• Zalo

Dân “gánh” giá điện cho ngành xi măng, sắt, thép

Kinh tếThứ Năm, 15/03/2012 12:39:00 +07:00Google News

(VTC News) - EVN tăng giá bán điện để đảm bảo theo cơ chế thị trường. Nhưng thực tế giá điện bán cho ngành thép xi măng đang thực hiện ngược với mục tiêu này.

(VTC News) - EVN tăng giá bán điện để đảm bảo theo cơ chế thị trường. Nhưng thực tế giá điện bán cho ngành thép xi măng đang thực hiện ngược với mục tiêu này.

Theo số liệu của ngành kiểm toán, trong năm 2010 sản lượng điện mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bán cho ngành công nghiệp, xây dựng là 44.540 triệu kWh (chiếm 52% tổng sản lượng điện thương phẩm), giá bán bình quân 999,37 đồng/kWh, tăng 6,86% so với năm 2009.

Tính riêng sản lượng điện bán cho sản xuất sắt, thép và xi măng là 9.482 triệu kWh, chiếm 21,28% sản lượng điện phục vụ sản xuất công nghiệp, xây dựng và 11,06% tổng sản lượng điện thương phẩm.

Cụ thể, điện sản xuất sắt, thép là 4.608 triệu kWh (trong đó 673 triệu kWh cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ngành sản xuất xi măng là 4.874 triệu kWh (1.350 triệu kWh cho doanh nghiệp FDI).

Trong khi đó, sản lượng EVN bán cho tiêu dùng trong năm 2010 là 31.934 triệu kWh (chiếm 37,3% tổng sản lượng điện thương phẩm) với giá bình quân 1.030,06 đồng/kWh, tăng 13,5% so với 2009.

Như vậy, những con số trên cho thấy, giá điện cho sản xuất sắt, thép, xi măng không chỉ thấp hơn và tăng chậm hơn giá của người tiêu dùng, mà còn thấp hơn ngay chính với giá thành sản xuất mà EVN công bố.

Đây được coi là phương án hạn chế người dân tiêu dùng điện để giảm áp lực cho công tác đầu tư nhà máy điện. Song việc chiếm tới trên 11% sản lượng điện tiêu thụ tính riêng của ngành sắt, thép và xi măng cũng gây sức ép đến cơ cấu sản lượng điện phát, một yếu tố để EVN điều chỉnh tăng giá điện.

Số hộ nghèo đăng ký sử dụng dưới 50 kWh/tháng là rất ít.

Vì vậy, giá cho những ngành này không tuân theo quy luật dùng nhiều phải trả nhiều. So với một số nước trong khu vực, giá bán điện cho ngành công nghiệp ở Việt Nam mới chỉ ở mức một nửa.

Chính vì thế, năm 2010 ngành điện đã bao cấp cho ngành sản xuất thép, xi măng lên đến 2.547 tỉ đồng. Điều này, theo đánh giá sẽ làm méo mó quan hệ giữa chi phí và giá cả.

Trong khi đó với người dân, chỉ những hộ ghèo mới được trợ cấp 30.000 đồng/tháng, tương đương với 50kWh và giữ giá thấp cho 100kWh đầu tiên. “Ngành điện đang bù chèo cho những ngành tiêu tốn nhiều điện năng là thép, xi măng. Ngược lại tăng giá quá cao khi thu nhập người dân còn thấp. Đây là điều vô lý”, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.

Đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cũng đánh giá, số hộ nghèo, khó khăn đăng ký chỉ dùng dưới 50kWh/tháng là rất ít nên phần lớn người tiêu dùng điện đều phải chịu mức tăng giá điện.

Như vậy, rõ ràng các doanh nghiệp thép, xi măng đang được ngành điện bao cấp giá một cách rất công khai, minh bạch. Ngược lại, giá bán cho người tiêu dùng đang đang dần bám sát thị trường.

Lý giải ngành thép, xi măng đang được “ăn” giá bao cấp, ông Đặng Huy Cường Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương), cho hay đây là những ngành liên quan đến phát triển kinh tế nên có sự xem xét nhất định để không ảnh hưởng tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng và ngân sách Nhà nước.

Song những số liệu trên cho thấy, lợi ích đang rơi vào tay các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp xuất khuất chứ không phải là người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Hiền cho rằng, ngành điện muốn đẩy nhanh quá trình điều chỉnh giá theo thị trường thì trước ết phải giảm bớt được tình trạng bao cấp qua giá điện. Giải pháp được bà chia sẻ chính là nên có bảng giá điện phù hợp cho từng khu dân cư, từng đối tượng, không để người dân phải gánh mức giá mà ngành điện bù cho ngành sản xuất.

Hà Anh

Bình luận
vtcnews.vn