Video: Người dân dựng lều, phản đối trước cổng nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất hồi tháng 6/2021.
Mặc dù chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã vạch ra hàng loạt các phương án để người dân sinh sống gần nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất (thuộc Khu Kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn) thoát cảnh ô nhiễm, song nhiều bà con vẫn dùng dằng trong chuyện đi - ở bởi nhiều lý do.
Khúc mắc chuyện đền bù
Một buổi chiều muộn tháng 11, bà Lê Thị Muốn, 57 tuổi, trú thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, chạy chiếc xe đạp cọc cạch về nhà. Vội vội vàng vàng mở cửa, bà Muốn thắp nén nhang lên bàn thờ gia tiên rồi lật đật rời đi.
Hình ảnh, hành động chỉ gói gọn trong vòng 5 phút trên lặp đi lặp lại theo chu kỳ ngày một và diễn ra suốt gần 2 tháng qua. Bà Muốn chia sẻ, hiện tại, vợ chồng bà đang sống ở khu trọ cách nhà mình chừng 2 cây số. "Hơn 2 năm kể từ ngày nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất đi vào hoạt động là ngần ấy thời gian người dân sinh sống lân cận ăn không ngon, ngủ không yên vì không khí ô nhiễm. Đến mức không thể chịu nổi, vợ chồng tôi phải khăn gói rời đi.
Từ ngày chuyển đến chỗ lưu trú mới, dù tạm bợ nhưng gia đình tôi thoát được mùi hôi khủng khiếp, khói đen lan tỏa cả một vùng trời do nhà máy thép phát tán", bà Muốn giãi bày.
Kể từ ngày nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất đi vào hoạt động là ngần ấy thời gian người dân sinh sống lân cận ăn không ngon, ngủ không yên vì không khí ô nhiễm.
Cũng theo bà Muốn, đến thời điểm hiện tại, vợ chồng bà cùng nhiều hộ dân nằm trong diện quy hoạch phải giải tỏa vẫn chưa đồng ý ký nhận đền bù để bàn giao mặt bằng. Bà Muốn cho hay: "Thứ nhất, khu tái định cư mà chính quyền địa phương dự kiến bố trí cho người dân vẫn chưa thi công xong. Thứ hai, giá đền bù nhà và đất đưa ra quá thấp. Đơn cử như gia đình hai đứa con gái cùng con trai tôi bàn giao nhà và tổng diện tích 600 mét vuông đất nhưng số tiền nhận được chỉ có 2 tỷ đồng.
Đó là hai lý do khiến chúng tôi do dự chưa ký nhận đền bù và chấp nhận bỏ tiền đi thuê trọ để được sống trong môi trường trong lành".
Không khăn gói ra ngoài thuê trọ ở tạm như hàng xóm của mình, vợ chồng ông Ngô Đỗi chọn cách ở lại và chấp nhận "cắn răng cắn cỏ" sống chung với ô nhiễm. "Năm trước, vì không chịu nổi mùi hôi khét lẹt bốc lên từ nhà máy thép, con trai và con dâu tôi đã dắt díu theo hai cháu nhỏ qua bên xã Bình Trị mướn nhà trọ ở. Căn nhà sát vách nhà máy thép của vợ chồng nó từ đó bỏ hoang, xuống cấp.
Tôi và vợ mà bỏ nhà đi nữa thì lấy ai lo hương khói ông bà. Chưa kể, cả hai vợ chồng đều già cả, không làm gì ra tiền thì lấy đâu ra mà kham nổi chi phí thuê trọ hằng tháng nữa. Nói chung, giờ đi không được, ở lại cũng không xong", ông Đỗi ngậm ngùi.
Tương tự vợ chồng ông Đỗi, gia đình bà Phạm Thị Bông cũng đang dùng dằng giữa chuyện đi - ở. Hiện tại, 6 thành viên trong nhà bà Bông vẫn ngày ngày than ngắn thở dài trước hoạt động sản xuất gây ô nhiễm của nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất.
"4 tháng nay, ô nhiễm dù có đỡ hơn khoảng thời gian trước nhưng mùi hôi vẫn khiến hết thảy mọi người trong nhà buồn nôn, chóng mặt. Cứ tới giờ cơm trưa và tối, những hộ chưa rời đi như trường hợp của gia đình tôi phải đóng cửa kín mít thì mới mong nuốt nổi cơm.
Giờ chỉ mong khu tái định cư bên Vạn Tường sớm hoàn thành, chúng tôi sẽ chuyển tới ngay, chứ ở đây thống khổ quá rồi", bà Bông bộc bạch.
Bao giờ thoát cảnh ô nhiễm?
Giữa tháng 6 vừa qua - sau nhiều ngày dân dựng lều, túc trực trước cổng nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất để phản đối hoạt động sản xuất gây ô nhiễm, ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - tổ chức gặp gỡ, lắng nghe nguyện vọng của bà con nhân dân.
Tại buổi đối thoại này, ông Minh trực tiếp xin lỗi người dân vì sự chậm trễ trong quá trình thực hiện tái định cư, để bà con phải chờ đợi lâu.
“Dù doanh nghiệp có sai phạm trong quá trình vận hành nhưng chính quyền phải chịu trách nhiệm trước người dân. Tôi xin lỗi vì để bà con chịu nhiều phiền toái. Lẽ ra việc tái định cư phải làm từ 3 năm trước”, ông Minh nói.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo huyện Bình Sơn đẩy nhanh tiến độ, chậm nhất tháng 10/2021 phải khởi công và trong 12 tháng phải hoàn thành tái định cư. Nếu không thực hiện được phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh và nhân dân.
Trong khi người dân chưa di dời, ông Minh yêu cầu Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất chấm dứt thi công ở vùng 115ha (nơi dự án mở rộng) để đảm bảo môi trường.
Từ sau chỉ đạo của vị lãnh đạo tỉnh, thời gian qua, UBND huyện Bình Sơn đã gấp rút đẩy nhanh thực hiện tái định cư cho hàng trăm hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án Hòa Phát Dung Quất.
Trả lời VTC News, ông Ngô Văn Dụng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn - cho biết, ngày 9/10 vừa qua, khu tái định cư Vạn Tường chính thức được khởi công xây dựng và dự kiến vào cuối năm 2022 sẽ hoàn thành.
"Sau buổi đối thoại hồi tháng 6, chính quyền địa phương cùng đại diện nhà máy thép đã vạch ra 2 phương án để người dân chọn, trong khi chờ chuyển đến khu tái định cư Vạn Tường. Một là chuyển tới ở miễn phí tại khu nhà do Hòa Phát Dung Quất xây dựng. Hai là Hòa Phát Dung Quất sẽ hỗ trợ 2,2 triệu đồng/tháng để người dân tự thuê trọ", ông Dụng nói và thông tin thêm, trong giai đoạn 1, khu Vạn Tường sẽ giải quyết tái định cư cho gần 400 hộ dân nằm trong vùng giải tỏa ở khu kinh tế Dung Quất, trong đó có người dân ngụ cư lân cận nhà máy thép Hòa Phát - Dung Quất.
Trong khoảng thời gian hơn 2 năm nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất đi vào hoạt động tinh luyện, người dân địa phương không ít lần tập trung giăng dây, dựng lều phản đối.
Cụ thể, cuối tháng 11/2019, nhà máy xả khói thải đen kịt kèm mùi khét khó chịu làm cây cối, hoa màu héo rũ, chết khô. Chừng 1 tháng sau, người dân phát hiện và nhanh tay ghi lại hình ảnh khí thải màu nâu đỏ bất thường bốc lên từ nhà máy thép. Lúc này, phía doanh nghiệp lý giải, trong quá trình căn chỉnh chạy thử máy móc thiết bị ban đầu ở nhà máy luyện thép, bộ phận quạt hút của hệ thống lọc bụi tĩnh điện lò thổi xảy ra sự cố khiến bụi phát sinh trong lò thổi không được hút hết mà bay thẳng lên, phát tán qua mái nhà xưởng.
Trong tháng 5/2020, người dân chấp nhận bỏ công bỏ việc, túc trực suốt 1 tuần để chặn xe ra vào nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất khi không chịu nổi mùi hôi thối do nhà máy phát tán.
Từ tháng 1 đến tháng 6/2021, người dân 2 lần rủ nhau tập trung trước cổng nhà máy thép để yêu cầu doanh nghiệp dừng hoạt động.
Bình luận