Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức thi thử THPT Quốc gia cho học sinh khối 12 trên địa bàn tỉnh, trong đó đề thi môn Ngữ Văn được nhiều giáo viên và học sinh đánh giá hay, có nhiều "đất" giúp thí sinh thỏa sức bày tỏ suy nghĩ của bản thân về một hiện tượng xã hội.
Đề thi như sau:
Đề thi gây ấn tượng với thí sinh ở câu Nghị luận xã hội "Cư dân mạng có thật sự là cộng đồng chân chính hay không?". Câu hỏi này được nhiều giáo viên và học sinh đánh giá mang tính thời sự, gần gũi với thực tế cuộc sống.
Sở GD&ĐT Ninh Bình gợi ý đáp án câu Nghị luận xã hội này như sau:
"Cư dân mạng" là một thực thể hay cá nhân tích cực tham gia vào cộng đồng mạng; hoặc là thành viên của mạng xã hội, thông qua các hình thức: giao lưu, trao đổi, liên lạc trực tuyến và các hình thức khác của mạng xã hội.
Mạng xã hội (Interrnet) là một thế giới thông tin rộng lớn, không hạn định; nhiều lợi ích, cạm bẫy.
Cư dân mạng là cộng đồng chân chính khi mỗi cá nhân nghiêm túc, tích cực, có bản lĩnh, có ý thức trách nhiệm khi tham gia các hoạt động trên Internet (đóng góp chia sẻ thông tin hữu ích, quan điểm đúng đắn) giúp xây dựng cộng đồng mạng lành mạnh, trí tuệ, góp phần vào sự phát triển xã hội.
Cư dân mạng không phải là cộng đồng chân chính khi con người lạm dụng sức công phá của mạng xã hội để lan truyền nhiều thông tin thiếu chính xác, không có giá trị với phát ngôn của bản thân; a dua, phản ứng, chia sẻ thông tin theo số đông...để lại nhiều hệ lụy.
Từ đó, thí sinh rút ra cho bản thân mình một bài học nhận thức và hành động phù hợp.
Ngoài ra, phần Đọc hiểu và câu Nghị luận văn học của đề thi giống với cấu trúc đề minh họa của Bộ GD&ĐT.
Cụ thể, phần Đọc hiểu, là một trích đoạn văn từ bài báo "Văn hoá phản biện trong thời mạng xã hội" và yêu cầu thí sinh trả lời các câu hỏi: "Dựa vào đoạn trích anh/chị hãy cho biết: Hiểu một cách đơn giản, tư duy phản biện là gì?; Tại sao tư duy phản biện lại trở thành nhu cầu thiết thân của mỗi cá nhân trong thế giới hiện tại?; Anh/chị hiểu thế nào là”bẫy ngụy biện” được đề cập trong đoạn trích ? Theo anh chị, tư duy phản biện có đồng nghĩa với sự phản đối không? Vì sao?".
Còn câu Nghị luận văn học, thí sinh trình bày cảm nhận về chất thép và chất trữ tình trong hình tượng người chiến sĩ Tây Tiến qua 2 trích trong bài “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng.
Bình luận