Sau vụ cháy chung cư mini trong ngõ 29/20 phố Khương Hạ ở Hà Nội tối 12/9, không riêng gì Hà Nội, tại TP.HCM, nhiều người dân rất bất an, lo lắng về việc đảm bảo và đáp ứng tiêu chuẩn PCCC tại các khu căn hộ dịch vụ, căn hộ mini mà họ đang thuê.
Thấp thỏm sống trong căn hộ mini
Chị Nguyễn Thanh Xuân Trúc (huyện Nhà Bè) thuê 1 phòng tại khu căn hộ mini với giá 3 triệu đồng/tháng. Nơi chị Trúc ở là khu nhà 2 dãy, mỗi dãy gồm 30 phòng, có 1 thang máy và 1 lối thoát hiểm bằng thang bộ. Khi vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội xảy ra, chị Trúc cảm thấy lo lắng, bất an.
“Quanh khu vực tôi ở, có nhiều khu căn hộ như thế. Tôi không đủ tiền thuê chung cư cao cấp nên chỉ có thể sống tại đây, dù biết các vấn đề phòng chống cháy nổ chưa được đảm bảo.
60 căn hộ trong 2 tòa nhà, nhà nào cũng nấu ăn bằng bếp điện. Trong thời điểm nắng nóng, việc sử dụng điều hòa, quạt máy liên tục càng làm nguy cơ cháy nổ dễ xảy ra hơn”.
Tại quận 8, các khu căn hộ dịch vụ, căn hộ mini luôn ở trong tình trạng “đắt khách”. Theo lời nhân viên môi giới tên Trang, càng đến gần thời điểm nhập học thì càng khó thuê, khi đến xem phòng, đa phần khách chỉ thương lượng giá cả, giờ giấc đi lại chứ ít người quan tâm đến an toàn cháy nổ. Giữa những căn nhà ống một lối ra, nếu xảy ra hỏa hoạn thì khả năng bị ngộp là rất lớn.
Bởi lẽ, lối đi lên các tầng giữa những khu nhà cho thuê này khá chật hẹp, hệ thống báo cháy và bảng chỉ dẫn “lối thoát hiểm” thuộc dạng “có cũng như không”. Đó là chưa kể đến chuyện bình cứu hỏa cứ để đó “cho vui”, vì cả khách thuê căn hộ lẫn nhân viên môi giới hay nhân viên quản lý đều không biết sử dụng.
Trong căn nhà ống được cải tạo để cho thuê dưới dạng dịch vụ ở đường Dương Bá Trạc (quận 8), xe gắn máy xếp san sát ở khoảng sân thông với lối ra duy nhất. Căn nhà này trước đây có 1 giếng trời. Tuy nhiên từ khi làm căn hộ cho thuê thì giếng trời đã bị bịt lại bằng những thanh sắt chắn ngang.
Ông Đoàn Minh Chí (quận Bình Thạnh) cho biết đã chứng kiến nhiều màn “thay chủ” liên quan đến căn hộ dịch vụ, căn hộ mini.
Theo ông Chí, những căn hộ này vốn là nhà ống, được xây dựng với mục đích làm nhà ở hoặc văn phòng cho thuê. Sau đó, chủ nhà cho thuê lại nguyên căn, người thuê bỏ thêm tiền cải tạo, xây sửa, ngăn phòng làm thành từng căn hộ nhỏ rồi cho thuê với giá từ 5 - 12 triệu đồng.
“Khu vực quanh Bến xe miền Đông có rất nhiều khu căn hộ dịch vụ, căn hộ mini. Có khu tầm 17 - 18 phòng, có khu tầm 50 phòng. Chật chội, ngột ngạt vô cùng.
Tháng 4 năm nay, khu vực này đã có cháy lớn, gây thiệt hại về người và của, bây giờ dân sống trong vùng như tôi rất lo lắng vì đâu phải căn hộ dịch vụ nào cũng được đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy”, ông Chí nói.
Thậm chí, có người còn thuê lại cả một khách sạn cũ, cải tạo để làm căn hộ dịch vụ, căn hộ mini.
Khi được hỏi đến khi nào các thiết bị phòng cháy chữa cháy mới được lắp đặt hoàn chỉnh, nhân viên cho thuê căn hộ tỏ ra lúng túng, đồng thời nói rằng “không rành lắm, phải hỏi lại sếp và sẽ thông tin sau”.
Tương tự, với câu hỏi tòa nhà trước đây là khách sạn, sau khi cải tạo lại thành căn hộ dịch vụ cho thuê thì đã được cấp phép liên quan đến phòng cháy chữa cháy chưa, nhân viên cũng không trả lời được.
Rủi ro pháp lý
Anh Nguyễn Đình Long (34 tuổi, quê Hà Nam) cho biết, năm 2021, anh mua căn hộ trong "chung cư mini" cao 7 tầng nằm trên đường Cống Lở, quận Tân Bình. Căn hộ diện tích 35 m2 được chủ nhà bán với giá 950 triệu đồng. Đây là tòa nhà có tới 97 căn hộ với nhiều diện tích khác nhau.
“Tôi với chủ nhà mua bán căn hộ với nhau bằng hình thức lập vi bằng. Dẫu biết rằng lập vi bằng thì rủi ro tương đối cao nhưng mình không có nhiều tiền nên đành chấp nhận”, anh Long nói.
Theo anh Long, sau khi biết vụ cháy "chung cư mini" ở Hà Nội khiến 56 người chết thì anh và gia đình đều rất bất an.
Nhưng cũng giống như nhiều người chung hoàn cảnh, anh Long chắc chắn sẽ gần như không thể bán căn hộ của mình vì những rắc rối về mặt pháp lý.
Hình thức giao dịch của các "chung cư mini" ở TP.HCM chủ yếu là hình thức thuê mua lâu dài, trả tiền một lần. Sở dĩ người dân phải sử dụng hình thức thuê mua lâu dài vì "chung cư mini" không được cấp sổ riêng cho từng căng hộ, khi xây dựng chung cư mini, chủ đầu tư chỉ xin phép xây dựng nhà ở riêng lẻ cao tầng có nhiều phòng. Giao dịch chủ yếu được xác lập bằng vi bằng, đồng sở hữu.
Những người mua "chung cư mini" thường không thể cầm cố, vay mượn ngân hàng hay làm quyền thừa kế. Trong khi đó, chủ đầu tư chung cư mini hoàn toàn có thể cầm cố, thế chấp hoặc bán chung cư đi để lấy tiền.
Điều này dẫn đến những rủi ro rất lớn cho người mua chung cư mini, thậm chí là “trắng tay”. Các giao dịch giữa người mua và người bán chung cư mini cũng có dấu hiệu trốn thuế và chính quyền rất khó kiểm soát.
Ông Nguyễn Duy Thành, Tổng giám đốc Công ty Quản lý nhà Toàn Cầu (Global Home) - chuyên gia bất động sản tại TP.HCM chia sẻ, vụ cháy thảm khốc tại Hà Nội chính là hồi chuông cảnh báo cho các "chung cư mini", đặc biệt là các chung cư mini ở đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng…
Bên cạnh đó, chung cư mini cũng không có đơn vị quản lý, vận hành chuyên nghiệp và cũng không có ban quản trị nên chất lượng cuộc sống của người dân sẽ rất thấp. Và khi sự cố xảy ra thì hậu quả sẽ rất khôn lường.
Hướng dẫn chi tiết cách thoát hiểm khi cháy chung cư, nhà cao tầng.
Công an TP.HCM khuyến cáo ban quản lý, chủ các nhà trọ cần thực hiện nghiêm các quy định về PCCC khi xây dựng và kinh doanh như: Thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC (nếu thuộc diện), lắp đặt các hệ thống, phương tiện, thiết bị PCCC đảm bảo theo quy định.
Định kỳ kiểm tra các phương tiện PCCC và cứu nạn cứu hộ đã trang bị và đảm bảo hoạt động hiệu quả và đảm bảo hệ thống điện trong phòng trọ, chung cư mini được lắp đặt và sử dụng an toàn và thương xuyên kiểm tra thay thế, khắc phục những nguy cơ mất an toàn về điện có thể gây cháy, nổ.
Quy định chặt chẽ việc nấu nướng, thờ cúng, đốt vàng mã, sạc điện đối với xe đạp, xe máy điện, thiết bị tiêu thụ điện, đặc biệt là tại tầng hầm, khu vực để xe. Nghiêm cấm sử dụng bình gas mini đã qua sử dụng nhiều lần không đảm bảo an toàn PCCC.
Bình luận