(VTC News) – Mỗi ngày một sinh viên có thể đan được từ 2-3 chiếc khăn nếu ngồi suốt, với thu nhập 40 - 70 ngàn đồng/chiếc tiền công. Nghề thời vụ tranh thủ những giờ rảnh rỗi cũng giúp cho sinh viên xa nhà có thêm thu nhập nuôi sống trong lúc kinh tế khó khăn như hiện nay.
Theo tìm hiểu của PV, hiện nhiều sinh viên trong đó bao gồm cả các nam sinh đang tham gia vào chiến dịch đan khăn len thuê để kiếm tiền trong những ngày rét đậm không muốn rời khỏi nhà này.
Với những tiêu chí khắt khe về kiểu dáng, màu sắc, độ dày, mỏng cũng như kích thước (dài, ngắn) khác nhau, nhiều người đã không tìm mua được chiếc khăn ưng í ở ngoài chợ hoặc trong các cửa hàng nên họ đã tìm tới dịch vụ đan khăn len thuê để thoả mãn nhu cầu.
Đối tượng đan khăn len thuê chủ yếu là những người khéo tay, có kinh nghiệm lâu năm, biết nhiều kiểu đan khác nhau vừa đẹp vừa lạ mắt, có nhiều thời gian rảnh rỗi, trong đó bao gồm cả các học sinh, sinh viên. Nhiều nam sinh cũng đan khăn len thuê để kiếm tiền (Ảnh: KV)
Với mỗi chiếc khăn có chiều dài từ 1,6 mét tới 1,8 mét được đan theo yêu cầu, thường thì khách hàng phải trả từ 70 – 100 nghìn tiền công cho người đan thuê trong đó chưa bao gồm tiền mua len hay phí vận chuyển.
Hồng Minh, (22 tuổi), một nữ sinh hay nhận đan khăn len thuê cho biết: “Nếu gặp khách “xộp” thì bọn em còn được bo thêm một chút nữa. Có những khách đưa hẳn 200 nghìn không cần trả lại. Nhưng nếu đan thuê cho chủ các cửa hàng bán khăn thì tiền công chỉ ở vào khoảng 40 – 50 nghìn mà thôi.
Lý do là bởi họ còn phải trả tiền thuê mặt bằng, tiền thuê người bán, chịu nhiều rủi ro khác nữa nếu hàng ế ẩm. Thêm vào đó, họ yêu cầu cũng không cao so với một số khách hàng về mặt kiểu dáng khăn nên chỉ cần không lỗi là bọn em đã nhận được từng ấy tiền công rồi. Nhìn chung nghề này thu nhập thấp, nhưng mà những lúc nhàn rỗi, em có biết làm gì khác đâu nên cứ tạm bợ vậy”. Nếu bán lại cho các cửa hàng, người đan khăn thuê sẽ chỉ nhận được từ 40 - 50 nghìn tiền công (Ảnh: KV)
Trong khi đó, nhân viên tại một cửa hàng bán khăn ở phố Đinh Liệt (Hà Nội) cho hay, giờ chỉ cần từ 30 – 100 nghìn đồng là người ta có thể sắm một chiếc khăn dệt khá đẹp cho mình rồi nên cũng ít người mua khăn len tự đan lắm. Không chỉ thế, loại khăn này rất nhanh rão, làm mất đi kiểu dáng ban đầu của nó chỉ sau một lần giặt nên người ta cũng ngại dùng mặc dù quàng thì ấm hơn hẳn đấy.
Theo tiết lộ của nhân viên này, sau quá trình tuyển chọn, sàng lọc kĩ càng, thường thì họ chỉ quyết định mua chiếc khăn len nào đó về bán nếu người đan chấp nhận mức giá từ 80 – 100 nghìn đồng trọn gói. “Trả thế là cao rồi. Còn phải để người bán có công nữa chứ. Chúng tôi nhập về, bán ra giỏi lắm được 120 – 150 nghìn/chiếc, lãi chả đáng là bao trong khi đối tượng mua loại khăn này rất kén chọn”, nhân viên này nói.
Hiện nay, theo khảo sát của chúng tôi, không chỉ có các bạn nữ đan khăn thuê mà cũng đã xuất hiện một số chàng trai khéo tay tham gia vào dịch vụ này. Nhờ nghề đan khăn len thuê mà thị trường len lên "cơn sốt" (Ảnh: KV) Rất nhiều người tới các nơi như Chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy, Hà Nội) để mua len mỗi ngày (Ảnh: KV)
Thủ (21 tuổi, nam sinh của một trường đại học ở Hà Nội), người vừa mới gia nhập làng đan khăn thuê kể: "Có những hôm khách đặt hàng gấp, đòi lấy ngay trong ngày hôm sau với mọi giá, em phải thức trắng đêm để làm. Do mới tập tành đan thôi, nên ban đầu em bị dính rất nhiều lỗi, phải tháo ra đan lại khá nhiều lần. Dù biết đồng tiền công chưa tương xứng với công sức mình bỏ ra, nhưng với quỹ thời gian rảnh rỗi chưa biết làm gì trong khi tiền nhà, tiền điện cứ tăng vùn vụt theo từng tháng như thế này thì em vẫn phải cắn răng mà chịu, cố kiếm thêm một chút, phụ giúp bố mẹ được tí nào hay tí đấy".
Cùng cảnh ngộ với Thủ, cậu bạn Tiến tâm sự, giờ mỗi cuộn len thường có giá bán 9 – 10 nghìn đồng, trong khi cần tới ít nhất 4 cuộn mới có thể hoàn tất một chiếc khăn. Chưa kể tiền mua que đan tầm 8 – 10 nghìn/đôi nữa, mà mỗi loại khăn lại cần một loại que đan riêng. “Trừ chi phí đi rồi, trên thực tế chúng em chỉ còn được khoảng 40 – 60 nghìn tiền công là nhiều, chưa kể rủi ro bị khách quỵt do họ không ưng kiểu mình đan nữa, lại phải bán thanh lý cho các cửa hàng với giá bèo bọt”, Tiến nói.Người đan thuê cần khéo tay, biết nhiều kiểu đan
Tiến cho biết thêm: “Ngoại trừ khoản phí rao vặt, gọi điện cho khách, mời chào họ ra với phí học đan khăn, mỗi ngày giỏi lắm em đan được 2-3 chiếc khăn nếu ngồi suốt. Thu nhập tính ra không bằng một buổi đi gia sư hay làm những công việc khác. Do vậy, nghề này chỉ làm theo thời vụ cho vui lúc nhàn rỗi mà thôi, chứ để kiếm sống thì…”.
M.Q
Bình luận