• Zalo

Dân thiếu tin vào lực lượng chống tham nhũng

Thời sựThứ Bảy, 03/11/2012 08:31:00 +07:00Google News

Kê khai, minh bạch tài sản còn hình thức, cán bộ phòng chống tham nhũng không tạo được niềm tin trong dân...

Kê khai, minh bạch tài sản còn hình thức, cán bộ phòng chống tham nhũng không tạo được niềm tin trong dân... Đó là ý kiến của nhiều ĐBQH khi thảo luận tại tổ về dự án luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) chiều qua, 2/11.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) tỏ ra lo ngại vì có bộ máy làm nhiệm vụ phòng chống tham nhũng rất cồng kềnh nhưng đại đa số những vụ tham nhũng bị phát hiện, bị phanh phui và xử lý đều do các cơ quan thông tin đại chúng, báo chí và người dân phát hiện ra.

Bà đề nghị phải làm trong sạch đội ngũ trong chính cơ quan chịu trách nhiệm về phòng chống tham nhũng. “Sở dĩ người dân phát hiện tham nhũng mà chưa dám tố cáo nhiều vì người ta chưa tin vào đội ngũ cán bộ trong cơ quan này, không biết ai là thật, ai là giả, ai là người đáng tin”, bà An nói.


Ý kiến phát biểu của ĐB Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH được các ĐB trong đoàn Hà Nội đồng tình khi cho rằng: “Kê khai, minh bạch tài sản mà luật hiện hành quy định thực tế là hình thức. Quan trọng nhất là kiểm soát được tài sản của mọi đối tượng trong xã hội, đã 6 năm vẫn loay hoay việc này.

Nếu không kiểm soát được tài sản thì không phòng chống được tham nhũng. Kê khai minh bạch tài sản chỉ là một kênh thôi và với tính kê khai cơ bản dựa trên tính tự giác như thế này thì hiệu quả của việc phát hiện tham nhũng là rất thấp”.


ĐB Bùi Thị An cũng băn khoăn: “Liệu công khai tài sản có nghĩa gì không với cách làm hiện nay? Đợt QH bầu hàng loạt chức danh, một số đồng chí rất to, dân chúng bảo các đồng chí rất giàu nhưng kê khai tài sản thì chúng tôi thấy hầu như đồng chí đó chẳng có gì cả.

Hay như bạn tôi nhiều người thành đạt, có chức vụ, lương chẳng hơn tôi là mấy nhưng sinh hoạt rất xa hoa, con cái thì toàn gửi đi du học ở các nước có chi phí học tập rất cao”.


Trước đó, trong buổi sáng 2.11, thảo luận ở hội trường về công tác phòng chống tham nhũng và tội phạm, nhiều ĐBQH bày tỏ lo ngại trước kỷ luật kỷ cương hành chính chưa nghiêm và đề nghị phải có giải pháp, cơ chế quy trách nhiệm người đứng đầu thông qua việc soạn thảo, ban hành luật Công vụ.

Theo lý giải của Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, sở dĩ vừa qua xử lý về trách nhiệm người đứng đầu thấp là do 3 nguyên nhân: Trong quy định có những điểm không rõ ràng, nên hiện nay khi xảy ra vấn đề gì thì khó xử lý.

Nguyên nhân khác là do sự tránh né, nể nang, sợ va chạm và sợ ảnh hưởng thành tích của đơn vị, cho nên một số cơ quan, đơn vị việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu, xử lý tham nhũng còn ít. Ngoài ra, theo ông Tranh, cũng có nguyên nhân chính người đứng đầu là người vi phạm, do vậy “khi xử lý người ta không gọi là xử lý người đứng đầu mà xử lý hành vi tham nhũng của cá nhân”.

 Khó thu được 950 tỉ đồng tiền phạt trong vụ Vinashin

Thảo luận tại Hội trường, nhiều ĐB cũng bày tỏ quan ngại trước tỷ lệ các vụ việc thi hành án còn tồn đọng khá lớn, như thi hành án dân sự tồn đọng đã hơn 30%. Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho hay, năm 2012 có một số tình huống mới đã phát sinh xung quanh vụ án Vinashin. Vụ việc tuy đã được đưa ra xét xử phúc thẩm song Tòa án Hải Phòng vẫn chưa chuyển cho cơ quan thi hành án vì đây là án chủ động thi hành. Trong vụ án này, riêng tiền phạt về phần dân sự đã lên tới 950 tỉ đồng.

Cho rằng trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, việc bán đấu giá các tài sản, nhất là bất động sản sẽ bị chững lại nên Bộ trưởng Hà Hùng Cường lo ngại sẽ khó thu được từ vụ án Vinashin số tiền này, ảnh hưởng đến chỉ tiêu thi hành án của năm 2013. Để khắc phục, ông Cường đề nghị thành lập Ban chỉ đạo liên ngành để thi hành án vụ này.

Theo TNO
Bình luận
vtcnews.vn