình' mà không ai phản hồi, nữ sinh 15 tuổi tự tử

Đời sốngThứ Hai, 26/08/2019 17:37:00 +07:00Google News

Một nữ sinh nghiện mạng xã hội tự sát sau khi dành nhiều giờ đồng hồ ngồi trong phòng, cố gắng tăng "lượt thích” cho bài đăng của cô.

Ruby Seal 15 tuổi, sống ở Carlisle, Cumbria, Anh dành nhiều buổi tối và cuối tuần “dán mắt” vào điện thoại đảo qua lại giữa các tài khoản.

Vào tháng 2/2017, sau khi cãi nhau với mẹ đòi mua gói mạng điện thoại 200 Bảng và đăng bài lên mạng nhưng không nhận được tương tác nào, Ruby tự tử.

Mẹ của Ruby, bà mẹ có 3 đứa con – Julie 42 tuổi đang kêu gọi mạng xã hội cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng. Bà nói: “Tôi chắc chắn rằng nếu không có mạng xã hội, Ruby vẫn sẽ ở bên chúng tôi”.

Bà Julie cho biết trong trường hợp kinh khủng nhất, Ruby đã nhốt mình trong phòng, đăng nhiều ảnh và dòng trạng thái mỗi ngày, tuyệt vọng tăng lượt tương tác cho các bài đăng của mình.

Để ngăn con gái khỏi việc này, bà Julie đổi mạng Wifi ở nhà, nhưng Ruby lại sử dụng 4G để thay thế và mua gói data 200 Bảng một tháng.

Vài tháng trước khi tự tử, nữ sinh chia sẻ những dòng trạng thái và tin nhắn khó hiểu với bạn bè, hỏi rằng: “Nếu đây là ngày cuối cùng trên đời này của tôi thì tôi sẽ làm gì?”.

Sau khi cãi nhau với mẹ, Ruby đăng hình cô lên Snapchat với dòng chia sẻ: “Có thể tôi sẽ tự kết liễu đời mình vào sáng hôm nay”. Không có ai phản hồi, Ruby - vốn bị bệnh tâm lý tự tử trong phòng vào ngày 21/2/2017.

Hai em sinh đôi của cô phát hiện cô bé tự tử trong phòng. Ông bà của cô bé gọi cấp cứu nhưng Ruby đã qua đời tại bệnh xá Cumberland cùng ngày hôm đó.

Cuộc điều tra vào tháng 7/2017 kết luận cái chết của Ruby là do tự tử.

mxh

 Ruby Seal tự tử vào năm 15 tuổi sau khi đăng tải ảnh lên mạng xã hội mà không có ai phản hồi. Mẹ cô bé đang thực hiện chiến dịch kêu gọi giới hạn độ tuổi cho phép sử dụng mạng xã hội. (Ảnh: DailyMail)

Bà Julie 42 tuổi tin rằng sự phát triển của mạng xã hội khiến Ruby mất tự tin và bà đang thực hiện chiến dịch “Luật của Ruby” – luật giới hạn trẻ em dưới 16 tuổi không được phép sử dụng mạng xã hội.

Bà chia sẻ: “Ruby là một cô bé vui vẻ, thông minh và dí dỏm. Nhưng những điều này bắt đầu nhạt dần khi Ruby bắt đầu lớn và tự lập. Chắc chắn mạng xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến tâm trạng của con bé. Tôi có thể biết khi nào con bé cảm thấy bất an.

Tôi ngó vào phòng con bé và rủ nó đi mua sắm nhưng Ruby cáu và chỉ muốn ở trong phòng của mình. Cùng lúc đó tôi cũng nhận thấy mỗi khi con bé có dòng trạng thái được phản hồi tốt hoặc một bức ảnh đẹp, con bé sẽ xuống ăn tối và đôi lúc còn nhảy chân sáo. Con bé vẫn luôn mất tự tin vào bản thân, nhưng điều này chỉ biểu hiện ra khi con bé đăng những tấm hình và bài đăng lên mạng xã hội.

Tôi tưởng rằng điều này tương tự như những đứa trẻ khác cùng tuổi. Nhưng giờ khi tôi biết trạng thái tâm lý của con bé khá yếu vào thời điểm đó, mạng xã hội hẳn có ảnh hưởng tiêu cực đến con bé".

Ruby lập tài khoản trên mạng xã hội lần đầu tiên vào năm 12 tuổi, dưới sự theo dõi chặt chẽ của mẹ là bà Julie khi bà kết bạn với con gái mình trên facebook. Nhưng sau khi Ruby sử dụng Snapchat và Instagram, mẹ cô bé không thể theo dõi được như trên facebook nữa.

Julie chia sẻ Ruby luôn luôn đặt câu hỏi liệu mọi người có thật sự yêu quý cô bé hay không và nói rằng các bạn mời cô bé đến dự tiệc chỉ là để “đủ quân số”.

Ruby từng rất thích trượt ván và xem Doctor Who trước khi bị ám ảnh với Snapchat. Cô luôn đặt câu hỏi liệu mọi người có yêu quý mình không và tìm sự trấn an từ mạng xã hội.

Vào năm 12 tuổi, Ruby từng bị tổn thương do thiếu tự tin và phải điều trị ở Trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm lý cho trẻ em. Cô bé dừng điều trị tại trung tâm vào tháng 7/2016 và cả gia đình đã chuyển nhà để bắt đầu cuộc sống mới. Ruby sử dụng mạng xã hội để giữ liên lạc với bạn bè.

Nhưng cho đến năm cuối, tất cả thời gian rảnh của cô đều bị mạng xã hội chiếm trọn. Một số dòng trạng thái của Ruby trên mạng xã hội đăng như sau: “Có thể tôi sẽ đến phòng cấp cứu để xem liệu họ có cách nào giúp hàn gắn cuộc đời tôi lại không?” hay “Làm sao tôi có thể đi ngủ khi biết mình chỉ là một nỗi thất vọng và không ai quan tâm đến tôi.”

Hai năm trôi qua kể từ ngày Ruby qua đời, bà Julie cho biết hai đứa con gái đang ở độ tuổi vị thành niên đang phải chịu bệnh tâm lý sau những gì xảy ra.

Bà đang đưa ra kiến nghị để vận động cho “Luật của Ruby” đến nay có đến 2.700 chữ ký. Giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội hiện nay là 13 tuổi.

Bà Julie cho biết: “Bọn trẻ ngày càng trở nên tự tách biệt vì chỉ dán mắt vào điện thoại và ngồi trong phòng. Chúng nên đến với chúng ta - các bậc cha mẹ để được giúp đỡ và khuyên bảo chứ không phải đến với thế giới ảo kia".

CTV Kiều Ngân/VOV.VN
Bình luận
vtcnews.vn