• Zalo

Dân mạnh thì biên vững

Thời sựThứ Hai, 18/05/2015 09:00:00 +07:00 Google News

Sau cả chục năm vật lộn với công cuộc tái thiết bản, những chàng trai người Mông của xã Sin Suối Hồ (Lai Châu) đã dứt ra khỏi cơn say cùng khói thuốc phiện

Bản Sin Suối Hồ là một trong những bản còn khó khăn của xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu với 39/103 hộ nghèo (năm 2013), tình trạng đói nghèo của bản có nhiều nguyên nhân tác động nhưng một trong số đó là không có tư liệu sản xuất và không có phương thức sản xuất, giống loài canh tác phù hợp.

Sau cả chục năm vật lộn với công cuộc tái thiết bản, những chàng trai người Mông đã dứt ra khỏi cơn say cùng khói thuốc phiện để học cách trồng lan và nuôi bò.


Trồng lan để thoát nghèo


Những bản người Mông ở đất Tây Bắc nằm vắt vẻo trên núi cao. Bao năm qua cái đói, cái nghèo còn luôn bám rễ sâu ở đất này. Đất đai rộng mênh mông, bà con người Mông tần tảo sớm hôm trên nương, trên rẫy nhưng cũng chỉ mong kiếm đủ 3 bữa no. Lần này có dịp lên bản Sin Súi Hồ - nằm độ cao 2.000m so với mặt nước biển, tôi bất ngờ trước cách làm và lối suy nghĩ của bà con người Mông nơi đây. Cây địa lan đã làm thay đổi bộ mặt của bản làng nơi dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ.

Bà con người Mông ở Sin Súi Hồ vui mừng nhận bò hỗ trợ  

Dọc con đường nhỏ dẫn vào nhà, anh Hạng A Sà – “vua” lan của bản Sin Súi Hồ bầy rất nhiều loại lan khác nhau. Ngoài địa lan, anh còn trồng thêm lan tím và phong lan. Chậu địa lan nào cũng xanh mướt. Sau mấy năm dày công vun trồng đến giờ anh Sà có trên 500 chậu địa lan.

Hàng trăm giỏ phong lan và 3 giàn phong lan tím được anh Sà chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ. Ước tính vườn lan của anh Sà trị giá cả tỉ đồng. Lần đầu gặp anh Sà, ai cũng nghĩ anh là cán bộ huyện lên chơi, chứ không nghĩ là công dân của bản Sin Súi Hồ nằm tít trên núi cao này. Áo trắng sơ vin, đi xe máy đời mới, tác phong nhanh nhẹn, “Có lẽ do chơi cây cảnh nên tôi trẻ lâu”, anh Sà hóm hỉnh khi được khách khen “bảnh bao”.


Nhà anh Sà đông con, nhưng anh cũng sắm được đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Tất cả những thứ đó đều nhờ vườn lan mà ra. Anh Sà kể, trước đây vợ chồng làm nương, làm rẫy đi từ sáng sớm đến khi mặt trời khuất núi, vậy mà vẫn lo thiếu cái ăn, cái mặc. Cách đây 5 năm, khi phong trào khai thác phong lan, địa lan bán cho miền xuôi lên cao trào. Rừng Sin Súi Hồ có nhiều hoa lan đấy, nhưng khai thác mãi cũng hết.

Vườn lan tiền tỷ của anh Sà  

Giá lan tăng cao mà bà con không có mà bán. Ý thức được việc đó, anh đã kì công lấy củ lan mang về nhà trồng. Lúc đầu, anh cũng chơi lan cho thỏa cái chí ở nơi sơn cước. Khí hậu nơi này quanh năm mát mẻ, độ ẩm cao nên rất phù hợp cho các loài hoa lan. Sau mỗi năm, những chậu lan của anh Sà lại đẻ nhiều nhánh hơn. Anh Sà đánh chúng ra các chậu nhỏ để nhân giống.


Chẳng mấy chốc vườn lan của anh Sà đã phủ kín sân rồi mở rộng ra khu vườn hơn 1ha. Lan hợp đất nên phát triển tốt. Hoa nở to và sặc sỡ hơn so với miền xuôi. Nhờ đó mà mỗi chậu lan 3 năm tuổi bán được 4-5 triệu đồng. “Nhà cần tiền cho con đi học hay mua sắm thứ gì, bán vài chậu lan là đủ”, anh Sà khoe.

Không dừng lại ở việc trồng địa lan, anh Sà mạnh dạn đưa phong lan và giống lan tím- vốn rất khó tính về trồng. Giá trị của loài lan tím còn cao hơn cả địa lan. Dự kiến 2 năm nữa, mấy giàn lan tím của anh Sà cho thu hoạch, mỗi kg bán được cả triệu đồng. “Giống lan ở nơi đây có sẵn nên việc đầu tư không hết nhiều lắm. Duy chỉ có điều, chơi lan nó kén người. Mình cũng phải sớm tối mới hy vọng đạt được thành công”, anh Sà tâm sự.
Từ thú chơi tao nhã, vườn lan đã giúp đồng bào Mông có nguồn thu không nhỏ. Trong bản bắt đầu xuất hiện những triệu phú, tỉ phú nhờ trồng lan như Sà, anh Vàng A Lai...

Tặng bò là cho cái cần câu


Giờ đây đến bản Sin Súi Hồ không có chuyện rượu rót tràn cung mây và khói thuốc phiện vấn vương trong mỗi chái nhà nữa. Các chàng trai người Mông nơi đây thay vì bàn chuyện rượu, thuốc phiện đã giúp nhau trồng lan và học cách nuôi bò.

Ông Sồng A Vư, Chủ tịch UBND xã Sin Súi Hồ cho biết, đất đai của xã rộng ngút tầm mắt, rừng già kéo dài từ bản nọ đến bản kia, vậy mà nhiều năm qua cuộc sống của phần đông bà con người Mông nơi đây vẫn chưa được nâng lên. Số hộ nghèo ở Sin Súi Hồ vẫn còn chiếm tỷ lệ cao và đây là một thách thức lớn đối với chính quyền địa phương.

Nhưng từ khi con đường ô tô mở lên xã, việc giao lưu hàng hóa đã thuận tiện hơn, thì sản phẩm nông sản của bà con đã bán được giá, đặc biệt là trâu, bò luôn có giá cao. Và vì thế, vào cuối năm ngoái khi chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” do Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel triển khai về đến nơi đây, bà con mừng vui như bắt được vàng vì tự nhiên được trao tặng cả một tài sản lớn.


Quả thật, những ngày tôi về Sin Súi Hồ, đâu đâu trong xã cũng rộ lên câu chuyện được Viettel tặng bò. Người dân bàn cách chăm bò, làm thế nào để cho bò phát triển khỏe mạnh, sinh trưởng nhanh. Từ khi được nhận bò, anh Tẩn Láo Tả, một hộ nghèo ở bản Chí Sáng, xã Sin Súi Hồ đã làm chuồng có mái lợp ngói, nền láng xi măng và bạt che xung quanh. Anh cũng đã biết trồng và tích trữ cỏ đúng theo hướng dẫn của cán bộ xã. “Từ khi gia đình mình được nhận bò giống đến nay, vui lắm. Gia đình mình hứa với cán bộ, với Nhà nước sẽ chăm sóc con bò thật tốt để nó sớm đẻ bò con giúp gia đình mình hết nghèo”.

Trong dịp trao tặng bò giống cuối năm 2014, có đến 30 hộ nghèo trong xã Sin Súi Hồ được Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel tặng bò. Tiếp chuyện với chúng tôi, ông Sồng A Vư không giấu được niềm vui, xúc động: “Bà con Sin Súi Hồ giờ đây đã có hướng đi thoát nghèo rồi. Bên cạnh phát triển cây phong lan, tới đây chúng tôi sẽ tập trung giúp người dân phát triển đàn bò. Được trao tặng bò là người dân được trao cho cái “cần câu”. Chúng tôi sẽ cố gắng tham gia cùng người dân để làm sao cái “cần câu” ấy được phát huy hiệu quả tốt nhất”.

Chung niềm vui với gia đình anh Tẩn Láo Tả và xã Sin Súi Hồ là 107 hộ của 5 xã biên giới: Trung Chải, Nậm Manh (Nậm Nhùn), Nậm Xe, Sin Súi Hồ (Phong Thổ) và xã Pa Tần ( Sìn  Hồ).

Mỗi hộ vừa qua cũng được nhân 1 con bò sinh sản trị giá 15 triệu đồng từ Chương trình chung tay vì cộng đồng “Bò giống giúp người nghèo biên giới”. Với bà con các bản người Mông nơi đây, cuộc sống luôn còn nhiều khó khăn, thiếu đất sản xuất, thiếu vốn để phát triển kinh tế…, việc cùng lúc nhiều hộ gia đình được nhận bò hỗ trợ đã mở ra cho họ hướng làm ăn mới. Một tương lai tươi sáng hơn đang chờ đón họ ở phía trước.

PV

Bình luận
vtcnews.vn