• Zalo

Đàn ông Trung Quốc bị 'gây khó dễ' khi muốn thắt ống dẫn tinh

Chuyện bốn phươngThứ Bảy, 11/12/2021 07:57:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Để dân số tăng mạnh trở lại, Trung Quốc ra tay hạn chế thắt ống dẫn tinh triệt sản, nhiều cơ sở y tế từ chối khi các quý ông muốn áp dụng thủ thuật này.

Lo ngại đà giảm dân số, Trung Quốc bắt đầu hạn chế các biện pháp triệt sản như thắt ống dẫn tinh. Nhiều cặp vợ chồng ở nước này gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cơ sở chấp nhận thực hiện thủ thuật này cho họ.

Nỗi lòng bà mẹ sợ sinh con thứ 2 

Zhao Zihuan – làm mẹ lần đầu ở thành phố Tế Nam, Trung Quốc, đã hai lần sảy thai trước khi sinh được một bé trai vào năm 2020. Kỳ vượt cạn kéo dài 7 tiếng đồng hồ kết thúc bằng việc mổ đẻ khẩn cấp.

Kiệt sức vì chuyện chăm sóc con, người mẹ 32 tuổi và chồng mình quyết định rằng một đứa con là đủ với họ. Vì vậy, vào tháng 4/2021, họ bắt đầu tìm kiếm việc thắt ống dẫn tinh cho người chồng. Nhưng họ bị 2 bệnh viện từ chối làm việc đó. Một bác sĩ nói với chồng của Zhao rằng phẫu thuật này không còn được phép nữa chiểu theo các quy định mới về kế hoạch hóa gia đình tại Trung Quốc.

Zhao, làm nghề xuất bản, nhớ lại: “Lúc ấy tôi sợ hãi và tức giận. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi vô tình có thai? Chúng tôi khi ấy sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc sinh con. Gánh nặng sẽ rất lớn”.

Đàn ông Trung Quốc bị 'gây khó dễ' khi muốn thắt ống dẫn tinh - 1

Y tá chăm sóc trẻ sơ sinh ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Trung Quốc đảo ngược chính sách

Trong hơn 3 thập kỷ qua, giới chức Trung Quốc đã buộc nam giới và phụ nữ nước này phải thực hiện triệt sản để kiểm soát đà tăng dân số. Hiện nay, chính phủ Trung Quốc lại cố gắng đảo ngược tỷ lệ sinh giảm mạnh – họ e ngại xu hướng giảm tỷ lệ sinh này sẽ đe dọa ổn định xã hội và nền kinh tế. Do vậy, các bệnh viện đang quay lưng với các nam giới muốn thắt ống dẫn tinh.

Yang – giám đốc một bệnh viện ở thành phố Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc, cho biết: “Đây là tiểu phẫu khá đơn giản nhưng các bệnh viện công gần như sẽ từ chối làm việc này với các bệnh nhân vì chúng tôi ý thức được các rủi ro khi làm điều gì đó không được chính phủ cho phép… Chính sách cơ bản hiện nay là Trung Quốc cần có thêm các ca sinh”.

Trung Quốc ghi nhận 8,5 ca sinh trên 1.000 dân vào năm 2020 – mức thấp nhất trong hơn 70 năm qua, theo các dữ liệu chính thức công bố vào tháng 11/2021. Mức sinh ở Trung Quốc hiện nay thấp vào hàng đầu thế giới, chỉ 1,3 con trên một phụ nữ, tức là thấp hơn cả con số của Nhật Bản. Các nhà nhân khẩu học dự báo dân số Trung Quốc có thể bắt đầu giảm trong vài năm nữa.

Tuy nhiên các nỗ lực ngăn chặn đà giảm trên, như nới lỏng quy định về kế hoạch hóa (chính sách 1 con) và trợ cấp tiền mặt cũng như tăng thời gian nghỉ sinh con, đều chưa thành công vì vẫn có nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc hơn lựa chọn không sinh con.

Luật kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc quy định bảo đảm quyền sinh sản của các công dân, bao gồm việc lựa chọn biện pháp tránh thai. Không có lệnh cấm chính thức hoặc hạn chế cụ thể nào đối với việc thắt ống dẫn tinh, mặc dù các bác sĩ và bệnh viện thực hiện phẫu thuật này cũng như việc thắt ống dẫn trứng và nạo thai cho phụ nữ, phải nhận được sự phê chuẩn của các sở y tế địa phương.

Ít cơ sở y tế thắt ống dẫn tinh

Mười hai bệnh viện công mà Washington Post liên hệ được, bao gồm các cơ sở ở Thượng Hải, Bắc Kinh, và Quảng Châu, nói rằng họ không còn cung cấp dịch vụ này nữa. Sáu bệnh viện cho biết, họ vẫn thực hiện tiểu phẫu này nhưng một bệnh viện thì cho biết họ làm việc đó với các nam giới chưa kết hôn.

Các cặp đôi và nam giới độc thân muốn thắt ống dẫn tinh cho biết, các bác sĩ và nhân viên bệnh viện từ chối thực hiện thủ thuật thắt ống dẫn tinh, đồng thời nói với họ rằng họ sau này có thể sẽ phải hối tiếc về quyết định đó. Một số bệnh viện yêu cầu bằng chứng dưới dạng tài liệu về tình trạng kết hôn và cặp đôi đã có con trước khi quyết định triệt sản bằng phương pháp này.

Zhou Muyun – một nhân viên viết bài quảng cáo ở Quảng Châu, cố gắng bất thành khi đi thắt ống dẫn tinh vào năm 2021 này. Anh ta và bạn gái Han Feifei – một cử nhân truyền thông đại chúng, đã chung sống với nhau và muốn theo đuổi lối sống DINK – viết tắt của cụm từ tiếng Anh có nghĩa là “thu nhập đôi và không con cái”.

Zhou nói: “Càng hiểu biết về thắt ống dẫn tinh, tôi càng chắc chắn về quyết định của mình. Chúng tôi muốn sinh hoạt tình dục với nhau nhưng lại không sinh con”. Zhou lưu ý thêm rằng thủ thuật này gây ra ít biến chứng hơn so với triệt sản nữ.

Zhou đã bị 2 bệnh viện từ chối. Tại đó, các bác sĩ bảo cậu ta rằng cậu còn quá trẻ.

Thế nhưng Zhou lại nói như thế này: “Sinh con hay không là lựa chọn của chúng tôi, đó cũng là quyền cơ bản của chúng tôi. Chúng tôi không cần ai đó bảo cho chúng tôi phải sống như thế nào”.

Thời kỳ chính sách một con thống trị ở Trung Quốc, thắt ống dẫn tinh bị coi là điều cấm kỵ tại đây. Tuy nhiên thủ thuật này phổ biến hơn tại một số tỉnh như Tứ Xuyên, Hà Nam, và Sơn Đông, nơi giới chức nhiệt tình ủng hộ biện pháp triệt sản đó.

Khi chính phủ Trung Quốc nới lỏng quy tắc kế hoạch hóa gia đình, số ca thắt ống dẫn tinh giảm từ 149.432 vào năm 2015 xuống còn 4.742 ca vào năm 2019, theo các số liệu chính thức. Trung Quốc thực hiện chính sách 2 con từ năm 2016.

Một số học giả Trung Quốc cho rằng phẫu thuật này chưa bị cấm mà chỉ không được khuyến khích, đặc biệt sau khi giới chức công bố vào tháng 5/2021 rằng tất cả các cặp đôi được phép có tới 3 con.

Sun Xiaomei – một giáo sư chuyên ngành giới tại Đại học Phụ nữ Trung Quốc ở Bắc Kinh, nói: “Với việc áp dụng chính sách 3 con, các bác sĩ có các mối quan ngại mới mang tính dài hạn. Thực hiện phẫu thuật này với một nam giới trong một xã hội có định hướng gia đình sẽ cướp đi của họ cơ hội có con có cháu. Không ai muốn bị đổ lỗi về việc đó cả”.

Sau khi chính sách 3 con được công bố, Zhao và chồng chị cảm thấy cần phải khẩn trương tìm cách thắt ống dẫn tinh, do họ lo ngại sẽ còn có thêm các hạn chế đối với nạo thai hoặc việc tiếp cận các biện pháp tránh thai khác.

Jiang, 30 tuổi, làm việc trong bộ phận chăm sóc khách hàng tại một công ty internet, đã phải ghé thăm tới 6 bệnh viện ở quê nhà Phúc Kiến trước khi tìm thêm một bệnh viện nữa ở cách đó hơn 1.900km, tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên chấp nhận thực hiện thắt ống dẫn tinh cho anh này. Sau tiểu phẫu vào tháng 3/2021, anh này đăng thông tin chi tiết về cơ sở y tế đó lên một diễn đàn trực tuyến thì được một người dùng mạng khác cho biết rằng bệnh viện này không còn cung cấp dịch vụ đó nữa.

Jiang tâm sự: “Tôi cảm thấy như mình đã trút được gánh nặng lớn này”.

Thay đổi trong quan niệm xã hội 

Chính sách hạn chế thắt ống tinh được cho là phản ánh quan điểm truyền thống cho rằng phụ nữ nên lãnh phần trách nhiệm kiểm soát sinh đẻ. Khi Zhou và bạn gái yêu cầu được thắt ống dẫn tinh, một bác sĩ gợi ý bạn gái anh dùng vòng tránh thai.

Yue Qian – một phó giáo sư về xã hội học chuyên nghiên cứu về giới và dân số ở Trung Quốc, cho rằng chính sách trên phản ánh truyền thống gia trưởng lâu đời. “Nam giới không bao giờ nằm ở trung tâm của các vấn đề liên quan đến hôn nhân, gia đình, sinh sản, và kiểm soát sinh đẻ”.

Nhưng xu hướng này đang thay đổi. Yuan Fang – một ngôi sao online ở tỉnh Chiết Giang, đã chia sẻ trải nghiệm thắt ống dẫn tinh của cá nhân mình.

Còn Zhao và chồng chị cũng đã tìm được một bác sĩ tại một bệnh viện nhỏ ở ngoại ô Tế Nam chấp nhận tiến hành phẫu thuật này. Ngay khi anh chồng đã lên bàn mổ, bác sĩ vẫn cố thuyết phục anh hãy ngừng triệt sản. Nhưng chồng của Zhao đã thể hiện sự dứt khoát.

Trung Hiếu(Vov.vn)
Bình luận
vtcnews.vn