• Zalo

Dân lập ‘chiến lũy’: Chính quyền nói gì?

Thời sựChủ Nhật, 14/07/2013 08:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Chủ tịch UBND xã nơi người dân lập “chiến lũy” nói rằng nguyên nhân vụ việc là do nhà máy không được cấp phép và nhiều lần “phớt lờ” đình chỉ.

(VTC News) – Chủ tịch UBND xã nơi người dân lập “chiến lũy” nói rằng nguyên nhân của vụ việc là do nhà máy không được cấp phép và nhiều lần “phớt lờ” thông báo đình chỉ của chính quyền địa phương.

Liên quan đến việc người dân thôn Châu Xá, xã Duy Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương lập “chiến lũy” phản đối việc công ty Trường Khánh xây dựng nhà máy hóa chất Pro Niken trái phép tại địa phương gây ô nhiễm môi trường, PV VTC News đã có buổi làm việc với Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Duy Tân - ông Lê Văn Kha để làm rõ vấn đề trên.

Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Kha khẳng định: “Việc nhân dân thôn Châu Xá dựng lều bạt, rải đá, vật cản ra đường dẫn vào công ty Trường Khánh xảy ra từ ngày 13/6. Nguyên nhân vụ việc là do phía công ty Trường Khánh xây dựng nhà máy sản xuất hóa chất trên địa bàn không được cấp phép, gây ô nhiễm môi trường lại “phớt lờ” thông báo của chính quyền.

dân lập chiến lũy
Lều bạt của người dân ngăn nhà máy ô nhiễm hoạt động. 

Theo ông Kha, khu đất mà công ty Trường Khánh sử dụng để xây dựng nhà máy hóa chất trên thuộc đất đấu thầu của xã Duy Tân. Trước đó, đơn vị này dã trúng thầu sử dụng lô đất này. Trong hợp đồng đấu thầu, công ty này cam kết sử dụng khu đất làm địa điểm sản xuất vật liệu xây dựng, làm đá, gạch và sản xuất phân bón.

“So với hợp đồng đấu thầu trước đó, công ty Trường Khánh đã sử dụng đất không đúng mục đích. Hơn nữa, nhà máy hóa chất này không được các cấp có thẩm quyền cấp phép xây dựng và hoạt động” - ông Kha khẳng định.

Vị Chủ tịch xã nói rằng, đầu năm 2013, sau khi kiểm tra và phát hiện nhà máy trên hoạt động không có giấy phép, không đúng cam kết sử dụng, UBND xã đã mời lãnh đạo công ty Trường Khánh lên làm việc, yêu cầu đơn vị này dừng xây dựng nhà máy vì chưa được cấp phép. Tuy nhiên, phía công ty vẫn tiếp tục cho xây dựng hoàn chỉnh nhà máy.

dân lập chiến lũy
Người dân ăn uống và túc trực 24/24 tại nơi dựng "chiến lũy". 

Trước tình hình này, UBND xã đã báo cáo UBND huyện Kinh Môn, cơ quan này say đó đã có thông báo yêu cầu công ty Trường Khánh ngừng tất cả hoạt động sản xuất tại nhà máy trên địa bàn thôn Châu Xá, tuy nhiên đơn vị này đã “phớt lờ”.

Cụ thể, vào cuối tháng 4/2013, UBND huyện Kinh Môn đã có văn bản đình chỉ hoạt động của nhà máy sản xuất Pro Niken của công ty Trường Khánh. Theo ông Kha, khi nhận được văn bản đình chỉ hoạt động của huyện, nhà máy này chỉ dừng hoạt động trong khoảng thời gian rất ngắn, rồi tiếp tục sản xuất trở lại.

Tiếp đó vào ngày 20/5, UBND huyện Kinh Môn có thông báo đình chỉ hoạt động tại nhà máy sản xuất hóa chất của công ty Trường Khánh, đồng thời yêu cầu đơn vị này hoàn tất các thủ tục giấy tờ cấp phép mới được hoạt động tiếp. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn không chấp hành và ngang nhiên hoạt động.

Đến ngày 10/6, UBND huyện Kinh Môn tiếp tục có thông báo yêu cầu công ty Trường Khánh chấm dứt mọi hoạt động nung đốt tại nhà máy hóa chất. Thông báo yêu cầu đến 0h ngày 11/6, mọi hoạt động tại lò nung phải ngừng hoàn toàn.

dân lập chiến lũy
 Chủ tịch xã Duy Tân - Lê Văn Khoa nói rằng, sụ việc diễn ra như ngày hôm nay là do doanh nghiệp phớt lờ thông báo của chính quyền.

“Nhận được thông báo này, công ty Trường Khánh đã cho dừng hoạt động tại nhà máy nhưng không triệt để” – Chủ tịch UBND xã Duy Tân cho biết.

Việc một nhà máy hóa chất gây ô nhiễm, không được cấp phép hoạt động ngang nhiên trong khu dân cư lại nhiều lần “phớt lờ” thông báo của chính quyền đã khiến người dân trong khu vực bức xúc.

“Chính vì vậy, vào ngày 13/6 người dân đã dựng lều lán, rải đá, các vật cản, đào đường dẫn vào nhà máy nhằm ngăn cản hoạt động” – vị chủ tịch xã nói.

Trong quá trình người dân thực hiện việc ngăn cản nhà máy hóa chất ô nhiễm hoạt động, cả xã và huyện đã thành lập tổ công tác xuống kiểm tra, mời lãnh đạo công ty Trường Khánh đến làm việc, yêu cầu đơn vị này tháo dỡ nhà máy trong vòng 5 ngày (từ ngày 22/6 đến 26/6).

“Doanh nghiệp này đã nhận sai và xin lỗi người dân, cam kết sẽ thực hiện tháo dỡ nhà máy theo kế hoạch của chính quyền. Tuy nhiên kế hoạch tháo dỡ bị chậm trễ do ảnh hưởng của thời tiết” – ông Kha cho biết.

Tiếp sau đó, ngày 1/7, đoàn kiểm tra của huyện Kinh Môn đã mời lãnh đạo công ty tới làm cam kết tháo dỡ hoàn toàn cơ sở vật chất trong vòng 5 ngày (từ ngày 2/7 đến 6/7).

dân lập chiến lũy
Nhà máy hóa chất gây ô nhiễm đã ngừng hoạt động và dần được tháo dỡ. 

“Đến ngày 6/7, nhà máy sản xuất đã cơ bản được tháo dỡ hết nhưng doanh nghiệp vẫn chậm trễ so với cam kết, phần còn lại do gặp phải vật cản của người dân nên chưa thể tiến hành” - ông Kha nói.

Vị Chủ tịch xã Duy Tân nói rằng, trong quá trình yêu cầu nhà máy tháo dỡ và người dân dựng lều bạt, cản đường nhà máy hoạt động thì xảy ra một số xô xát giữa người dân và nhóm người lạ mặt.

Đó là việc anh Nguyễn Văn Hanh (đại diện người dân Châu Xá) bị đổ chất bẩn vào nhà, rồi đến sự việc đêm 26/6, người dân tại lều bạt bị nhóm người lạ dùng xe ủi tấn công. Còn sự việc người dân nói mình bị hàng chục người lạ mặt tấn công trước đó, ông Kha từ chối trả lời vì “sự việc đang trong quá trình điều tra”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về trách nhiệm của chính quyền địa phương về việc để một nhà máy hóa chất gây ô nhiễm ngang nhiên xây dựng hoạt động gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, để người dân cảm thấy chính quyền “bất lực” và lập “chiến lũy” để ngăn cản, ông chủ tịch xã nói rằng, xã hoàn toàn không biết bên trong công ty này sản xuất cái gì, nguồn cơn bức xúc này xuất phát từ việc làm của doanh nghiệp.

“Họ đấu thầu đất rồi nói làm vật liệu xây dựng, làm phân bón, quá trình xây dựng chúng tôi không được kiểm tra. Công ty này xây dựng khi chưa được cấp nào cho phép, đến khi hoạt động, người dân tố cáo nhà máy gây ô nhiễm, chúng tôi mới biết và mới có phương án xử lý” – ông chủ tịch xã phân trần.

Về việc người dân lập “chiến lũy”, ông Kha nói rằng, sự bức xúc của người dân là đúng, chính quyền địa phương đã và đang thực hiện công tác tuyên truyền, thuyết phục người dân phá bỏ lều trại, trả lại sự thông thoáng cho đường sá tại địa bàn thôn để ổn định an ninh trật tự, đảm bảo hoạt động sản xuất tại địa phương.

Đối với nhà máy ô nhiễm, ông Kha cam kết sẽ cùng chính quyền địa phương tích cực giám sát, đôn đốc phía doanh nghiệp nhanh chóng tháo gỡ nhà máy theo nguyện vọng của nhân dân.

“Chúng tôi sai, chấp nhận dỡ bỏ”

Chiều 10/7, trả lời phỏng vấn phóng viên VTC News qua điện thoại, ông Trần Văn Khoa – Đại diện công ty TNHH Trường Khánh cho biết, đúng là nhà máy xây dựng lên khi không được chính quyền cấp nào cho phép, sự ô nhiễm môi trường do nhà máy gây ra cũng chưa được đánh giá mức độ.

Lý giải về việc xây dựng nhà máy không được cấp phép, đại diện công ty Trường Khánh nói rằng, bản thân công ty đã sản xuất vôi, thiết nghĩ nhà máy này sản xuất từ vôi thì công ty làm, góp phần tạo việc làm cho người dân. “Chúng tôi chỉ nghĩ sự việc đơn giản, trong khi sự hiểu biết về quy định nên mới xảy ra vấn đề như vậy” – ông Khoa nói.

Tuy nhiên, sau khi có chủ trương tháo dỡ của huyện, công ty chấp thuận vì công ty đã sai và chấp nhận tháo dỡ và không có thắc mắc. Nhưng quá trình tháo dỡ cần phải có thời gian trong khi gặp phải một số chướng ngại vật, một số người lạ lại đổ chất thải vào nhà máy làm cho quá trình này khó khăn.

Vị đại diện này cho biết, hiện nhà máy đã ngừng hoạt động và được tháo dỡ cơ bản, “mức độ sai phạm và hướng xử lý như thế nào, cần chờ đợi kết quả điều tra của các cơ quan có thẩm quyền”.

Bạch Dương – Hà Minh
Bình luận
vtcnews.vn