Ngày 21/3, News feed của người dùng facebook tại Việt Nam tràn ngập hình ảnh Mark Zuckerberg, CEO Facebook với thông điệp đính kèm: "Hãy bình luận chữ: BFF. Nếu màu xanh thì Facebook của bạn đã được bảo vệ. Nếu màu đen Facebook của bạn đã bị ai đó theo dõi hoặc bị ai đó hack hãy đổi pass ngay".
Thực tế, từ khoá BFF chỉ là một trong nhiều từ khoá đặc biệt mà Facebook áp dụng. Đi kèm với màu sắc và font chữ thay đổi là những hiệu ứng đặc biệt khi bấm vào. Trước đây, trên Facebook xuất hiện một số từ khoá tương tự như "xoxo", "chúc mừng"...
Từ khoá BFF viết tắt của "best friend forever", biểu thị cho một tình bạn vĩnh cửu. Hiệu ứng đi kèm chữ màu xanh này là hai bàn tay lồng vào nhau. Nhiều người đã lợi dụng hình ảnh đó "tưởng tượng" ra sự bảo vệ, sau đó kêu gọi mọi người bình luận.
Thực chất dù cho kết quả là BFF màu xanh thì tài khoản của người dùng cũng có thể gặp nguy cơ bảo mật bất cứ lúc nào. Trong khi đó, nếu ra màu đen thì đơn giản là tài khoản của bạn chưa được cập nhật tính năng cho phép tạo hiệu ứng chữ màu.
Video: Mã độc cực nguy hiểm đang lây lan trên Facebook Messenger tại Việt Nam
Đây không phải lần đầu cộng đồng người dùng Facebook Việt bị "dắt mũi" bởi những trò lạ mắt, lời khuyên, cảnh báo trên mạng xã hội này. Cách đây ít tháng, bức hình có nội dung cảnh báo mọi người tắt hết các thiết bị di động, điện tử vào khuya nay để tránh ảnh hưởng bởi tia vũ trụ cũng lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.
Để tăng độ xác tín cho thông tin trên, bức ảnh còn "trích dẫn" nhiều nguồn như Singapore TV, Google, NASA và BBC. Ngoài ra, nội dung bức ảnh còn đánh vào cảm xúc của người được nhận thông qua việc kêu gọi chia sẻ đến những người thân, quan trọng với mình.
Tin tức giả mạo vốn không phải là vấn đề mới trên Facebook tại Việt Nam, nhưng chúng vẫn tồn tại và thu hút hàng nghìn lượt like và chia sẻ từ những người cả tin và tham lam. Những trang tung tin giả nhằm tăng tương tác để hỗ trợ bán hàng online.
Trước khi có mạng xã hội, trò lừa bịp dựa vào tin giả mạo cũng đã xuất hiện vào thời kỳ đầu của ngành bưu chính viễn thông dưới dạng "hãy gửi bức thư này cho 100 người nếu không bạn sẽ chết". Động cơ của trò này được cho là nhằm tăng doanh thu cho các đơn vị chuyển phát.
Giờ đây, những tin tức giả mạo này được sử dụng bởi những người dùng nhẹ dạ cả tin hoặc người bán hàng trên Facebook nhằm tăng tương tác trong thời buổi giá quảng cáo Facebook ngày càng đắt đỏ.
>>> Đọc thêm: Ăn cắp thông tin facebook, tái diễn trò lừa đảo 'tặng quà' tại VN
Bình luận