• Zalo

Đang có cơ hội, liệu có giảm giá xăng?

Kinh tếThứ Năm, 17/07/2014 05:30:00 +07:00Google News

(VTC News) - Người dân liệu có cơ hội để được hưởng mức giá xăng thấp hơn hiện tại khi giá xăng tại thị trường Singapore đã xuống mức thấp nhất tháng?

(VTC News) - Người dân liệu có cơ hội để được hưởng mức giá xăng thấp hơn hiện tại khi giá xăng tại thị trường Singapore đã xuống mức thấp nhất trong một tháng qua?

Theo thống kê về giá xăng dầu tại thị trường Singapore - nước xuất khẩu xăng dầu thành phẩm chính vào Việt Nam được Hiệp hội Xăng Dầu Việt Nam công bố, giá xăng RON 92 ngày 16/7 ở mức 121,08 USD/thùng, mức tương đương ngày 13/6/2014, giảm 5,14 USD/thùng so với mức đỉnh 126,22 đô la Mỹ/thùng của ngày 1/7 và giảm 2,02 USD/thùng so với mức 123,1 USD/thùng của ngày 7/7 vừa qua.
Nguồn Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam 
Tính bình quân 10 ngày, giá xăng RON 92 tại thị trường Singapore ở mức 121,86 USD/thùng (tại thời điểm điều chỉnh giá xăng vào ngày 7/7 vừa qua, giá xăng bình quân 10 ngày là 124,25 USD/thùng). Bình quân 30 ngày là 122,98 USD/thùng (bình quân 30 ngày tại thời điểm tăng giá xăng ngày 7/7 là 122,18 USD/thùng).

Như vậy, so về các chỉ số, quy định của Nghị định 84 giá xăng tại thời điểm này hoàn toàn có thể được điều chỉnh giảm. Và người dân đang "hồi hộp" chờ động thái từ phía doanh nghiệp đầu mối và cơ quan quản lý vì đã không ít lần cơ hội "vàng" giảm giá xăng bị bỏ qua.

Còn nhớ vào đầu tháng 9/2013, khi giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục giảm sâu trong vòng 2 tuần, tuy nhiên cách điều hành giá xăng tại thời điểm đó của Bộ đã khiến dư luận khó hiểu. Thời điểm đó (diễn biến giá trong vòng 1 tháng tính từ 23/8 đến 23/9 tại thị trường Singapore là 115,51 USD/thùng, tăng 1,36 USD/thùng, nhưng tính theo chu kỳ 10 ngày thì giá xăng RON 92 lại giảm 0,87 USD/thùng. Thậm chí, ngày 18/9/2013, giá xăng dầu tại thị trường Singapore chạm mốc 110,06 USD/thùng, giảm hơn 9 USD/thùng so với mức giá kỷ lục ngày 29/8 trước đó).
xăng dầu
Biểu đồ diễn biến giá xăng dầu từ đầu năm 2014 (Ảnh minh họa internet)
Nhưng cơ hội "vàng" giảm giá xăng lại bị bỏ qua, khi cơ quan quản lý tính toán theo công thức 30 ngày thì giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu vẫn cao hơn giá bán lẻ thực tế.

Cũng tại thời điểm đó, thông tin về việc đại lý xăng được tăng chiết khấu hoa hồng đến mức 500-600 đồng/lít, có đại lý được hưởng mức đặc biệt lên đến 750 đồng/lít trong khi doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đang kêu lỗ nên không thể giảm giá bán lẻ khiến dư luận càng thất vọng.

Tại cuộc họp báo mới đây nhất tại Bộ Tài chính, lý giải cho hàng loạt các câu hỏi xung quanh vấn đề điều hành giá xăng dầu, Cục trưởng Cục quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn luôn kiên định với giải thích, việc điều hành giá xăng dầu hiện nay đúng với Nghị định 84, Liên Bộ đang điều hành giá xăng dầu đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước - Doanh nghiệp - Người dân...

Tuy nhiên với Nghị định 84 về quản lý kinh doanh xăng dầu theo nguyên tắc cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, nhiều chuyên gia kinh tế đã từng phân tích và khẳng định rằng: Doanh nghiệp đầu mối đang có quá nhiều ưu ái, tạo ra những kẽ hở cho doanh nghiệp chần chừ trong các quyết định giảm giá.  

Các doanh nghiệp đang gần như độc quyền định giá, bắt tay nhau tăng - giảm giá vì thực tế cho thấy khi giá xăng dầu thế giới nhích lên, doanh nghiệp lập tức tính toán, kêu lỗ, đòi tăng giá ngay lập tức và với mức giá gần như không có sự cạnh tranh, cùng tăng - cùng giảm một mức.

Điệp khúc giá bình quân 30 ngày luôn là cái cớ để nhà quản lý, doanh nghiệp vin vào mỗi khi cần điều chỉnh giá bán tăng và chưa thể điều chỉnh giá bán giảm. Một điều dễ nhận thấy, việc tính toán giá bình quân 30 ngày theo Nghị định 84 phần nhiều phụ thuộc vào yếu tố "chủ quan". Bởi việc tính toán lỗ, lãi trên cơ sở chu kỳ 30 ngày phụ thuộc hoàn toàn việc lấy thời điểm nào là ngày bắt đầu của chu kỳ đó.

Chính vì vậy, khi bàn về vấn đề điều hành giá xăng dầu hiện nay, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: "Bản chất của câu chuyện là người ta không muốn giảm giá xăng dầu vì họ có rất nhiều lợi ích trong đó. Thế nên tôi cho rằng bàn chuyện giảm giá xăng dầu là hết sức vô nghĩa nếu cơ chế điều hành giá xăng vẫn như hiện tại”.

Ông cũng nói rằng, còn điều hành theo cơ chế này thì phần thiệt vẫn thuộc về người tiêu dùng.
xăng dầu
Hơn 80 triệu dân đang có cơ hội hưởng mức giá xăng dầu thấp hơn hiện tại (Ảnh minh họa internet) 
Việc điều hành giá xăng dầu đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước - Doanh nghiệp - Người dân dường như đang đẩy người dân về một phía, bởi với cơ quan quản lý nhà nước, đứng trước câu hỏi của dư luận "tại sao không giảm thuế phí mà phải tăng giá bán xăng dầu" thì câu trả lời được đưa ra là "suy cho cùng thuế thu vào ngân sách cũng chủ yếu phục vụ nhu cầu, lợi ích chung của xã hội như chi cho cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, đặc biệt là chi cho người nghèo, vùng nghèo,..."

Ngoài ra, thuế nhập khẩu xăng dầu không chỉ đơn thuần là công cụ thu ngân sách, mà còn là công cụ điều tiết thị trường, tạo điều kiện cho việc phát triển các dự án nhà máy lọc dầu trong nước, từng bước tiến tới đảm bảo nguồn cung trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Và hiện nay, theo đại diện Bộ Tài chính, mức thuế xăng dầu ở Việt Nam vẫn thấp hơn mức thuế nhập khẩu công bố của barem và thấp hơn nhiều mức tối đa do Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định.

Về cơ hội giảm giá xăng thời điểm này, PV VTC News đã liên hệ với ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính). Ông Tuấn cho biết, hết ngày hôm nay (17/7) mới đúng một chu kỳ 10 ngày kể từ ngày điều chỉnh giá xăng gần nhất hôm 7/7 [chưa đủ chu kỳ 30 ngày - PV]. Khi được hỏi, đã có doanh nghiệp nào chủ động đề xuất giảm giá bán chưa, ông Tuấn nói rằng: Việc điều hành giá xăng không thể tiết lộ, khi nào có sẽ thông báo.

Hà Linh
Bình luận
vtcnews.vn