Sáng nay, đoàn công tác do Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung dẫn đầu đã về xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức để làm việc với người dân thôn Hoành.
Hiện Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đang đối thoại với dân Đồng Tâm tại hội trường xã Đồng Tâm. Khoảng 50 người dân được mời đến cũng đã có mặt. Cuộc họp được tường thuật bằng loa cho bà con bên ngoài nghe. Rất đông người dân ở ngoài hội trường đang chờ đợi cuộc đối thoại diễn ra.
Đây là lần thứ hai Chủ tịch TP Hà Nội đến huyện Mỹ Đức để làm việc với người dân thôn Hoành. Ngày 20/4, Chủ tịch Chung đã về để đối thoại, nhưng dân Đồng Tâm không đến.
Tại buổi đối thoại, về vấn đề đất đai ở khu vực sân bay Miếu Môn mà Bộ Quốc phòng giao Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel), ông Bùi Viết Hiểu (đại diện người dân Đồng Tâm) nói: "Trên đất đồng Sênh từ lâu nay có 47,36ha đất quốc phòng lâu nay người dân không làm gì. Còn lại 59ha là đất của người dân trồng trọt, cách sân bay Miếu Môn hàng kilômét. Nếu Tập đoàn Viettel sử dụng 47,36ha kia thì người dân không ai dám nói, nhưng đằng này lại làm trên đất nông nghiệp 59ha mà người dân vẫn đang sản xuất lâu nay, trong khi chưa có văn bản nào cho thấy đó là đất được giao cho Viettel. Chúng tôi khẳng định, không bao giờ lấn chiếm đất quốc phòng".
Video: Chủ tịch Nguyễn Đức Chung tươi cười bắt tay người dân Đồng Tâm
Ông Trần Viết Lễ, người dân xóm 3 thôn Hoành cho rằng đất đồng Sênh là đất từ đời ông cha để lại. Từ những năm 1950 nhân dân đã sản xuất.
Năm 1980, Hội đồng Bộ trưởng ký quyết định thu hồi 47,36ha trong số 106ha đất đồng Sênh, còn diện tích 59ha vẫn sản xuất bình thường. Sau đó thì lại nói diện tích 59ha là đất quốc phòng rồi sau đó thì có đối tượng xã hội định lấy đất.
"Nguyện vọng của nhân dân Đồng Tâm chỉ muốn nếu thu hồi phải có giấy tờ, sao không có giấy tờ mà cứ nói đó là đất quốc phòng, cho nên, chúng tôi rất bức xúc", ông Lễ phát biểu.
Trước các kiến nghị của người dân, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói: “Tôi xin chia sẻ những bức xúc với bà con, tôi đã ghi chép đầy đủ, tất cả có 21 đề nghị. Đến hôm nay bà con đã nhận thức được việc bắt giữ người là trái pháp luật. Tôi tin sau cuộc đối thoại này, bà con sẽ thả nốt những người đang bị giam giữ còn lại”.
Về kiến nghị không truy cứu trách nhiệm hình sự, ông Chung ghi nhận ý kiến bà con về các bức xúc, thừa nhận việc bắt giữ người là sai.
"Tôi từng làm điều tra, từng làm thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra, giám đốc công an thành phố, hôm nay tôi về với tư cách chủ tịch TP. Tôi ghi nhận việc làm của bà con là từ bức xúc đất đai, từ việc bắt giữ người không công bố lệnh, không mặc trang phục, bắt đưa lên ô tô.
Tôi tin đất nước ta có truyền thống đánh kẻ chạy đi không đánh kẻ chạy lại. Luật pháp có quy định thành khẩn, khắc phục hậu quả, tôi tin bà con sẽ được giảm nhẹ", ông Chung nói.
Ông cũng ghi nhận việc người dân cho các cán bộ bị bắt giữ ăn uống đầy đủ, cho tắm giặt, canh gác đảm bảo an toàn, tài sản người bị giữ còn nguyên, sau này sẽ có trách nhiệm báo cáo xem xét các tình tiết trên.
Về kiến nghị của người dân đề nghị Tập đoàn Viettel dừng thi công, theo ông Chung thì thành phố đã quyết định thanh tra toàn diện khu đất này và cam kết đúng 45 ngày sẽ ra kết luận.
"Cả thanh tra và tôi sẽ về đây đọc dự thảo kết luận, bà con đồng ý sẽ ký kết luận. Tôi cũng đã mời Thanh tra Chính phủ, đoàn đại biểu Quốc hội,... cùng tham gia thanh tra. Tôi cam kết làm công tâm việc này, công minh việc này", ông Chung hứa với người dân.
Về đề nghị của người dân cần điều tra việc bắt giữ và gây thương tích với cụ Kình, ông Chung thông tin từ ngày 15/4 sau khi bắt giữ, ông đã đề nghị Viện Kiểm sát huỷ quyết định ngăn chặn vì cụ đang bị thương. Đến nay, sức khoẻ của cụ Kình rất tốt, đã mổ an toàn, đã tỉnh táo và các con cụ đã vào thăm.
Lãnh đạo thành phố đã thống nhất với Bộ trưởng Bộ Công an thanh tra việc bắt giữ của công an thành phố, ai sai đến đâu sẽ xử lý đến đó, vì pháp luật là thượng tôn.
Video: Chủ tịch Hà Nội đối thoại với người dân Đồng Tâm
Bình luận