Theo BMJ, để tìm hiểu ảnh hưởng của độ tuổi làm cha lên trẻ sơ sinh, tiến sĩ Michael Eisenberg, Giám đốc Khoa Sức khỏe Sinh sản nam tại Trung tâm Y khoa Đại học Stanford cùng cộng sự đã sử dụng dữ liệu từ Hệ thống Thống kê Quốc gia Mỹ và phân tích hơn 40 triệu ca sinh nở tại nước này từ năm 2007 đến 2016. Những ông bố được chia thành năm nhóm tuổi: trẻ hơn 25 tuổi, từ 25 đến 34 tuổi, từ 3 đến 44 tuổi, từ 45 đến 54 tuổi và lớn hơn 55 tuổi. Sau đó, các nhà nghiên cứu so sánh sức khỏe trẻ sơ sinh trong mỗi nhóm này.
Sau khi tính đến những yếu tố như tuổi người mẹ, tình trạng sức khỏe của bố mẹ và thông tin nhân khẩu, nhóm tác giả nhận thấy mối liên hệ giữa tuổi của người bố và khả năng xảy ra các vấn đề sức khỏe của trẻ em cùng sản phụ. Những rủi ro này bắt đầu xuất hiện ở độ tuổi 45 và dữ liệu cho thấy tuổi người cha càng lớn thì nguy cơ càng cao.
So với trẻ được sinh từ các ông bố từ 25 đến 34 tuổi, trẻ có bố trên 45 tuổi nhẹ cân và sinh non nhiều hơn 14%. Các em bé được sinh từ bố trên 55 tuổi đạt điểm thấp hơn trong xét nghiệm Apgar, thước đo sức khỏe trẻ sơ sinh dựa trên nhịp tim, khả năng hô hấp và phản xạ. Tỷ lệ cần hỗ trợ thở và vào phòng chăm sóc đặc biệt ở những trẻ này cũng cao hơn lần lượt 10% và 28%.
Ngoài ra, nguy cơ tiểu đường thai kỳ của phụ nữ có bạn đời trên 45 tăng lên 28% so với người có chồng từ 25 đến 34 tuổi.
Giải thích hiện tượng trên, tiến sĩ Eisenberg cho biết đàn ông liên tục sản sinh ra tinh trùng, đồng nghĩa với việc các tế bào của họ liên tục phân chia và thay đổi. Đôi lúc, quá trình này hoạt động không bình thường, dẫn đến khoảng hai đột biến di truyền mỗi năm. Theo thời gian, các đột biến được tích lũy và khả năng truyền đột biến sang con cái cũng lớn hơn. Tiến sĩ Eisenberg bổ sung đàn ông lớn tuổi có thể trải qua nhiều thay đổi về di truyền học biểu sinh hay ADN do các yếu tố môi trường, lối sống hơn so với người trẻ.
Dẫu vậy, dựa trên những bằng chứng tích lũy được, tiến sĩ Eisenberg khuyến cáo đàn ông suy nghĩ thận trọng khi quyết định có con. "Hầu hết các nguy cơ liên quan đến cha mẹ lớn tuổi áp dụng cho phụ nữ nhưng tôi nghĩ chúng ta không nên chủ quan," ông nói.
Trên thực tế, phụ nữ Mỹ ngày càng sinh con muộn, nguyên nhân chủ yếu là theo đuổi sự nghiệp và học tập trước khi lập gia đình. Hiện tượng này cũng xảy ra với phái mạnh. Từ năm 1972 đến năm 2015, độ tuổi làm cha trung bình của đàn ông Mỹ tăng từ 27,4 đến 30,9 tuổi. Tỷ lệ nam giới làm cha ở tuổi ngoài 40 cũng tăng 9%, theo một khảo sát năm 2017.
"Từ quan điểm tiến hóa, con người đã quen với việc sinh sản ở cuối tuổi thiếu niên và đầu tuổi 20. Bất cứ thời điểm sinh nở nào nằm ngoài giai đoạn này đều có thể tiềm ẩn rủi ro", tiến sĩ Eisenberg nói với TIME.
Bình luận