Từ gọi xe đến thương mại điện tử, tài chính, cơ sở hạ tầng, các công ty từ Singapore đang đổ sang tìm cơ hội ở châu Phi trong những năm gần đây. Họ bị thu hút bởi một thị trường 1,2 tỷ dân và triển vọng mang lại khi nó bắt kịp châu Á và phần còn lại của thế giới.
Gozem, một startup có trụ sở tại Singapore đang triển khai dịch vụ gọi xe tại 2 quốc gia Tây Phi là Togo và Benin. Công ty đặt mục tiêu thâm nhập thêm 15 thị trường châu Phi trong vòng 5 năm. Ở Togo và Benin, nơi sở hữu một chiếc xe được coi là xa xỉ, việc gọi xe ôm hai bánh ở vỉa hè từ lâu đã là cách duy nhất để đi lại. Do đó, Gozem muốn nhân rộng mô hình mà Grab và Go-Jek đang thành công ở Đông Nam Á.
Tây và Trung Phi có một số nền kinh tế nghèo nhất thế giới. Nhiều nhu cầu chưa được đáp ứng và sự cần thiết về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mới đã phần nào thu hút Raphael Dana, nhà đồng sáng lập Gozem.
"Trước tiên, chúng tôi nhắm đến Tây và Trung Phi, vì có đã có hệ thống cáp quang và 4G. 90% điện thoại bán ra là smartphone và có khung pháp lý mở cho các dịch vụ Fintech", ông nói dù khu vực này bị các nhà đầu tư lãng quên nhưng tiềm năng tương đương như ba nền kinh tế hàng đầu châu Phi.
Quyết định của Gozem không giống các công ty khởi nghiệp của Singapore, vốn có xu hướng nhắm vào các thị trường lớn hơn hoặc đang phát triển nhanh ở lục địa này.
"Ngoài các nền kinh tế hàng đầu châu Phi là Nigeria, Kenya và Nam Phi, Singapore cũng để ý đến Mozambique, Angola, Ethiopia, Tanzania, Rwanda, Ghana, Bờ Biển Ngà, Ai Cập và Morocco", ông Rahul Ghosh - Giám đốc vùng của Sub-Saharan Africa of Enterprise Singapore, một cơ quan chính phủ hỗ trợ đầu tư, nhận định.
Ông Kelvin Tan - Tổng thư ký Phòng Thương mại Đông Nam Á, cho biết có rất nhiều lý do khiến các công ty Singapore ưa thích các quốc gia Khối thịnh vượng chung Đông Phi. "Họ có xu hướng tránh khu vực phía Nam châu Phi một phần vì tham nhũng, an toàn, biến động tiền tệ và kém phát triển", ông Tan nhận xét.
Tuy nhiên, nhìn chung châu Phi có tất cả các đặc điểm của một lục địa chín muồi cho khởi nghiệp và những ý tưởng mới, đặc biệt là khi nói đến thương mại điện tử, thương mại xuyên biên giới và quản lý chính phủ.
Theo Robert MacPherson, đối tác của M&A Reciprocus International, châu Phi có tỷ lệ người có tài khoản tiền điện thoại lớn nhất thế giới, nhưng thanh toán xuyên biên giới kém. Du lịch và thương mại nội bộ châu Phi đang tăng lên nhưng các chính phủ còn kém. Châu Phi cũng có những con người và tầng lớp trung lưu đầy khát vọng, mong muốn phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện danh tiếng châu lục trên trường thế giới.
Aik-Boon Tan - Giám đốc thương mại mảng thanh toán tại Thunes cho biết châu Phi là thị trường trọng điểm, với 35 trên 80 thị trường nước ngoài nằm tại đây. Nó đang đóng góp 25-30% doanh thu, đứng sau khu vực châu Á.
Không chỉ các startup, một số nhà đầu tư cũng đặt cược vào kinh doanh tại châu Phi với nhiều hy vọng. Aaron Fu - Giám đốc điều hành của MEST châu Phi, mạng lưới ươm tạo công nghệ lớn nhất lục địa và là nhà đầu tư hạt giống, cho biết mặc dù châu Á mới bắt đầu khám phá hệ sinh thái khởi nghiệp ở châu Phi, nhưng tốc độ tiến vào thị trường này đang tăng nhanh.
Theo ông, Trung Quốc đang dẫn đầu về các khoản đầu tư mạo hiểm tại đây trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã có vài giao dịch. Các nhà đầu tư Singapore thì khá thận trọng ở bước đối tác trước khi muốn dấn thân sâu hơn.
Aik-Boon Tan nhận xét rằng các công ty khởi nghiệp ở châu Phi mới lạ, sáng tạo và có khả năng đột phá nhưng công nghệ được phát triển để hỗ trợ các ý tưởng kinh doanh mới vẫn thiếu tinh tế.
"Các doanh nhân châu Phi cũng cần phải cạnh tranh với một cộng đồng tài năng và ý tưởng toàn cầu để các châu Á lựa chọn", ông nói.
Bình luận