Sao lại phải ký quỹ khi tham gia giao thông? Phải chăng người dân sẽ bị đóng hụi chết suốt đời? Phải chăng "sáng kiến" này chợt lóe lên trong đầu ông Bộ trưởng... Đó là những ý kiến khi nghe Bộ trưởng Bộ GTVT đề xuất loại phí mới.
Đóng “hụi chết” suốt đời!
Trong phiên chất vấn trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội ngày 24/4 vừa qua, Bộ Trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã đề xuất nhiều giải pháp mạnh mẽ: Tịch thu, sung công quỹ xe đua; tăng mức phạt vi phạm và phạt thông qua tài khoản ngân hàng…
Kiến nghịmở tài khoản ngân hàng của chủ phương tiện và yêu cầu một khoản ký quỹ khi tham gia giao thông để tiến tới thu tiền phạt qua tài khoản đã được Bộtrưởng Bộ GTVT nhắc lạilà một trong kiến nghị quan trọng để xử lý triệt để các vấn đề vi phạm hành chính và các giải pháp khắc phục trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, trước kiến nghị này, nhiều người dân bức xúc: Căn cứ nào để ông Bộ trưởng nảy ra đề xuất này? Tại sao người dân có phương tiện giao thông cá nhân phải ký quỹ, có phải bất cứ ai ra đường cũng sẽ vi phạm giao thông? Ai quản lý quỹ này (bởi số tiền của 600.000 ô tô cá nhân và 33 triệu xe gắn máy)? Mức ký quỹ là bao nhiêu?...“Theo đề suất này ngân hàng lời to bởi không cần huy động, không cần trả lãi mà vẫn có khoảng tiền rất lớn trong thời gian rất dài. Số tiền ký quỹ này nếu không vi phạm giao thông, phải chăng người dân sẽ bị đóng hụi chết không lãi suốt đời? Chủ phương tiện thiệt thòi quá rõ. Nên nhớ rằng dân ta còn rất nhiều người nghèo”, TS Nguyễn Văn Vịnh (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển) chia sẻ.
Chỉ nên khuyến khích
TS Nguyễn Văn Vịnh phân tích đề xuất này của Bộ trưởng Thăng xuất phát từ ý định tốt đẹp là “triệt tiêu” tiêu cực, CSGT và TTGT không trực tiếp tiếp xúc với tiền mặt; giảm sự phiền hà cho người dân.
Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Nguyễn Mạnh Hùng đồng tình: Hiện nay quy trình nộp tiền phạt vi phạm giao thông rất bất tiện cho người dân, tài xế. Ví dụ sau khi vi phạm người dân bị lập biên bản (tạm giữ giấy tờ), trong đó hẹn ngày giờ đến cơ quan CSGT để nhận quyết định xử phạt rồi tới kho bạc nộp tiền, sau đó quay lại cơ quan CSGT đưa biên lai nộp tiền mới được trả lại giấy tờ.
“Chưa kể, nhiều trường hợp người vi phạm giao thông là người tỉnh khác, chi phí đi lại để nộp phạt còn tốn kém hơn tiền phạt, dễ dẫn đến tâm lý hối lộ cho xong”, ông Đỗ Văn Cương (Vụ Pháp chế, Bộ Công an) thừa nhận.
Theo TS Vịnh, việc hạn chế tiêu cực không nằm ở câu chuyện tiền mặt hay không mà ở chỗ lực lượng chức năng có muốn, có dám và có thể nhận tiền mặt hay không. Nếu cả 3 điều “có” kia xảy ra thì không có cách nào chống được tiêu cực. TS Vịnh thắc mắc, đề xuất này dường như là “bột phát, chợt lóe lên trong đầu ông bộ trưởng thì phải?”.
Ở nước ngoài, CSGT có biên bản thông báo, người vi phạm mang biên bản này ra đâu nộp cũng được hoặc trừ vào tài khoản.
Tại Việt Nam, việc không sử dụng tiền mặt chỉ có ý nghĩa giảm bớt sự phiền hà cho người dân. Mới đây, Bộ Tài chính và Bộ Công an có cuộc tham vấn cho dự án Luật xử phạt vi phạm hành chính.
Bộ Tài chính cho rằng trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, nên thí điểm thu qua tài khoản ngân hàng theo cơ chế bắt buộc mở tài khoản đối với một số đối tượng trên một số địa bàn thí điểm. Tuy nhiên, việc làm này cũng không đơn giản. Người dân vẫn quen dùng tiền mặt, việc mở tài khoản ngân hàng và thanh toán qua thẻ chưa phổ biến, cách làm này vẫn dừng ở mức khuyến khích chứ chưa bắt buộc và chưa có chế tài xử lý. Hình thức này cũng không đơn giản hơn nộp phạt bằng tiền mặt, người vi phạm phải chứng minh đã chuyển tiền nộp phạt mới được lấy lại giấy tờ, phương tiện bị tạm giữ, còn phải chịu thêm chi phí chuyển tiền.
Theo Đất Việt
Bình luận