Phụ nữ thường nói, đàn ông có lẽ mãi mãi chỉ là một đứa trẻ. Khi thuở nhỏ, anh ta thích bóng đá, và lúc tóc xanh hóa bạc vẫn thích… đá bóng. Với đàn ông Á Đông, họ thường mang nặng sự kiêu hãnh và thói quen giấu giếm cảm xúc.
Phụ nữ dù chưa chồng hay đã có hai mặt con vẫn thích những hành động lãng mạn: được ăn ở nhà hàng vào cuối tuần, một đêm nằm bên nhau dưới ánh đèn vàng thoang thoảng tinh dầu quế. Đặc biệt, khi mang thai, họ cần được quan tâm nhiều hơn. Có vô số câu chuyện đau lòng rằng khi có thai, vì nhu cầu sinh lí nên chồng ngoại tình.
Hay đàn ông vô tâm, khi vợ cần không thể có mặt, hoặc chỉ chăm chăm đến đứa con mà quên đi tâm lý người vợ. Nhưng thật ra, đàn ông có thể là kẻ vô tâm, nhưng khi lời nói họ thốt ra lúc người yêu mang thai, luôn là lời thật lòng. Ông bố trẻ Đặng Đình Trung hạnh phúc lắm vì đã có một người vợ tuyệt vời hơn tất cả mọi thứ trên đời…
“Nếu có ai hỏi tôi, cảm nhận khi lần đầu tiên được làm bố thế nào, thì tôi sẵn sàng trả lời ngay, đó là xót xa… Xót xa khi nhìn mẹ nó ngân ngấn nước mắt đi theo hộ lý chuẩn bị vào phòng mổ, cánh cửa thang máy đóng lại cứ như cả một thế kỷ trôi qua vậy… Xót xa khi biết được lúc mình được gặp con thì mẹ nó vẫn phải chiến đấu với ca mổ hàng tiếng đồng hồ, vẫn phải tách thêm nhân xơ, rồi lại phải nằm phòng hồi sức lạnh lẽo cô đơn kia một mình, không có người thân bên cạnh…
Nếu ai đó hỏi tôi, có hạnh phúc khi được làm cha, làm bố không, thì tôi sẽ trả lời… Tôi hạnh phúc lắm, nhưng là vì tôi đã có một người vợ tuyệt vời hơn tất cả mọi thứ trên đời…”
Đó là dòng tâm sự giản dị nhưng chân thành của ông bố trẻ Đặng Đình Trung (sinh năm 1989, Hà Nội) nói về cảm xúc thương vợ và sự “xót xa” trước những nỗi đau mà vợ mình đã phải trải qua trong buổi vượt cạn được đăng tải trên mạng xã hội đang tạo ra một “cơn sốt” trong cộng đồng mạng những ngày gần đây. Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, đoạn status của Đình Trung đã thu hút 34 nghìn lượt thích và 10 nghìn lượt chia sẻ - một con số ấn tượng so với bất cứ “hiện tượng mạng” nào trước đó.
Thật sự, ít người đàn ông nào hiểu hết được nỗi khổ của người phụ nữ khi mang thai. Chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, vợ phải chịu hết mọi đắng cay cực nhọc. Và sau khi sinh con, phụ nữ tiếp tục lo lắng về sức khỏe thai nhi, về vẻ đẹp của cơ thể, rạn da... Vì thế, như lời Trung nói, “việc sinh nở của phụ nữ là hạnh phúc hay nghĩa vụ đều được quyết định bởi người chồng”. Khi có người lo lắng, chăm sóc và yêu thương, đó sẽ là sự động viên không thể nói hết bằng lời của những bà mẹ tương lai.
Câu chuyện của Đặng Đình Trung cũng khiến nhiều người than thở rằng “đó là chồng người ta”. Quả thật, ít có người đàn ông nói yêu thương vợ qua bờ môi. Sự kín kẽ trong giao tiếp, thích thể hiện bằng hành động đã trở thành một bản năng của nam giới. Có lẽ vì thế, câu chuyện khiến chị em xúc động, bùi ngùi, rằng có phải người như anh chồng Đình Trung chỉ là một trong hàng vạn trường hợp, rất hi hữu và hiếm gặp.
Tuy nhiên, tôi cho rằng điều đó không đúng. Bởi còn rất nhiều câu chuyện cảm động khác với người đàn ông, người cha tương lai. Có người chăm lo cho vợ từng li từng tí, cùng nắm tay nhau đi dạo khi chiều về, vội vàng nấu món ăn cho người yêu dù anh ta chưa bao giờ vào bếp, như Đình Trung nói: “Mình nghĩ các ông chồng đều yêu và thương vợ, con mình hết thôi. Nhưng để người ta thể hiện được ra thì lại còn do sự khéo léo, tinh tế của các bà vợ. Bánh giò khéo bóc thì ngon mà. Còn về riêng chuyện sinh nở, có lẽ chỉ ai cùng vượt cạn với vợ thì mới thấu hiểu được. Mình hi vọng mọi người lúc nào cũng nâng niu, yêu thương người vợ, người bạn đời.” Nhà là để về. Vợ là nhà. Nhà không biết đi. Nhà luôn ở đó. Khi nào nhà mọc chân và biết chạy, thì có lẽ nhà sẽ chẳng còn là nhà nữa. (Gào).
Vì thế, đừng bao giờ để đàn ông trong cái vỏ của mình mãi. Hãy cho anh ta thể hiện tình cảm của mình, không những trong việc sinh nở mà cả những điều khác nữa. Phụ nữ cần khích lệ chồng mình nói ra những điều trong lòng, hãy hiểu tâm can anh ta hơn những lời ong bướm bên ngoài.
Bạn hãy lập ra những thói quen như cùng nhau tắm, xem phim vào cuối tuần. Hãy bao dung và chờ đợi. Bởi đến một lúc nào đó, dẫu bạn đẹp hay xấu, đàn ông sẽ đến ôm bạn và chẳng bao giờ quên hôn bạn mỗi sáng sớm. Cứ mãi là tổ ấm để đàn ông dựa vào, như tác giả Gào đã viết: “Nhà là để về. Vợ là nhà. Nhà không biết đi. Nhà luôn ở đó. Khi nào nhà mọc chân và biết chạy, thì có lẽ nhà sẽ chẳng còn là nhà nữa.”
Có vài người bảo rằng, anh chồng Trung “chỉ biết nói”. Nhưng người đàn ông gạt bỏ cái kiêu hãnh để yêu chiều vợ mình, nâng niu cô trong một cuộc vượt cạn mà chỉ có phụ nữ mới hiểu, đó vẫn là điều đáng khâm phục.
Còn bạn, bạn đã nói lời yêu thương với người luôn ở bên cạnh mình chưa?
Lam Dung
Bình luận