• Zalo

Dân buôn luồn lách tuồn gà thải Trung Quốc vào Việt Nam

Sức khỏeThứ Tư, 17/04/2013 03:26:00 +07:00Google News

(VTC News) – Dân buôn lậu gà vẫn tìm cách luồn lách đưa gà thải Trung Quốc vào chợ Hà Vỹ.

(VTC News) – Dân buôn lậu gà vẫn tìm cách luồn lách đưa gà thải Trung Quốc vào chợ Hà Vỹ.

Phát biểu tại Hội nghị giao ban thông tin báo chí của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chiều 16/4, bà Chu Thị Minh Huyền – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thường Tín cho hay, trong 3 tháng đầu năm 2013, huyện đã kiểm tra, lập biên bản 3 vụ vi phạm với tổng số tiền thu nộp là 59.250.000 đồng, trong đó tiêu hủy 1 xe với trọng lượng 755 kg gà.

Ngoài ra, 3 xe chưa đủ thủ tục kiểm dịch bị yêu cầu quay về nơi xuất phát để hoàn thiện thủ tục kiểm dịch theo quy định trước khi đem tiêu thụ.

Tuy nhiên, bà Huyền khẳng định, đến nay các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện chưa phát hiện trường hợp nào vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu.

Cùng ngày, Sở Công thương Hà Nội cũng báo cáo đã chặn hết tình trạng nhập lậu gà, 100% gà được bán ở chợ Hà Vỹ có giấy kiểm dịch.

gia cầm nhập lậu
Bà Chu Thị Minh Huyền – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thường Tín khẳng định, đến nay các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện chưa phát hiện trường hợp nào vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu.  

Phản pháo lại các báo cáo trên, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm chiều 16/4, ông Nguyễn Đức Trọng – Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) nói: “Không thể ngăn chặn triệt để tình trạng nhập lậu gia cầm vào nước ta, bởi lợi nhuận thu được từ kinh doanh này quá lớn.

Đầu nậu vẫn tìm mọi cách đưa bằng được gà vào lưu thông trong nước. Theo thông tin tôi mới nhận được trước cuộc họp ban chỉ đạo hôm nay (16/4), mỗi ngày trung bình vẫn có 2 – 3 tấn gà đầu trọc được đưa vào phân phối tại chợ Hà Vỹ.

Gà thường xuyên đi vào đêm, gà đầu trọc đi trước và họ bớt lại một phần gà thải trong nước cho vận chuyển sau. Khi lực lượng chức năng phát hiện đến kiếm tra thì chỉ còn lại gà trong nước, như vậy sẽ không thể phạt được.

So với thời gian trước, bây giờ họ vận chuyển gà đầu trọc hình thức xảo quyệt hơn rất nhiều, gà không về theo lịch như trước nữa, thay vào đó sẽ về bất ngờ để lực lượng chức năng khó nắm được tin. Gà xuống ở bên kia sông bến đò thuộc huyện Khoái Châu – Hưng Yên, sau đó lên đò chở về chợ bán”.

 

Nói gà bày bán tại chợ Hà Vỹ 100% có giấy kiểm dịch của cơ quan chức năng là hoàn toàn không hợp lý, gà thường xuyên được xé lẻ và vận chuyển vào chợ lưu thông.

Ông Nguyễn Đức Trọng – Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi
 
Gà nhập lậu chềnh ềnh ở các chợ lớn?


Cũng theo ông Trọng, nói gà bày bán tại chợ Hà Vỹ 100% có giấy kiểm dịch của cơ quan chức năng là hoàn toàn không hợp lý, gà thường xuyên được xé lẻ và vận chuyển vào chợ lưu thông. Theo quy định, cứ chở dưới 50 con, thì không cần giấy kiểm dịch, như vậy làm sao có thể khẳng định gà tại chợ Hà Vỹ đều đã qua kiểm dịch.

“Từ một số nguồn tin thu được, hiện ở các chợ thuộc tỉnh Cao Bằng, gà đầu trọc vẫn được bày bán theo phiên ngày 1 và 6 hàng tháng. Người Trung Quốc mang gà sang trao đổi hàng hóa với dân mình. Phát hiện có xe chở gà lậu lưu thông khi chặn lại kiểm tra, phát hiện trên xe còn có 4 biển số khác, họ sẽ thay biển qua mỗi tỉnh để đánh lạc hướng cơ quan chức năng.

Tại các lò ấp ở Phú Xuyên hiện gà giống đang bị nhập lậu rất nhiều. Có 2 loại không thể lẫn chỉ cần nhìn qua là phát hiện ra đó là gà giống choai, ở trong nước sẽ không có những loại giống này. Bên cạnh đó, trứng sắp nở cũng bị các đầu nậu tăng cường nhập về ấp trong lò sau thời gian ngắn và bán giống. Như vậy khó xử lý”, ông Trọng cho biết thêm.

Trước thực tế, cúm gia cầm đang gây bệnh và cướp đi sinh mạng của khá nhiều người tại Trung Quốc, tình trạng nhập lậu gà đầu trọc và con giống vào nước ta vẫn chưa thể kiểm soát triệt để. Ở nước ta, tuy chưa xảy ra trường hợp nào nhiễm chủng virus mới, tình hình dịch bệnh về cơ bản ổn định, nhưng thời gian tới thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiệt độ thay đổi thất thường làm giảm sức đề kháng đàn gia cầm lo ngại bùng phát dịch bệnh.

Theo Cục Thú y, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) vừa thông báo chấp nhận tài trợ khoản 50.000 USD để khẩn cấp giám sát phát hiện virus cúm A/H7N9 ở gà nhập lậu hoặc gia cầm ở 60 chợ, điểm thu gom gia cầm giáp biên giới với Trung Quốc.


Các địa phương khẩn trương phòng, chống cúm

Hà Nội: Trung tâm Y tế dự phòng đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị hóa chất phòng chống dịch với 106 chiếc máy phun, 13,6 tấn Cloramin B, 2.000 viên Tamiflu và các phương tiện khác để phòng chống cúm A/H7N9. Sáu đoàn kiểm tra phòng chống dịch cũng được thành lập, tăng cường kiểm tra đột xuất công tác chuẩn bị phòng chống dịch bệnh tại các quận, huyện.

TP.HCM: Chi cục Thú y đã phối hợp với huyện Cần Giờ tổ chức lấy mẫu chim yến sống, phân yến… để kiểm tra giám sát virus cúm A/H5N1. Theo lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ, toàn huyện hiện có gần 200 nhà nuôi yến và cho đến nay chưa phát hiện chim yến chết.

Quảng Ninh: Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh trên người của tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị công tác khẩn về triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh cúm A trên người (H1N1, H5N1, H7N9) vào chiều 16-4. Tin mới nhất, tại TP Hạ Long, Quảng Ninh đã có 11 trường hợp mắc cúm A/H1N1. Đến nay, 8 người đã xuất viện, 3 người còn lại sức khỏe ổn định.



Mai Lan


Bình luận
vtcnews.vn