• Zalo

Dân 'gánh' cả tiền vé máy bay để quan chức đi hội nghị

Thời sựThứ Sáu, 25/10/2013 04:44:00 +07:00Google News

Có những hội nghị tổng kết nhỏ cũng mời lãnh đạo bộ ngành về nhưng một cái vé máy bay thôi để lãnh đạo về dự, dân cũng phải gánh.

Có những hội nghị tổng kết nhỏ cũng mời lãnh đạo bộ ngành về, đương nhiên là bộ ngành phải quan tâm rồi nhưng một cái vé máy bay thôi để lãnh đạo về dự, dân cũng phải gánh.

Thảo luận ở tổ sáng 25/10 về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước, các đại biểu QH đặc biệt lo lắng trước tình trạng lãng phí trong việc mua xe công, xây dựng công sở, hội họp, nợ công tăng… trong khi Chính phủ lại đề nghị tăng dự toán chi trong năm sau.

Siết chi tiêu như bà nội trợ


Báo cáo trước QH, Chính phủ đề nghị năm 2014 dự toán chi ngân sách nhà nước tăng 2,9% so với năm 2013, trong đó có chi thường xuyên cho các hoạt động hội họp, mua xe công…

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, đất nước đang khó khăn, từng người dân, doanh nghiệp phải vật lộn để tồn tại và đóng góp từng đồng cho ngân sách nhà nước. Phải tiết kiệt chi tiêu một cách nghiêm ngặt chứ không thể tăng chi.

 Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm: Chúng ta chi một triệu, một tỷ đồng thấy nhẹ nhàng, trong khi người dân gò lưng ra làm từng đồng để đóng góp vào ngân sách
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm: Chúng ta chi một triệu, một tỷ đồng thấy nhẹ nhàng, trong khi người dân gò lưng ra làm từng đồng để đóng góp vào ngân sách 
“Có cần thiết không khi khánh thành các công trình mà làm rất hoành tráng, mời rất đông khách… Thời gian bỏ ra để đi dự lễ khánh thành này đáng lẽ dùng để suy nghĩ đầu tư cái gì có lợi cho quốc gia. Nếu chúng ta nhìn nhận đó là chuyện nhỏ thì đúng là đất nước nghèo và không thoát khỏi cái nghèo”, bà Tâm nói.

“Chúng ta chi một triệu, một tỷ đồng thấy nhẹ nhàng, trong khi người dân gò lưng ra làm từng đồng để đóng góp vào ngân sách. Có những hội nghị tổng kết nho nhỏ cũng mời lãnh đạo các bộ ngành về. Đương nhiên là các bộ ngành phải quan tâm rồi. Nhưng một cái vé máy bay thôi để lãnh đạo về dự, dân cũng phải gánh chịu. Tiền ở đâu ra? Tiền của dân hết. Phải tính lại, tính như người nội trợ ấy, chắt chiu từng đồng một”.

Do đó, ĐB Quyết Tâm đề nghị, QH cần phải yêu cầu Chính phủ thực hiện một cách nghiêm ngặt trong chi tiêu, cần thiết phải có nghị quyết.

Cùng quan điểm này, TS Trần Du Lịch đề nghị, trừ chính sách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội, còn các khoản chi khác cho các hoạt động như hội họp, đi nước ngoài, mua xe công… phải cắt giảm 50% so với năm 2013.

“Bây giờ phải thay đổi nhận thức, xây dựng nhà cửa cơ quan nhà nước là chi cho tiêu dùng chứ không phải đầu tư. Chúng ta không được lạm dụng khái niệm đầu tư để làm nhà, làm cửa. Chúng ta đi vay để đầu tư chứ không phải để chi tiêu. Tôi sẽ đề nghị QH phải thảo luận vấn đề này trước nghị trường”, ông Lịch đề nghị.

Đồng tình, ĐB Đỗ Văn Đương cho rằng, bệnh của nước ta là bệnh hội họp: “Họp gì mà họp lắm thế, họp lắm cũng có giải quyết được gì đâu... Cắt giảm càng nhiều càng tốt, thậm chí cắt giảm 70% chi tiêu so với năm 2013 càng tốt”.
 ĐB Đỗ Văn Đương chỉ ra bệnh hội họp
ĐB Đỗ Văn Đương chỉ ra bệnh hội họp 
ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) thì đề nghị Chính phủ làm rõ, tại sao đất nước đang khó khăn lại tăng chi, làm rõ tăng chi cho cán bộ đi nước ngoài vì vấn đề gì. Từ góc nhìn này, ĐB Sinh yêu cầu Chính phủ mạnh dạn cắt bỏ những thứ chi không cần thiết, cắt 10% các loại chi thường xuyên, chi cho địa phương và vùng miền.

Nợ Vinashin, Vinalines ai trả?


ĐB Quyết Tâm cũng đặt vấn đề, nợ của Vinashin và Vinalines được Chính phủ bảo lãnh để doanh nghiệp có điều kiện vay vốn trả nợ, có nghĩa là doanh nghiệp cũng phải tự làm ăn để trả nợ.

“Chính phủ bảo lãnh là Chính phủ phải chịu trách nhiệm tới cùng chứ. Nếu bây giờ doanh nghiệp không trả được thì ai trả, đặc biệt là nợ nước ngoài?", bà Tâm thắc mắc.

Các đại biểu QH đề nghị, Chính phủ phải báo cáo rõ hơn về nợ công thì mới bàn giải pháp về ngân sách có hiệu quả được và nợ công phải được minh bạch.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, hiện nay chúng ta phải đi vay để chi đầu tư, toàn phải đi vay để ăn. Chính vì thu không bù chi nên vẫn phải đi vay để đầu tư rồi chi thường xuyên và tiền để trả nợ. Việc phát triển thị trường tài chính, tiền tệ chậm nên vẫn có nguy cơ bị đe dọa.

Chủ tịch QH đặt vấn đề, việc phát hành bổ sung 170 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016, không bao gồm 75 nghìn tỷ đã có trong kế hoạch 2012-2015 sẽ gặp khó, phải tính kỹ là vay nhưng lấy tiền ở đâu để trả nợ.




Theo VNN
Bình luận
vtcnews.vn