• Zalo

Dân Trung Quốc buồn bã, tức giận khi không thể về nhà ăn Tết

Thời sự quốc tếThứ Hai, 08/02/2021 10:25:22 +07:00Google News
(VTC News) -

Thông thường, vào thời điểm này trong năm, một số lượng lớn người Trung Quốc sẽ đóng hành lý lên đường cao tốc, tàu hỏa và máy bay để về quê ăn Tết.

Nhưng năm nay, Xuân Vận (dịp nhiều người di chuyển mùa xuân liên quan đến Tết Nguyên đán) bị hoãn lại theo lời kêu gọi của chính phủ Trung Quốc để tránh các chuyến đi "không cần thiết" để chống dịch.

Điều này có thể là yêu cầu "quá sức" đối với nhiều người Trung Quốc.

Tết Nguyên đán, còn được gọi là Lễ hội mùa xuân ở Trung Quốc, là ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Đối với nhiều người Trung Quốc rời quê hương để có cơ hội việc làm tốt hơn ở các thành phố lớn, đây là cơ hội duy nhất để họ có thể gặp gia đình trong năm nay. Những ông bố bà mẹ đã xa con 12 tháng để đi làm kiếm tiền sẽ có thể phải chia cách con cái thêm chừng đó thời gian. 

Dân Trung Quốc buồn bã, tức giận khi không thể về nhà ăn Tết - 1

Ga Bắc Kinh trống vắng trong những ngày cao điểm đi lại mọi năm. (Ảnh: Getty)

Theo CNN, để hạn chế người dân đi lại, Trung Quốc áp dụng các quy định mới yêu cầu những người trở về vùng nông thôn phải xuất trình xét nghiệm COVID-19 âm tính được thực hiện trong vòng 7 ngày trước đó và dành 14 ngày "quan sát tại nhà" khi đến nơi.

Một số địa phương thêm các quy tắc riêng, chặt chẽ hơn, như yêu cầu những người trở về cần phải ở hai tuần trong một khách sạn cách ly được chính phủ phê duyệt, thay vì ở nhà theo dõi cùng gia đình.

Những hạn chế mới gây ra sự phẫn nộ trên mạng xã hội Trung Quốc.

"Tôi muốn hỏi xem các người đã nghiêm túc xem xét  trước khi đưa ra chính sách này chưa?" - một người dùng Weibo viết.

"Điều kiện y tế ở các vùng nông thôn có cho phép tất cả mọi người xét nghiệm COVID-19 7 ngày một lần không? Việc tập hợp để xét nghiệm có mang lại nguy cơ lây nhiễm cao hơn không? Ngoài ra, chúng tôi chỉ được nghỉ 7 ngày, bây giờ những người trở về bị cô lập trong 14 ngày. Các người có suy nghĩ không vậy?", một người khác tức giận.

Trong nhiều tháng, truyền thông Trung Quốc thông tin về sự thành công trong việc chế ngự dịch bệnh. Nhưng vào tháng 1, hơn 2.000 ca dương tính đã được phát hiện ở các tỉnh phía Bắc của Trung Quốc, đợt bùng phát tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020.

Trên Weibo, người dùng cũng phàn nàn rằng chính quyền địa phương còn áp đặt các yêu cầu bổ sung đối với những người trở về, bất chấp yêu cầu của Bắc Kinh rằng họ không nên thêm yêu cầu quá mức.

Dân Trung Quốc buồn bã, tức giận khi không thể về nhà ăn Tết - 2

Nhân viên khử trùng nhà ga ở Hồ Bắc, Trung Quốc.  (Ảnh: Getty)

Dan Di (yêu cầu được đổi tên), một sinh viên 21 tuổi đến từ thành phố Quảng Châu, miền nam Trung Quốc, nói: “Tôi nghĩ chính sách quá khắc nghiệt".

Anh vừa kết thúc 21 ngày cách ly - hai tuần ở khách sạn thành phố Chu Hải gần đó và một tuần ở nhà ở Quảng Châu - sau khi trở về từ Hong Kong, nơi anh đang theo học ngành điện ảnh.

Dan Di tự nhận mình là người may mắn khi có thời gian và tiền cho các xét nghiệm và thủ tục kiểm dịch - nhưng anh cho rằng nhiều người trong số gần 300 triệu lao động nhập cư của Trung Quốc có thể không đủ điều kiện.

Bộ Nội vụ Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn cho các quan chức địa phương tăng cường "chăm sóc và dịch vụ" cho khoảng 7 triệu trẻ em không được gặp cha mẹ trong dịp Tết Nguyên đán này.

Bộ hướng dẫn các bậc cha mẹ sử dụng "cuộc gọi thoại và cuộc gọi video để nói chuyện 'tâm sự' với con".

Tết thứ hai gặp COVID-19

Đây là năm thứ hai liên tiếp Tết Nguyên đán, bắt đầu từ ngày 12/2, bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Năm ngoái, ga tàu lớn tại Bắc Kinh rất đông du khách trước Tết, khi Trung Quốc chưa công bố virus có thể lây truyền từ người sang người hoặc đã lan ra bên ngoài Vũ Hán.

Thành phố cuối cùng bị phong tỏa hai ngày trước Tết Nguyên đán, nhưng hàng triệu người ở đây đã về quê trong những tuần trước kỳ nghỉ. Sau đó, nhiều người mắc kẹt ở quê nhà vì những hạn chế đi lại mới khiến họ không thể quay lại nơi làm việc.

Năm nay, sảnh khởi hành tại ga tàu Bắc Kinh hầu như trống trước Tết. 

Dân Trung Quốc buồn bã, tức giận khi không thể về nhà ăn Tết - 3

Đây là năm thứ hai liên tiếp Tết Nguyên đán, bắt đầu từ ngày 12/2, bị ảnh hưởng bởi đại dịch. (Ảnh: Getty)

Vào ngày đầu tiên của đợt cao điểm Xuân Vận, rơi vào ngày 28/1, Sân bay Quốc tế Bắc Kinh chứng kiến lượng hành khách khởi hành giảm 86% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc, trên cả nước, lượng hành khách đi máy bay trong ngày đầu tiên của xuân vận là 71% so với năm ngoái.

Bộ Giao thông Vận tải nước này ước tính 1,15 tỷ chuyến đi sẽ được thực hiện trong 40 ngày Tết Nguyên đán năm nay, giảm 61% so với năm 2019 và giảm 22% so với năm 2020.

Nếu dự đoán là đúng, đây sẽ là số chuyến đi thấp nhất trong dịp Tết Nguyên đán tại Trung Quốc kể từ sau kỷ lục vào năm 2003.

Tuân thủ

Không có gì ngạc nhiên khi các quan chức địa phương Trung Quốc ủng hộ chiến dịch của chính quyền trung ương. Nhưng không chỉ áp đặt các yêu cầu hạn chế đi lại - họ cũng cung cấp các khoản trợ cấp để khuyến khích mọi người ở lại.

Ví dụ như thành phố Hàng Châu ở miền Đông Trung Quốc cấp 1.000 nhân dân tệ (155 USD) cho mỗi công nhân nhập cư. Các thành phố khác đang cung cấp phiếu mua sắm, giảm giá tiền thuê nhà và thậm chí giúp người dân tiếp cận sớm với vaccine, theo báo cáo của truyền thông Trung Quốc.

Tian Qimeng, người điều hành một công ty tư vấn kỹ thuật ở thành phố cảng Thiên Tân, miền Đông Trung Quốc, cho biết công ty của ông đang trao 300 nhân dân tệ (46 USD) tiền mặt cho những nhân viên không phải người địa phương chọn ở lại nghỉ lễ.

“Ban đầu tôi cũng muốn về nhà, nhưng cuối cùng thôi vì tôi muốn làm gương cho mọi người", ông nói.

Dân Trung Quốc buồn bã, tức giận khi không thể về nhà ăn Tết - 4

Ga tàu ở Thượng Hải đầu năm 2019. (Ảnh: Getty)

Người đàn ông 49 tuổi đã không về quê ở Thiểm Tây vào năm ngoái do lo ngại dịch bệnh. Lần cuối cùng ông không về nhà ăn Tết hai năm liên tiếp là cách đây hơn hai mươi năm, khi ông vừa tốt nghiệp đại học, quá bận rộn với công việc kỹ thuật viên và dành những ngày nghỉ đó trên công trường.

Tian nói rằng ông "tôn trọng và hiểu" những hạn chế đi lại.

"Họ đều là những chuyên gia, nếu bạn yêu cầu tôi thì tôi không thể đưa ra những chính sách tốt hơn. Vậy tại sao không làm theo họ? Tốt nhất là mọi người nên làm những gì họ giỏi", ông nói.

Những người khác cũng đang làm theo hướng dẫn.

Vicky Wang, một nhân viên công ty internet có trụ sở tại Thượng Hải, thường sẽ bay về với cha mẹ ở Thiểm Tây, một tuần trước Tết Nguyên đán.

Nhưng năm nay, cô gái 25 tuổi tích trữ những món ăn nhẹ yêu thích - bánh gạo và sô cô la - chuẩn bị trải qua lễ hội quan trọng nhất trong năm một mình.

Wang cho biết cô hiểu những đề xuất và lo ngại của chính phủ.

Cô nói: "Chúng ta phải sống một cách an toàn hơn. Chúng ta phải cắt bỏ mọi khả năng lây lan của virus, phải hy sinh một chút cho mọi người để được an toàn".

Phương Anh(Nguồn: CNN)
Bình luận
vtcnews.vn