Những dòng xe nhỏ di chuyển trong phố thường có dẫn động cầu trước, ngược lại những xe chuyên chở nặng hoặc cần tốc độ ban đầu lớn sẽ sử dụng dẫn động cầu sau.
Vì vậy, chọn một chiếc xe dẫn động cầu trước FWD hay cầu sau RWD là tuỳ thuộc vào điều kiện, công việc, sở thích, mục đích mua ô tô.
FWD (Front-Wheel Drive) là hệ thống dẫn động cầu trước, tức là 2 bánh trước sẽ trực tiếp nhận được "lực" truyền từ động cơ. Hai bánh trước sẽ chủ động quay và "kéo" 2 bánh sau lăn theo.
RWD (Rear-Wheel Drive) là hệ dẫn động cầu sau. Hoạt động của hệ thống này tương tự như FWD nhưng lần này là 2 bánh sau quay và "đẩy" 2 bánh trước lăn theo.
Sử dụng hệ dẫn động cầu trước có lợi gì?
Gần như tất cả các xe ngày nay đều sử dụng hệ dẫn động cầu trước.
Ưu điểm
Hệ dẫn động FWD là do động cơ đặt phía trên trục trước nên trọng lượng của nó được truyền thẳng xuống bánh dẫn động khiến độ bám đường tăng lên, giúp xe hoạt động tốt ở các mặt đường trơn trượt.
Một lợi thế khác của hệ thống dẫn động cầu trước chính là không gian nội thất có thể thiết kế rộng rãi hơn. Vì không cần phải có những hốc lớn trên khung xe để bố trí các kết cấu cơ khí truyền động nên nhà sản xuất có thể dễ dàng bố trí các trang bị tiện nghi cho nộ thất.
Thêm vào đó, một chiếc xe FWD chắc chắn sẽ không có vi sai cầu sau nên thể tích khoang hành lý sẽ được tăng lên đáng kể.
Nhược điểm
Do sự phân bố trọng lượng tập trung nhiều hơn vào phần đầu xe, một chiếc xe trang bị hệ dẫn động cầu trước khó có thể tăng tốc nhanh và luôn thất thế so với xe dẫn động cầu sau trên các đoạn đường thẳng.
Do trọng lượng dồn về phía trước nhiều hơn, giúp phần đuôi trở nên nhẹ hẳn nên việc điều khiển một chiếc xe sử dụng hệ thống FWD rất dễ gặp hiện tượng mất lái khi vào cua, bánh trước sẽ dễ bị trượt và không còn ma sát với mặt đường, nhất là trong điều kiện mặt đường trơn trượt.
Ưu nhược điểm của hệ dẫn động cầu sau RWD
Ưu điểm
Các kết cấu cơ khí truyền động được chuyển từ phía trước ra đằng sau, chiếc xe sẽ có được sự cân bằng trọng lượng tốt hơn, dẫn đến khả năng vận hành ổn định hơn.
Ngoài phân bố đều trọng lượng trên các trục, việc giải phóng các bánh trước khỏi hệ truyền động giúp nó tự do hơn trong nhiệm vụ dẫn hướng và chắc chắn nó sẽ có góc bẻ lái rộng hơn. Cảm giác điều khiển vô-lăng của bạn cũng sẽ êm dịu, thật tay và đầm hơn.
Cấu trúc trục trước trên những chiếc xe RWD đơn giản hơn cũng sẽ giúp các chi tiết cơ khí, hệ thống phanh và hệ thống treo trên xe có tuổi thọ và độ bền cao hơn.
Một ưu điểm khác của xe cầu sau là sự cân bằng, lực đẩy nằm ở bánh sau khiến bánh trước xử lý khúc cua hay rẽ hướng chính xác và nhẹ nhàng.
Ở hầu hết xe hơi, phần nặng nhất là động cơ và hộp số phía đầu xe, nên xe dẫn động cầu sau sẽ truyền tải trọng lượng và động năng đồng đều hơn từ sau ra trước, đẩy giới hạn vào cua và khả năng tăng tốc lên mức cao hơn so với xe cầu trước.
Cũng vì lý do này mà các loại xe thể thao, xe sang hoặc xe đua hầu hết đều là dẫn động cầu sau.
Nhược điểm
Khi tăng tốc, đặc biệt lúc đạp thốc ga ở những xe có công suất lớn hoặc mô-men xoắn cao ở vòng tua thấp, hai bánh sau sẽ có hiện tượng trượt hoặc thân xe xoay ngang. Nên ở những xe hiệu năng cao, hệ thống chống trượt bắt buộc phải được trang bị.
Trong những địa hình trơn trượt, lầy lội hoặc đường tuyết, hai bánh sau sẽ bị mất lợi thế về lực kéo, do phải chịu thêm một khối lượng lớn từ khoang hành khách.
Một phần dung tích khoang nội thất bị mất đi, do phải chừa khoảng trống cho trục dẫn động.
Trọng lượng của xe lớn hơn so với dẫn động cầu trước. Khối lượng tăng thêm đến từ trục dẫn động, từ những chi tiết gia cố thân xe do phải chừa không gian cho trục dẫn động.
Trục sau hay bán trục sau cũng thường dài hơn so với trục trước. Vì thế nếu so sánh một mẫu xe cùng chủng loại và cùng kích thước thì xe dẫn động cầu sau luôn nặng hơn so với xe dẫn động cầu trước.
Công suất bị hao hụt nhiều hơn so với dẫn động cầu trước do phải dẫn qua trục dẫn động.
Bình luận