• Zalo

'Dân còn nghèo,sao mang giá điện đi sánh với thế giới?'

Kinh tếThứ Sáu, 13/07/2012 12:33:00 +07:00Google News

(VTC News) – “Giá điện bán lẻ hiện đã đạt tới 1.506 đồng/kWh, nền kinh tế Việt Nam còn thấp, đời sống nhân dân thấp thì mức giá này không hề rẻ".

(VTC News) – “Giá điện bán lẻ hiện đã đạt tới 1.506 đồng/kWh, nền kinh tế Việt Nam còn thấp, đời sống nhân dân thấp thì mức giá này không hề rẻ”, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN khẳng định.

Thừa điện, vẫn tăng giá!


Theo ông Ngãi, giá điện bán lẻ hiện đạt tới 1.506 đồng/kWh (khoảng 7,2 cents), đây là mức giá không phải rẻ. Còn EVN đem mức giá này đi so sánh với những nước phải mua điện vài ba chục cents rồi kêu rẻ thì rất vô lý. Vì nền kinh tế Việt Nam còn thấp, đời sống nhân dân thấp thì làm sao so với các nước có nền kinh tế phát triển.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN  

“Nói về thị trường giá điện thì không thể nói mù mờ, chung chung được mà phải bằng con số khoa học và dựa trên những tính toán đầy đủ về các chi phí, vận hành, mạng lưới truyền tải…Tất cả những cái này, giá ở Việt Nam khác với thế giới”, ông Ngãi phân tích.


Bên cạnh đó, việc giá điện xưa nay gần như chỉ có tăng, ông Ngãi cho rằng, đây là một điều rất vô lý. Một khi đã gọi là thị trường thì phải có lúc tăng, lúc giảm. Ví dụ vào mùa mưa là phải giảm, lúc thừa điện là phải giảm, lúc người dân không dùng nhiều là phải giảm.

Còn những thời điểm mùa khô, thiếu điện phải huy động nguồn điện chạy dầu và các năng lượng khác khiến đầu vào cao thì có thể tăng giá điện.

“Giá điện phải tùy thuộc vào đời sống kinh tế-xã hội và mức tiêu thụ điện thì mới hợp lý. Như đợt tăng giá điện vừa rồi là không được, lẽ ra còn phải giảm. Vì năm nay gần 70% doanh nghiệp không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, thêm vào đó thủy điện Sơn La vừa đưa vào hoạt động với mức giá rẻ. Như vậy là điện thừa chứ không thiếu và không có lý do gì để tăng giá vào thời điểm này cả”, ông Ngãi nhấn mạnh.

EVN nói không “thống lĩnh” thị trường điện?


Liên quan đến vấn đề cạnh tranh lành mạnh trong thị trường điện, đại diện của EVN, ông Dương Quang Thành, Phó Tổng Giám đốc khẳng định, cơ cấu thị trường điện hiện nay do Chính phủ quyết định, nên EVN không thể có ảnh hưởng hoặc tác động đến kết quả thị trường điện được.

Cụ thể, ông Thành dẫn ra 3 lý do. Thứ nhất, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia - A0 tuy là đơn vị trực thuộc EVN nhưng phải vận hành thị trường điện tuân thủ theo đúng các quy định của thị trường và chịu sự giám sát trực tiếp của Bộ Công Thương, cụ thể là Cục Điều tiết Điện lực, đồng thời cũng phải chịu sự giám sát của các Nhà máy điện tham gia thị trường.

Thừa điện, vẫn tăng giá! 

Thứ hai, là công ty Mua bán điện hiện nay không trực tiếp tham gia thị trường mà chỉ làm nhiệm vụ thanh toán theo kết quả của thị trường nên vai trò là thụ động.


Thứ ba, là các nhà máy điện của EVN là các công ty cổ phần và TNHH MTV có thị phần không chiếm đa số và hoạt động độc lập theo luật doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, EVN vẫn đang độc quyền cả 3 khâu (phát điện, truyền tải điện và phân phối điện) và việc tăng giá bán điện cũng chủ yếu do EVN xây dựng.

Theo đó, ở khâu sản xuất, mặc dù theo lộ trình từ năm 2005 đến năm 2014 là chủ trương phát triển thị trường phát điện cạnh tranh, nhưng cho đến nay EVN vẫn chiếm vị trí chi phối (chiếm khoảng 70% tổng sản lượng điện sản xuất).

Còn ở khâu truyền tải, EVN độc quyền 100%, tức là EVN vừa độc quyền mua (với tư cách là người mua duy nhất mua điện từ các nhà sản xuất khác trong đó có EVN) và độc quyền bán (với tư cách là bán điện cho các nhà phân phối). Trong khi điện là sản phẩm đặc biệt không thể dự trữ, tồn kho được thì khâu truyền tải đặc biệt quan trọng.

Nhìn nhận thẳng thắn vấn đề này, ông Trần Viết Ngãi cho rằng, thị trường phát điện cạnh tranh hiện đã vận hành, nhưng quan điểm của Hiệp hội Năng lượng VN là cho tới bây giờ chưa có thị trường nào cả, vì vẫn là một người vừa mua vừa bán là EVN, Tổng công ty mua bán điện, Tổng công ty truyền tải điện, 3 Tổng công ty phát điện độc lập cũng như 62 công ty điện lực ở các tỉnh thành đều trực thuộc EVN. EVN vẫn đang độc quyền quản lý toàn bộ thị trường điện VN.

Theo ông Ngãi, để có thị trường thực sự, phải tách tất cả các Tổng công ty trên ra khỏi EVN. Trong mô hình mới, chức năng của EVN là quản lý thị trường bán lẻ, EVN chỉ nên quản lý các nhà máy điện đa mục tiêu, nhà máy điện hạt nhân. Còn các nhà máy điện khác nên để hoạt động độc lập, cạnh tranh bình đẳng với các nhà đầu tư khác, có như vậy mới có thị trường bán buôn độc lập.

“Theo tôi, thay vì chia thị trường điện làm 3 cấp độ như hiện nay (phát điện cạnh tranh, bán buôn cạnh tranh và bán lẻ cạnh tranh), chỉ cần tách thành hai cấp độ là thị trường bán buôn cạnh tranh và thị trường bán lẻ cạnh tranh, có thể rút ngắn thời gian thực hiện xuống 4-5 năm, và có thể triển khai ngay từ bây giờ”, ông Ngãi kiến nghị.

Châu Anh

Bình luận
vtcnews.vn