Người dân quanh khu vực làng đá mỹ nghệ Non Nước Đà Nẵng sống cảnh "nắng bụi mưa lầy".
Hơn 10 năm qua, các hộ dân cạnh Làng đá mỹ nghệ Non Nước, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng phải sống cảnh trời nắng thì bụi đá trắng trời, lúc mưa đường sá lầy lội bùn nước và tiếng ồn do hoạt động chế tác đá gây ra. Ghi nhận của PV VTC News, dọc các tuyến đường Trương Gia Mô, Phạm Như Hiền cạnh làng đá mỹ nghệ Non Nước phủ kín bụi đất và bụi đá do xe tải lớn liên tục vận chuyển đá ra vào làng nghề.
Những khi trời nắng, tuyến đường dẫn vào làng đá mỹ nghệ Non Nước phủ kín bụi trắng mỗi khi có xe tải ra vào, trở thành nỗi ám ảnh đến ngột thở khiến người dân rất bức xúc. Ông Đặng Bê (trú tổ 26, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, gia đình ông phải đóng cửa gần như từ sáng đến tối mà vật dụng trong nhà vẫn bám đầy bụi đá.
“Môi trường sống ô nhiễm kéo dài hàng chục năm, người dân chúng tôi bị ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe vì hít phải bụi đá hàng ngày cộng với tiếng ồn từ quá trình cắt, xẻ chế tác đá mỹ nghệ. Tôi mong muốn thành phố nhanh có phương án di dời làng đá ra khỏi khu dân, hoặc di dời khu dân cư ra xa làng đá chứ sống cảnh thế này không chịu được”, ông Bê chia sẻ.
Bà Phạm Thị Phượng, trú đường Phạm Như Hiền, tổ 29, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn cho biết: Để hạn chế bớt bụi đá, gia đình tôi phải phun nước mỗi ngày 2 lần sáng và chiều nhưng cũng chỉ là biện pháp tình thế thôi, bụi vẫn hoàn bụi”, bà Phương cho biết thêm.
Vào mùa mưa, những tuyến đường lênh láng nước và bùn trắng (bụi đá) do quá trình chế tác các sản phẩm đá mỹ nghệ khiến môi trường ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Không chỉ vậy, cây cối hai bên đường cũng nhuốm đầy bụi trắng do quá trình cắt đá, xe vận chuyển đá và sản phẩm ra vào làng nghề gây ra.
Lãnh đạo Ban Quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước cho biết, trong làng nghề hiện tại có 385 cơ sở sản xuất, trong đó có 20% cơ sở sản xuất cắt đá, đây là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn nhất. Do các cơ sở sản xuất trống trải nên không thể dùng công nghệ thu gom bụi một cách triệt để. Vì vậy, vấn đề vành đai cây xanh được UBND quận Ngũ Hành Sơn quan tâm và đã trồng cây xanh theo quy hoạch, đảm bảo quy định của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, hạn chế mức thấp nhất bụi xâm lấn ra khu dân cư, ảnh hưởng đời sống của người dân.
Theo UBND quận Ngũ Hành Sơn, quận đã chỉ đạo Ban Quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước triển khai nhiều giải pháp góp phần làm giảm thiểu, khắc phục ô nhiễm môi trường tại làng nghề. Về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải từ quá trình sản xuất (chủ yếu là các loại đá rẻo, vụn đá, bột đá từ các khâu cắt, khoan các tảng đá và đẽo, đục tạo dáng sản phẩm), các cơ sở ký hợp đồng thu gom với Ban Quản ly thu gom về bãi tập kết của Ban và được các đơn vị đủ năng lực vận chuyển ra khỏi làng nghề.
Riêng hệ thống thu gom nước thải sản xuất của các cơ sở, làng nghề đã xây dựng hoàn chỉnh, tách riêng tuyến ống thu gom nước thải sản xuất và tuyến thoát nước thải sinh hoạt. Theo đó, UBND TP Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng tuyến ống thu gom nước thải sản xuất cho cả làng nghề và Trạm xử lý nước thải tập trung công suất 1500 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, có tình trạng một số hộ sản xuất trên vỉa hè gây ra tình trạng nước và bột đá chảy tràn ra lòng, lề đường. Vì vậy, Ban Quản lý làng nghề đã hợp đồng với đơn vị tổ chức nạo vét các hố ga và tuyến ống của hệ thống thu gom nước thải sản xuất để thu gom về Trạm xử lý, hạn chế nước thải chảy ra vỉa hè, lòng đường gây ô nhiễm môi trường.
Bình luận