Ngày 29/6 tại Osaka, Nhật Bản, sau hơn 1 giờ đàm phán, lãnh đạo Mỹ-Trung đồng ý nối lại đàm phán, Washington tạm ngừng áp thuế mới và đưa ra "lệnh ân xá" cho Huawei dù khá mơ hồ.
Truyền thông Trung Quốc không loan tin rầm rộ về cuộc đình chiến này cộng với lo ngại Tổng thống Trump sẽ đổi ý bất thường, người tiêu dùng, các nhà sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc không dám đặt quá nhiều kỳ vọng.
"Tôi và nhiều chủ nhà máy sản xuất giày ở Đông Hoản cùng tin rằng mặc dù vấn đề thuế quan đã phần nào bớt nghiêm trọng, chưa có triển vọng nào là chắc chắn cả. Liệu ông Trump có định hồi tâm chuyển ý lần nữa. Ông ấy quá khó đoán và không đáng tin cậy", Wang Jie, chủ công ty giày Yintong cho hay. Wang nói công ty của ông đã mất nhiều đơn đặt hàng từ Mỹ trong vài tháng gần đây.
"Ông ấy luôn thay đổi vì vậy chúng tôi trở nên thận trọng hơn trước đây. Dù sao việc giảm đơn hàng cũng là 'xu hướng' đang diễn ra, chúng tôi chỉ có thể giảm chi phí hoạt động và chờ đợi", Wang thừa nhận.
Andy Xu, Giám đốc tiếp thị của một công ty công nghệ có trụ sở tại Quảng Châu có cùng lo ngại này.
"Ban đầu ông ấy gọi Huawei là mối đe dọa an ninh. Giờ thì lại nói Mỹ có thể tiếp tục bán linh kiện cho họ. Các cuộc đàm phán và lệnh đình chiến có vẻ cũng chẳng đáng tin cậy", Andy nói.
Chính phủ Trung Quốc vẫn khẳng định họ đang kiểm soát được tác động của thương chiến Mỹ-Trung trong khi đầu tư nước ngoài và thương mại vẫn duy trì ổn định trong nửa đầu năm nay.
"Một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thương mại Mỹ-Trung, một số chuyển ra khỏi Trung Quốc nhưng con số này rất nhỏ", ông Chu Shijia, Giám đốc một bộ phận trong Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.
Hoàn Cầu thời báo trong bài xã luận đăng tải hôm 30/6 thừa nhận vẫn còn nhiều thăng trầm trong các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai.
"Chưa có gì là chắc chắn cả. Phải nhìn nhận vào sự thật là Mỹ rất hay lật lọng và đổi ý", bài xã luận có đoạn.
Một nhà bình luận độc lập với khoảng 30.000 người theo dõi trên ứng dụng di động hàng đầu Trung Quốc Wechat thừa nhận ông nắm được thông tin về lệnh đình chiến nhưng không nhiều, ngoại trừ tin tức đăng tải trên báo giới Trung Quốc.
"Tôi muốn viết một bài phân tích về các vấn đề liên quan, nhưng tôi không làm được vì nếu có viết và chia sẻ, rất có thể nó sẽ bị chặn", ông này nói. Theo SCMP, các tuyên bố về cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập đăng tải trên nhiều kênh thông tin của Trung Quốc đều cắt gọt phần "ân xá" với Huawei.
Các quan chức doanh nghiệp và người dùng mạng của Trung Quốc tỏ ra thận trọng trong việc bày tỏ ý kiến của mình, đặc biệt là những người làm việc tại các công ty xuất khẩu lớn của Trung Quốc.
"Chúng tôi phải tránh nhiều lời, không nên làm mất lòng bên nào. Thành thật mà nói việc chuyển khỏi thị trường Trung Quốc cũng khiến chúng tôi chịu tổn thất lớn do các chi phí bồi thường cho nhân công hay chuyển tiền", giám đốc một công ty sản xuất thiết bị ở Đài Loan cho biết.
Trong khi đó theo ông Liu Kaiming, người đứng đầu Viện Quan sát đương đại, cuộc chiến thương mại đã không còn tồi tệ như trước.
"Đó là tin tức tốt nhất cho Bắc Kinh. Nếu quan hệ song phương có thể duy trì ổn định, sẽ có khoảng thời gian 5-10 năm để ngành sản xuất Trung Quốc tiếp tục nâng cấp và chuyển đổi", ông Liu cho hay. Viện Quan sát đương đại là tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Quảng Đông được thành lập năm 2001. Viện này làm việc với các công ty toàn cầu để cải thiện việc làm tại hàng trăm công ty đối tác của họ trên thế giới.
Bình luận