• Zalo

Dân Hy Lạp đổ xô tiêu tiền

Kinh tếThứ Sáu, 10/07/2015 04:37:00 +07:00Google News

Dân Hy Lạp đổ xô tiêu tiền

Lo lắng tiền gửi có thể được dùng để giải cứu ngân hàng, người dân nước này đang tích cực trả nợ, trả thuế và mua mọi đồ dùng có giá trị để tích trữ.

Khung cảnh nhộn nhịp ở cửa hàng thiết bị điện tử Kotsovolos ở khu ngoại ô Athens dành cho giới trung lưu có thể khiến bạn nghĩ rằng tại đây đang diễn ra một chương trình khuyến mãi. Nhưng không. Theo các nhân viên, người dân đang đổ xô đi mua hàng trong sự hoảng loạn.

Lo lắng về khủng hoảng kinh tế sắp tới, và lượng tiền mặt rút ra cũng bị hạn chế, người Hy Lạp đang ra sức dùng thẻ mua lò nướng tủ lạnh, máy rửa bát - bất cứ thứ gì có giá trị để có thể tích trữ trong thời kỳ khó khăn.

"Chúng tôi đã bán được rất nhiều. Người ta thậm chí còn mua cả hàng trưng bày. Chúng tôi phải xếp hàng thưa ra để cửa hàng trông khỏi bị trống", Despina Drisi - một nhân viên đã làm việc tại cửa hàng trong 12 năm cho biết.
Hãng trang sức Zolotas cho biết họ đã từ chối nhiều đơn hàng lớn. Ảnh: NYT 
Không khó để thấy guồng quay cuộc sống ở đây vẫn luôn hối hả. Rất nhiều người dân Hy Lạp từ lâu đã bán ôtô để mua những chiếc xe máy rẻ hơn khiến đường phố tắc nghẹt giờ cao điểm. Thành cổ Acropolis vẫn chật kín khách du lịch. Bạn bè gặp gỡ, hỏi han và ngồi lại với nhau trong những quán cà phê hoặc những nơi có bóng râm để tránh nóng.

Nhưng sau vẻ ngoài sầm uất ấy, người dân Hy Lạp đang phải chống chọi với nỗi sợ hãi đang tăng dần, những ngân hàng đóng cửa im lìm, và nguy cơ mọi thứ trở nên tồi tệ hơn nhiều. Họ sẽ phải đối mặt với những hậu quả tiềm ẩn nếu Hy Lạp phải rời khỏi khu vực đồng euro vì không thể thỏa hiệp với các chủ nợ.

Trong các hàng quán, một vài người theo dõi TV và liên tục kiểm tra điện thoại. Số khác lại không quan tâm tới những gì đang diễn ra ở Brussels. Dù bằng cách nào, họ cũng đang cố gắng bảo vệ tài chính của mình bằng cách mua đồ gia dụng và trang sức, hoặc thậm chí trả trước các khoản thuế, đề phòng trường hợp bị mất tiền tiết kiệm nếu ngân hàng phá sản, như những gì đã xảy ra ở Síp năm 2013.

Antonis Mouzakis, một kế toán tại Athens cho biết: "Rất nhiều khách hàng của tôi muốn tính thuế và trả hết thuế ngay lập tức. Kể cả khi số tiền lên tới 40 - 50 ngàn euro, họ vẫn nhất định đòi thanh toán luôn trong một lần".

Một nhà buôn trang sức - George Papalexis, cho biết một khách hàng đã tới gặp ông và muốn mua số hàng trị giá 1 triệu euro. Nhưng Papalexis đã từ chối vì ông muốn giữ trang sức hơn là giữ tiền trong ngân hàng. "Không thể tin được là tôi đã từ chối đơn hàng đó. Nhưng tôi vẫn phải làm thế bởi nó quá mạo hiểm", ông nói.

Mouzakis cho biết nhiều công ty đang cố gắng thanh toán hết nợ nần, vì lo sợ tiền của họ sẽ bị đem ra giải cứu các ngân hàng Hy Lạp. Còn những công ty được trả thì cũng chẳng muốn nhận,  cũng vì lý do tương tự. Khi các ngân hàng ở Cyprus được cứu trợ năm 2013, những người gửi tiền với tài khoản trên 100.000 euro đã bị mất trắng khoảng 40% tiền tiết kiệm.

Người dân cũng đang làm tất cả mọi điều có thể để bảo vệ chính mình. Buổi tối, rất nhiều người đi bộ quanh thành phố, kiếm tìm những chiếc ATM vẫn chưa cạn tiền. Những người khác thì ngồi nhà dùng máy tính chia tiền ra nhiều tài khoản, hoặc chuyển tiền sang tài khoản của người thân để giảm số dư.

Các ngân hàng nước này đã đóng cửa từ đầu tuần trước. Số tiền người Hy Lạp bị hạn chế rút khỏi  ATM là 60 euro mỗi ngày. Các giao dịch quốc tế cũng bị cấm.

Các phiên đấu giá ở chợ cá trung tâm thành phố, vốn đòi hỏi nhiều tiền mặt, đang dần thưa thớt. Một vấn đề nghiêm trọng nữa là các ATM giờ chỉ xuất tiền 20 và 50 euro, và lại đang cạn dần mệnh giá 20, khiến các cửa hàng rất khó đổi tiền lẻ.

Một số công ty lại tiếp tục cắt giảm nhân sự. "Sếp của tôi bước vào vào nói, ‘Chúng ta tiêu mất. Ông ấy gọi tất cả chúng tôi lại và nói điều đó", nữ nhân viên tại một công ty du lịch cho biết. Sau đó, ông chủ giảm giờ làm của cô xuống 2 ngày một tuần, trong tâm trạng "cực kỳ hoang mang". Tuần qua, công ty này đã không thể bán vé do Hy Lạp bị chặn khỏi hệ thống phân phối vé toàn cầu.
Vasilis Petsas đã trả lương cho nhân viên bằng tiền mặt thay vì chuyển khoản. Ảnh: NYT 
Các nhà bán thuốc cũng bắt đầu lâm vào cảnh khốn khó khi ngân hàng đóng cửa, bởi thuốc chủ yếu được nhập khẩu và họ không có cách nào để trả tiền cho số hàng đó. Michalis Moschonas - một dược sỹ ở Athens chia sẻ khách hàng của ông rất lo sẽ đến một ngày ông từ chối bán thuốc cho họ. Ông cũng rất thông cảm cho điều đó, và cho phép nhiều người không đủ tiền trả được ghi nợ. "Tôi có cả đống giấy ghi nợ sau quầy", ông kể.

Một nhà thầu giấu tên của một công ty năng lượng cho biết công ty của ông ta đã trả hết thuế cả năm từ tuần trước. "Thậm chí tôi còn đang tính mua một chiếc ôtô, dù thực sự chẳng cần đến nó," ông nói, "Mọi người đều muốn đưa tiền của mình vào những tài sản hữu hình, thay vì vào ngân hàng". Mẹ của ông còn nhờ mở giúp bà các tài khoản trực tuyến mới ở nhiều ngân hàng khác nhau để chia nhỏ tiền tiết kiệm.

Kể cả những người không có nguy cơ bị mất tiền trong tài khoản cũng vẫn chi tiền không tiếc tay. Vassilis Bekiaris, 29 tuổi, kể chuyện về hai người anh em mà anh quen, một người mua iPhone khi trong tài khoản chỉ còn 1.000 euro. Người còn lại có 10.000 euro, nhưng nghĩ rằng mình có thể mất 20% số tiền, thế là tiêu luôn 2.000 euro vào quần áo. "Dù sao những gì họ làm cũng giúp nền kinh tế được vực dậy chút ít", Bekiaris nói.

Giữa cơn sốt tiền mặt, một vài ông chủ quyết định trả lương cho nhân viên của mình bằng tiền mặt, thay vì chuyển khoản ngân hàng. Petsas, một công ty gia đình chuyên sản xuất hàng may mặc, đã trả lương cho toàn bộ 130 nhân viên của mình bằng tiền mặt. "Chúng tôi không muốn chứng kiến cảnh họ phải xếp hàng nhiều giờ chỉ để rút 60 euro", anh Vasilis Petsas - Giám đốc công ty cho biết.

"Đó quả là một điều bất ngờ tuyệt vời", cô Effrosini Malamou - trợ lý hành chính trong công ty vui mừng chia sẻ. Dù vậy, cô cũng chẳng thể nào dùng tiền tiết kiệm của mình để đi du lịch được nữa.

Nguồn: VnExpress
Bình luận
vtcnews.vn