Từ ngày 27/4 đến 11/5, thí sinh cả nước đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và xét tuyển đại học, cao đẳng. Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng, Phó giám đốc Học viện Tài chính cho rằng, thí sinh có hơn 10 ngày để thực hiện đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Vì thế, các em không nên vội vàng “đặt bút”, mà cần nghiên cứu kỹ các ngành nghề và trường mà mình dự định đăng ký.
Để tăng cơ hội trúng tuyển, các em nên đăng ký theo 3 cấp độ: trường “hot” (những trường có điểm trúng tuyển đầu vào cao); trường top trung và trường top dưới. Giả sử các em thích ngành Kế toán nên chọn khoảng 4 trường có đào tạo ngành này để đăng ký xét tuyển. Sau đó, các em sắp xếp theo mức độ ưu tiên để tăng cơ hội trúng tuyển.
Thí sinh nên sắp xếp thứ tự từ cao xuống thấp theo nguyên tắc “nước chảy”. Trường top trên sẽ là nguyện vọng 1, sau đó sắp xếp lần lượt theo thứ tự ưu tiên. Nguyên tắc này giúp thí sinh nếu không vào được ngành của trường top trên sẽ vào ngành của trường top dưới. Điều này giúp thí sinh được học theo ngành yêu thích và phù hợp với bản thân.
Tiến sĩ Cao Xuân Liễu, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Quản lý Giáo dục khuyên thí sinh không đăng ký quá nhiều nguyện vọng với các ngành, trường đại học khác nhau. Bởi khi đó, các em sẽ bị phân tán tư tưởng, dẫn đến thiếu tập trung. Khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh sẽ gặp phải khó khăn khi lựa chọn trường học và ngành học.
Thí sinh cần cân nhắc trước khi đặt bút, lựa chọn ngành học, trường học phù hợp với năng lực, mức độ yêu thích.
Theo vị chuyên gia này, báo cáo của Bộ GD&ĐT cho thấy, kết quả thí sinh trúng tuyển, nhập học cả năm 2020 ở các ngành đào tạo là gần 468 nghìn (bằng 86,41% tổng chỉ tiêu hệ chính quy). Số thí sinh trúng tuyển sau lọc ảo là hơn 390 nghìn và số thí sinh nhập học là gần 236 nghìn.
Thực tế khi cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển không giới hạn nguyện vọng, hầu hết các em trúng tuyển và nhập học với 2 - 3 nguyện vọng đầu tiên trong lần xét tuyển đợt 1. Số thí sinh trúng tuyển trong những đợt xét tuyển lần 3, 4, 5 chiếm tỷ lệ rất ít. Dù thí sinh đăng ký tới hàng chục nguyện vọng, nhưng nếu đã trúng tuyển nguyện vọng 1, 2 sẽ không sử dụng tới các nguyện vọng sau.
Trên cơ sở đó, tiến sĩ Liễu khuyến cáo thí sinh cần xác định nguyện vọng 1, 2 là nguyện vọng chính, quan trọng nhất, phù hợp với năng lực và mong muốn của mình.
Giáo sư Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) mong phụ huynh trong quá trình định hướng nghề nghiệp cho con cái thì nên lắng nghe các con nói, khuyến khích các con đăng ký xét tuyển dựa trên sở trường, đam mê và phù hợp với năng lực của bản thân, hoàn cảnh gia đình… Thí sinh cũng nên tự quyết định lựa chọn cho mình, tránh thụ động và không nên đăng ký theo phong trào.
Ngoài ra, thí sinh nên tham khảo các thông số từ năm trước và tìm hiểu thật kỹ để có sự lựa chọn ngành nghề đúng và trúng.
Thí sinh cần bình tĩnh, không nên “chạy theo” những ngành được cho là “hot”. Bởi không có gì là bất biến. Những ngành này có thể sẽ biến động theo thời gian và thị trường lao động. Năm nay, những ngày đó được cho là “hot”, nhưng 4 - 5 năm sau có thể sẽ bị bão hòa vì xu thế ngành nghề luôn có sự dịch chuyển.
Các em nên chọn ngành xuất phát từ vị trí công việc và khu vực làm việc. Ví dụ những bạn có ý định làm việc ở khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài, hay doanh nghiệp trong nước, liên doanh với nước ngoài. Sau đó, sẽ xác định vị trí làm việc trong khu vực đó. Đây cũng là bước chuẩn bị ngành nghề, công việc cho tương lai. Từ những vấn đề nêu trên dễ dàng đưa ra quyết định cuối cùng để đăng ký xét tuyển.
Bình luận