Người dân ở xã Đắk Cấm (TP.Kon Tum) đang bức xúc việc ông Phạm Thanh Hà (Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Kon Tum) xây biệt phủ trái phép trên đất nông nghiệp từ lâu nhưng cơ quan chức năng chưa xử lý.
Nhà dân mới đào móng đã bị cưỡng chế
Ông Nguyễn Thành (ngụ xã Đắk Cấm) bức xúc: "Ông Hà xây nhiều ngôi nhà kiên cố trên khu đất nông nghiệp rộng hàng nghìn mét vuông, tồn tại nhiều năm qua lại không bị xử lý. Trong khi đó, gia đình tôi mới đào móng, chuẩn bị xây căn nhà cấp bốn, liền bị chính quyền xã đến lập biên bản, cấm không được phép xây dựng".
Video: Cận cảnh biệt phủ trái phép hoành tráng của Ủy viên Thường vụ tỉnh Kon Tum
Theo người dân địa phương, nhiều lần họ lên xã và TP.Kon Tum xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất; tuy nhiên, cơ quan chức năng trả lời khu vực này chưa được phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn nên chưa thể chuyển đổi được.
Bà Võ Thị Lý (Chủ tịch UBND xã Đắk Cấm) cho biết xung quanh biệt phủ của ông Hà hiện có một số hộ dân địa phương xây trái phép trên đất nông nghiệp.
"Khi bà con làm móng xây nhà ở khu vực này, chúng tôi đến lập biên bản, cưỡng chế thì họ bức xúc, so bì với biệt phủ của Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Kon Tum. Họ cho rằng phải dỡ biệt phủ của ủy viên thường vụ tỉnh ủy trước thì người dân mới chấp hành cưỡng chế nhà họ sau. Điều này khiến cho việc quản lý xây dựng địa phương gặp nhiều khó khăn", bà Lý chia sẻ.
Theo vị Chủ tịch xã Đắk Cấm, do nhiều vùng đất ở địa phương đến nay vẫn chưa được quy hoạch, chuyển đổi sang đất ở nông thôn nên những năm trước người dân đã xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp rất nhiều.
Theo thống kê chưa đầy đủ, có ít nhất 30 hộ dân xây nhà trái phép, chủ yếu ở các thôn 1, thôn 2, thôn 9 (xã Đắk Cấm), có nhu cầu chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn nhưng đến nay vẫn chưa được chuyển.
Từ đất nông nghiệp sang đất ở đô thị
Ông Hà xác nhận biệt phủ của gia đình ông được xây "mỗi năm một ít" (từ năm 1991 đến nay) trên diện tích 2.000m2. Lúc đầu, ông không để ý chuyện xin phép, đến tháng 8/2010, ông Hà mới làm đơn đề nghị chuyển mục đích sử dụng 1.000m2 đất trên thửa đất số 71, thuộc bản đồ số 34, từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn.
Đến tháng 5/2011, ông Hà gộp các thửa cạnh nhau thành một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chung, tổng cộng hơn 25ha đất, trong đó có 2.000m2 đất ở nông thôn, số còn lại là đất nông nghiệp trồng cây lâu năm.
Điều đáng nói là khi gia đình ông Hà làm đơn đề nghị chuyển mục đích sử dụng 1.000m2 đất nông nghiệp trong khu biệt phủ sang đất ở nông thôn, ông Hà giữ chức Chủ tịch UBND TP.Kon Tum.
Khi xét duyệt đơn, từ đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn, ông Phan Văn Thế (thời điểm này là Phó Chủ tịch UBND TP.Kon Tum) đã ký quyết định cho phép ông Hà chuyển đổi 1.000m2 sang đất ở đô thị.
Lý giải việc ký quyết định chuyển 1.000m2 đất nông nghiệp nhảy vọt sang đất ở đô thị, ông Thế phân trần: "Nếu quyết định này thể hiện là đất ở đô thị thì cái lỗi đó là của anh em. Nếu có thiếu sót thì tôi xin nhận lỗi, vì khu vực đó là đất ở nông thôn chứ sao là đất ở đô thị được”.
Trong khi đó, lãnh đạo xã Đắk Cấm cho biết đến lúc này, duy nhất khu đất của ông Hà được chuyển đổi mục đích sử dụng, các hộ xung quanh chưa có mảnh đất nào được chuyển đổi.
Ông Tô Xuân Tụng (Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Kon Tum) cho hay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nắm thông tin báo chí phản ánh về biệt phủ của ông Phạm Thanh Hà, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Kon Tum.
Ngày 19/4, Tỉnh ủy Kon Tum đã gửi văn bản chỉ đạo UBND tỉnh cùng các cơ quan chức năng rà soát, xác minh vụ việc xây nhà của ông Hà ở xã Đắk Cấm (TP.Kon Tum) để làm rõ; nếu có sai phạm xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Bình luận