Cầu vượt đi bộ bắc qua đường sắt tại nút giao cắt từ QL 1A vào QL 217B (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hoá) được xây dựng để đảm bảo an toàn cho người dân. Tuy nhiên, khi cây cầu vừa được đưa vào sử dụng lập tức gặp phải sự phản ứng gay gắt của người dân vì cho rằng lãng phí và bất tiện.
Người dân địa phương cho rằng, mục đích xây dựng cầu là giảm thiểu ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân qua đường sắt nhưng vị trí hai điểm lên xuống cầu vượt đường sắt đặt ngay sát mép đường 1A, giáp một tuyến đường tránh khác khiến nguy cơ xảy ra tai nạn, tỷ lệ ùn tắc còn cao hơn trước.
Trong khi đó, nhiều người lại phản đối gay gắt công trình này vì cho rằng cây cầu được thiết kế với độ dốc cao (điểm cao nhất khoảng 5 mét so với mặt đường), rất bất tiện.
"Chủ yếu chỉ có người già và trẻ nhỏ đi bộ qua cầu này nhưng cầu vượt đi bộ lại được thiết kế có độ dốc cao. Chính vì vậy, thay vì việc để người già đi bộ đưa trẻ đến trường, người dân chọn cách để người lớn đi xe máy đưa đón học sinh, cầu vượt đường bộ bỗng trở thành công trình lãng phí vì rất ít người sử dụng", một người dân sống gần khu vực cho biết.
Chị Nguyễn Thị Hường (thôn 4, xã Quang Trung) phàn nàn: "Cây cầu dựng đứng nên không thể gánh nặng leo qua đó, hoặc nếu có dắt con trâu, con bò ra đồng thì làm sao đi được? Bắt buộc chúng tôi phải đi vòng thêm nhiềm km. Mỗi lần như vậy phải mất nửa ngày đường, không còn thời gian làm việc...".
Liên quan đến vấn đề trên, ông Lê Bá Hùng - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Giao thông 1 Thanh Hóa (Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa) cho biết: "Cầu vượt bộ hành qua đường sắt là Dự án của Bộ Giao thông Vận tải nhằm đóng đường ngang, xóa điểm đen tai nạn giao thông đường sắt. Nhận thấy nhu cầu của người dân và học sinh đi bộ qua đoạn giao cắt đường sắt khu vực này rất lớn, Bộ Giao thông Vận tải xây dựng cầu vượt đi bộ tại đây cho nhân dân khu vực xã Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn. Tất cả xe cơ giới sẽ đi cầu vượt cách vị trí giao cắt đường ngang hiện nay vài trăm mét.”
Lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Giao thông 1 Thanh Hóa cũng cho biết: “Trước khi đóng chắn quốc lộ 217B, ngành giao thông hoàn thành tuyến cầu vượt bê tông (cách điểm đóng chắn khoảng 300 m về phía Nam) dành cho xe cơ giới. Còn cây cầu vượt bộ hành nhằm giải quyết lối đi bộ cho người dân và học sinh sống ở khu vực này.”
Ông Hoàng Gia Khánh - Giám đốc Công ty CP đường sắt Thanh Hóa cho rằng, việc tuân thủ tín hiệu đường sắt của người dân còn hạn chế nên cầu đi bộ vượt đường sắt chính là một giải pháp.
“Toàn tỉnh Thanh Hóa có hàng trăm lối đi dân sinh. Chúng tôi đã xây dựng nhiều giải pháp như lắp chắn tự động, bổ sung các hạng mục, bố trí người chốt gác chắn để góp phần xóa bỏ các điểm đen từ lối đi dân sinh. Dẫu vậy, việc tuân thủ tín hiệu đường sắt đối với người tham gia giao thông còn rất hạn chế mặc dù có đèn tín hiệu nhưng người điều khiển phương tiện vẫn cố tình vượt qua. Chính vì vậy, cần có giải pháp cho việc đi lại tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt", ông Khánh nhận định.
Bình luận